Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1291
Tổng truy cập : 558,032

Nuôi trồng thủy, hải sản

Phòng, chống một số bệnh thường gặp do vi khuẩn trên cá biển

Giới thiệu biện pháp phòng, chống một số bệnh thường gặp do vi khuẩn trên cá biển: Bệnh lở loét do vi khuẩn ; Bệnh đục mắt do vi khuẩn Streptococcus sp; Bệnh tróc vây rộp da do vi khuẩn.


Khi cá bị bệnh nếu không chữa trị kịp thời các vết loét ngày càng phát triển thậm chí ăn tới tận xương rồi cá mới chết. Tỷ lệ chết do bệnh gây ra có thể lên đến 90%.

1. Bệnh lở loét do vi khuẩn 

Bệnh lở loét do vi khuẩn gây ra là một trong những bệnh thường gặp trên cá nuôi biển. Bệnh vi khuẩn thường xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa giữa mùa hè và mùa thu, giữa mùa thu và mùa đông hoặc mùa xuân đặc biệt đối với các lồng nuôi có mật độ cao.

– Tác nhân gây bệnh: Bệnh do vi nhiều nhóm vi khuẩn khác nhau gây ra như Vibrio sp, Pseudomonas sp, Streptococcus sp, và Flexibacter sp.

– Dấu hiệu bệnh: Khi cá bị bệnh thường có các dấu hiệu bệnh điển hình như cá bỏ ăn, bơi lờ đờ hoặc tách đàn. Trên thân cá có các vết loét, đốm đỏ, tuột vẩy và xuất huyết, mòn vây, mòn mang. Khi cá bị bệnh nếu không chữa trị kịp thời các vết loét ngày càng phát triển thậm chí ăn tới tận xương rồi cá mới chết. Tỷ lệ chết do bệnh gây ra có thể lên đến 90%.

– Chẩn đoán bệnh: Phương pháp nuôi cấy và phân lập vi khuẩn hoặc phương pháp sinh học phân tử (PCR).

– Phương pháp phòng bệnh:

+ Chính quyền địa phương: Thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi, quy hoạch khu vực riêng để có thể di dời các lồng nuôi khi có cá bị bệnh và xử lý tại khu vực này, xây dựng hệ thống giám sát, quản lý về dịch bệnh trên cá.

+ Người nuôi: Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp theo Thông tư 04/2016/BNN-PTNT, cụ thể: Giảm mật độ lồng bè nuôi, bảo đảm số lượng lồng bè theo đúng quy hoạch của địa phương; có biện pháp xử lý, cải tạo vùng nước và đáy khu vực lồng bè. Chọn vị trí nuôi thích hợp, tránh vùng nước bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm cao. Chọn con giống khỏe mạnh, không xây xát, dị hình, không mắc bệnh. Con giống nhập tỉnh phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch theo quy định. Rửa trứng cá trước khi ấp bằng iodine có nồng độ là 2 ml/100 lít nước trong 15 phút. Thả cá với mật độ thích hợp, định kỳ vệ sinh và khử trùng lồng nuôi, cho cá ăn đủ về số lượng và chất lượng, không cho cá ăn thức ăn đã bị ôi, thiu, ẩm mốc. Định kỳ sử dụng thuốc hoặc hóa chất tắm cho cá. Sử dụng hỗn hợp vitamin nhằm tăng cường sức kháng bệnh cho cá đặc biệt vào các tháng trước khi dịch bệnh vi khuẩn xảy ra. Sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn cá. Thức ăn phải được kiểm soát, quản lý không làm lây lan dịch bệnh và gây ô nhiễm nguồn nước do thức ăn thừa gây ra; thực hiện thu gom chất thải để đưa vào đất liền xử lý.

Sử dụng thuốc và hóa chất phù hợp để phòng ngừa bệnh cũng là phương pháp hiệu quả. Ngoài ra, các hộ nuôi có thể treo túi thuốc tím hoặc TTCA đầu dòng chảy định kỳ. Đây là phương pháp tốt giúp hạn chế bệnh cho cá nuôi. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh y tế, kháng sinh cấm, không có trong danh mục để trị bệnh cho thủy sản nuôi. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh (cả giám sát bị động và chủ động), đồng thời thực hiện khai báo cho cơ quan có thẩm quyền và chuyên môn thú y khi có sự cố xảy ra. Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, vệ sinh và khử trùng lồng bè, ao nuôi, lưu thông dòng chảy, đảm bảo lượng ôxy hòa tan. Khi môi trường thay đổi, nước biển nhớt hoặc có váng, người nuôi cần có biện pháp vệ sinh, phòng ngừa bệnh ngay.

– Điều trị:

+ Khi phát hiện cá bị bệnh, chết bất thường chủ cơ sở phải khai báo cho thú y cơ sở hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất, đồng thời thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y thủy sản.

+ Chủ cơ sở chủ động phối hợp với cán bộ thú y kiểm tra, lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Trong trường hợp dương tính với vi khuẩn làm kháng sinh đồ. Việc sử dụng thuốc phải theo hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền hoặc người có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thủy sản. Đảm bảo việc sử dụng đúng, đủ theo quy định. Ngừng thuốc theo đúng quy định trước khi xuất bán.

+ Trong trường hợp không thu hoạch được hoặc không điều trị được, thực hiện tiêu hủy cá mắc bệnh theo quy định tại điều 18 Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT.

2. Bệnh đục mắt do vi khuẩn Streptococcus sp 

– Giai đoạn xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện chủ yếu vào giai đoạn cá giống và cá nuôi thương phẩm. Mùa xuất hiện bệnh như mùa hè và thời gian giao mùa. Bệnh chủ yếu xuất hiện trên các loài cá song, cá giò nuôi thương phẩm.

– Dấu hiệu bệnh: Cá bị bệnh có dấu hiệu đặc trưng đó là cá bị đục mắt. Ban đầu cá vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, khi bị bệnh nặng thì mắt cá có thể bị hỏng nhưng cá vẫn sống. Tuy nhiên, tốc độ sinh trưởng giảm do khả năng bắt mồi kém. Cá thường bị chết do các tác nhân gây bệnh khác như nấm, vi khuẩn hoặc virus gây ra.

– Chẩn đoán bệnh: Phương pháp định danh phân loại vi khuẩn

– Phương pháp phòng bệnh: Tương tự với phương pháp phòng bệnh lở loét do vi khuẩn.

– Phương pháp trị bệnh: Trị bệnh bằng một số loại kháng sinh như cho cá ăn thức ăn có trộn với oxolinic acid, liều lượng là 20 mg/ kg thức ăn. Tắm cho cá bị bệnh bằng dung dịch diệt ký sinh trùng cũng có hiệu quả trong trị bệnh. Việc sử dụng thuốc phải theo hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền hoặc người có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thủy sản. Đảm bảo việc sử dụng đúng, đủ theo quy định. Ngừng thuốc theo đúng quy định trước khi xuất bán.

3. Bệnh tróc vây rộp da do vi khuẩn 

Bệnh tróc vẩy, rộp da do vi khuẩn gây ra là một trong những bệnh nguy hiểm cho nghề nuôi cá song, bệnh thường xẩy ra trên giai đoạn cá song giống và nuôi thương phẩm. Mùa xuất hiện bệnh thường vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân.

– Tác nhân gây bệnh: Có nhiều nhóm tác nhân gây bệnh khác nhau gây ra bệnh trên bao gồm: V. alginolyticusV. anguillarum, V. ordaliiV. hollisae và V. pectenicida 

– Dấu hiệu bệnh: Khi cá bị bệnh thường có các dấu hiệu như tróc vây, vây bị hoại tử và bị ăn mòn theo thời gian. Khi bị bệnh cá ngừng ăn và tỷ lệ chết rất cao.

– Phương pháp phòng bệnh:

+ Chính quyền địa phương: Thực hiện quy hoạch chi tiết vùng nuôi, quy hoạch khu vực riêng để có thể di dời các lồng nuôi khi có cá bị bệnh và xử lý tại khu vực này, xây dựng hệ thống giám sát, quản lý về dịch bệnh trên cá.

+ Người nuôi: Áp dụng các phương pháp phòng tổng hợp tương tự với bệnh lở loét do vi khuẩn. Hiện nay chưa có biện pháp trị bệnh tróc vẩy có hiệu quả vì khi phát hiện cá bị bệnh thì chúng đã ngừng ăn nên không thể trộn thuốc vào thức ăn được. Nếu kéo cá nên và tắm bằng hóa chất cũng như thuốc kháng sinh thì cá chết càng nhanh hơn và không có hiệu quả. Tỷ lệ chết do bệnh này là rất cao, có thể nên đến 100% trong vòng 1 tuần. Việc sử dụng thuốc, hóa chất phải theo hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền hoặc người có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh thủy sản. Đảm bảo việc sử dụng đúng, đủ theo quy định. Ngừng thuốc theo đúng quy định trước khi xuất bán.

70532-ntm.003327-phong-chong-mot-so-benh-thuong-gap-do-vi-khuan-tren-ca-bien.pdf