Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 57
Tổng truy cập : 561,317

Chăn nuôi

Phòng trị bệnh ILT trên gia cầm

Chia sẻ kinh nghiệm về việc phòng trị bệnh ILT trên gia cầm: tác nhân, triệu chứng, bệnh tích, chuẩn đoán, điều trị, phòng bệnh.


Viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với mức độ lây lan nhanh, gây thiệt hại kinh tế lớn. Do vậy, cần có các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả để giảm thiểu các tổn thất trong trang trại.

1. Tác nhân

Bệnh do virus thuộc nhóm Herpes gây ra, xảy ra trên tất cả các loại gia cầm bao gồm: gà, gà tây, gà lôi... chim, ngỗng cũng có ghi nhận nhiễm bệnh tuy nhiên mức độ trầm trọng không cao. Tuổi gia cầm mắc bệnh thường từ sau 20 ngày đến dưới 1 năm tuổi, bệnh nặng nhất vào giai đoạn gà được 3 - 5 tháng tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, nặng nhất là vào mùa nóng ẩm, điều kiện vệ sinh chăn nuôi kém. Bệnh có thể lây truyền theo phương thức truyền dọc từ mẹ sang con, truyền ngang qua đường hô hấp và đường miệng.

2. Triệu chứng

 Bệnh có 5 thể biểu hiện: cấp tính dưới cấp, mãn tính, thể mắt, thể ẩn bệnh.

 Thể cấp tính: Có một số gà bị chết đột tử. Một số khác buồn ngủ, ủ rũ, xù lông, thở khó, ngạt từng cơn, rướn dài cổ khi hít khí và ngáp hoặc hắt hơi. Cuối cơn ngạt, gà lắc đầu khạc đờm đôi khi có lẫn máu. Da, mào tích màu xanh tím. Các biểu hiện viêm mũi, viêm mí mắt, chảy nước mắt nước mũi luôn hiện hữu. Tỷ lệ chết cao 50 - 70%.

Thể dưới cấp: Viêm mũi, viêm mắt, viêm xoang má làm cho gà bị phù đầu giống như sổ mũi truyền nhiễm hoặc bệnh cúm gà chảy nhiều nước mũi, nước mắt. Ho ngạt từng cơn thưa thớt. Gà ăn kém giảm đẻ, tỷ lệ ốm khoảng 50%. Tỷ lệ chết không quá 20%, bệnh kéo dài 2 - 3 tuần thì chuyển qua thể mãn tính.

Thể mắt: Thể này thường xảy ra ở gà 20 - 40 ngày tuổi. Gà sợ ánh sáng nên gà bệnh thường tìm chỗ ít ánh sáng để đứng hoặc nằm, chảy nước mắt, 2 mí mắt bị viêm dính lại với nhau dẫn đến viêm toàn mắt, mù mắt. Đầu sưng phù.

 Thể mãn tính: Các triệu chứng ho thở ngạt xảy ra với tần số thấp. Tỷ lệ đẻ giảm nhẹ nhưng kéo dài. Tỷ lệ chết 5%. Bệnh kéo dài hàng tháng, thậm chí đến 2 tháng.

Thể ẩn bệnh: Đây là thể bệnh mang trùng, không có dấu hiệu bệnh rõ rệt. 

3. Bệnh tích

Bệnh tích điển hình là sự xuất huyết điểm ở khí quản, thường 1/3 phía trên, đường hô hấp có nhiều dịch nhầy màu vàng. Niêm mạc thanh quản cũng phù nề đỏ hoặc được phủ một lớp màng nhầy trắng. Viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, viêm xoang). Viêm mí mắt, phù nề đầu. Túi Fabricius sưng to, bổ đôi thấy dồn máu đỏ hồng.

4. Chẩn đoán

Sử dụng các biện pháp chẩn đoán trên phòng thí nghiệm để có những kết luận chính xác về nguyên nhân gà chết. Với bệnh ILT ta có thể soi dưới kính hiển vi tìm virus tồn tại trong các biểu mô, dùng phương pháp PCR, phương pháp Elisa…

5. Điều trị

ILT là bệnh do virus herpes nên không điều trị bằng kháng sinh. Khi phát hiện ILT trong trại, cần cách ly tuyệt đối với các dãy chuồng khác. Để điều trị bệnh ILT, cần sử dụng vaccine. Tuy nhiên, khi sử dụng vaccine để điều trị cần chú ý tới sức khỏe đàn gà xem có thể sử dụng được ngay hay không.

Nếu tình trạng đàn gà mới bị giai đoạn đầu, sức khỏe vẫn tốt, có thể sử dụng ngay vaccine kết hợp tăng cường sức đề kháng. Nếu tình trạng sức khỏe đàn gà yếu, cần sử dụng các chất long đờm, tăng sức đề kháng sau đó mới sử dụng vaccine, và tiếp tục theo dõi kết hợp tăng cường thuốc bổ và nâng cao sức đề kháng.

Sau khi đã xử lý bằng vaccine để loại bỏ một số gà nhiễm nặng, cần sử dụng một số loại kháng sinh về đường hô hấp điều trị cũng như phòng kế phát như: Tylosin + Doxy hoặc Gentatylo + Ampicoly, liều 1 gam mỗi loại/10 kg trọng lượng. Dùng liên tục 5 - 6 ngày.

6. Phòng bệnh

 Đây là bệnh do virus gây ra và không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể phòng bệnh bằng vaccine và kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học.

- Sử dụng vaccine phòng bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB) lần 1 khi gà 5 ngày tuổi; lần 2 khi gà 21 ngày tuổi và lần 3 khi gà 70 ngày tuổi. Sử dụng vaccine phòng bệnh ILT lần 1 khi gà 25 ngày tuổi. Nhắc lại sau đó 1 tháng.

- Cần có một kế hoạch an toàn sinh học nghiêm ngặt.

- Có bố trí hố sát trùng ở cổng trại và các hố sát trùng tại mỗi dãy chuồng nuôi.

- Khử trùng và cách ly nghiêm ngặt khi có sự ra vào trại. Hạn chế tối đa việc lưu thông xe trong khu vực trại.

- Cần tham khảo nhanh chóng ý kiến của bác sỹ thú y khi có gà chết, hay khi có những biểu hiện bất thường của đàn gà.

- Chỉ mua con giống tại các cơ sở sản xuất uy tín.

- Tránh nhiễm khuẩn vào thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi


50129-ntm.002400_phong-tri-benh-ilt-tren-gia-cam.pdf