Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1629
Tổng truy cập : 558,760

Nuôi trồng thủy, hải sản

Phòng trị bệnh nuôi thủy sản mùa mưa

Tìm hiểu phương pháp phòng trị bệnh nuôi thủy sản mùa mưa: bệnh do ký sinh trùng, bệnh do vi khuẩn, bệnh nấm, bệnh đóng rong, bệnh đốm trắng


Phòng trị bệnh nuôi thủy sản mùa mưa

 

1. Phòng bệnh

Trong mùa mưa lũ, một số loại bệnh thường xuất hiện, như: Cá bệnh do ký sinh trùng (bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, nấm thủy mi), rận cá, bệnh đóng rong ở tôm…, các bệnh do vi khuẩn, vi rút. Do đó cần phải quản lý ao, chăm sóc tốt cho động vật thủy sản:

- Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 3kg/m3 nước để làm cho nước trong sạch.

- Bảo đảm môi trường ao nuôi cho cá, tôm trong sạch bằng cách bón vôi định kỳ. . Ví dụ: nuôi cá rô phi định kỳ 7 – 10 ngày/lần bón 1-2kg/100m3 nước. Có thể sử dụng hóa chất khác như Zeolite bón để chúng hấp thu các độc tố (NH3, H2S) và kim loại nặng, liều dùng 1-2kg/100m3, định kỳ 10 ngày/lần.

- Đối với nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ nước lớn cần sử dụng vôi bột chưa nung đựng trong bao vải treo ở các góc lồng. Liều lượng sử dụng là 2-4 kg vôi/10m3, khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác

- Bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50-60 mg/kg cá/ngày. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột.

2. Trị bệnh

2.1. Đối với cá

2.1.1. Biện pháp phòng, trị bệnh ký sinh trùng

Khi cá bị bệnh ký sinh trùng, người nuôi có thể sử dụng muối ăn, sun phát đồng, formalineformaline... tắm cho cá hay treo túi thuốc để phòng, trị bệnh.

Tùy theo loại bệnh và mức độ nhiễm bệnh cũng như điều kiện cho phép để lựa chọn biện pháp xử lý cho phù hợp.

- Bệnh trùng bánh xe

Tắm cho cá bằng nước muối với liều lượng: 2 - 3% (20 - 30g muối/lít nước) trong 5- 15 phút.

Hoăc tắm sun phát đồng (CuSO4) với liều 3-5 g/m3 trong 10- 15 phút.

- Bệnh trùng quả dưa

Tắm cho cá bằng formaline 200- 300ml/m3 trong thời gian 30- 60 phút.

- Bệnh bào tử trùng

Trùng thích bào tử có vỏ dầy, rất khó tiêu diệt, hiện nay chưa có thuốc phòng, trị bệnh hữu hiệu. Vì vậy cần phải đặc biệt chú ý đến việc phòng bệnh.

Phòng bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh cho cá.

Kiểm dịch con giống, nếu có bệnh, phải loại bỏ cá, dùng các chất khử trùng mạnh (vôi bột, chlorine…) với nồng độ cao để tiêu diệt mần bệnh.

- Bệnh trùng mỏ neo

+  Ngâm lá xoan 0,4-0,5 kg/m3 nước lồng nuôi cá

+ Hoặc tắm cho cá bằng thuốc tím KMnO4 với liều lượng 10- 12 g/m3 từ 1-2 giờ, ở nhiệt độ 20- 300C

Lưu ý: Sự phân hủy của lá xoan làm giảm oxy hòa tan, tăng hàm lượng khí cacbonic (CO2) và các khí độc tăng làm nổi đầu. Do vậy, khi dùng lá xoan cần phải có các biện pháp kỹ thuật thích hợp và kịp thời.

-  Bệnh sán lá đơn chủ

Tắm cho cá thuốc tím với nồng độ 20g/m3 trong thời gian 15-30 phút

Tắm nước muối có nồng độ 2 - 3 % (20 - 30 kg/m3) trong 5-15 phút.

2.1.2. Biện pháp phòng, trị bệnh do vi khuẩn

Việc trị bệnh do vi khuẩn cho cá rất khó khăn, tốn kém và hiệu quả không cao, vì vậy phòng bệnh rất quan trọng.

* Biện pháp phòng bệnh:

Đảm bảo môi trường nước tốt cho đời sống của cá, không để cá bị sốc do môi trường thay đổi xấu.

Cung cấp thêm lượng vitamin C, lượng dùng thường xuyên từ 20-30mg Vitamin C/1 kg cá/ngày.

* Biện pháp trị bệnh:

Khi bệnh xảy ra cần có biện pháp xử lý kịp thời. Việc chữa trị chỉ hiệu quả khi phát hiện sớm, chẩn đoán đúng bệnh và trị bệnh các biện pháp hợp lý.

Khi phát hiện cá có các dấu hiệu của 2 loại bệnh trên cần áp dụng các biện pháp trị bệnh như sau:

Tăng sức để kháng cho cá nuôi: trộn vitamin C vào thức ăn rồi cho cá ăn.

Cho cá ăn thuốc kháng sinh: trộn kháng sinh vào thức ăn đúng liều lượng hướng dẫn. Cho cá ăn liên tục từ 5-7 ngày, từ ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi 1/2 so với ngày đầu.

Một số thuốc kháng sinh sử dụng trị bệnh vi khuẩn: Oxytetracyclin, Steptomycin, Kanamycin, nhóm Sulphamid, Erythromycin, Rifamyxin, Sulfadiazine, Neomycine.

2.1.3. Biện pháp phòng, trị bệnh nấm

- Biện pháp phòng bệnh:

Tạo điều kiện sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh

Cho cá ăn đầy đủ không để cá bị suy dinh dưỡng (thiếu ăn).

Không nuôi mật độ quá cao

Tránh làm sây sát cá do đánh bắt, vận chuyển.

Tăng cường cho cá ăn vitamin C.

- Biện pháp trị bệnh:

Khi bệnh xảy ra cần có biện pháp sau:

Tắm cho cá bằng hóa chất diệt nấm như dung dịch muối ăn, thuốc tím (KMnO4)... Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đưa thuốc trực tiếp xuống ao nuôi với nồng độ thuốc bằng 1/10 liều lượng thuốc khi tắm.

2.2. Đối với tôm nuôi:

2.2.1.  Biện pháp phòng trị bệnh đóng rong

- Phòng bệnh bằng cách quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm.

- Tăng cường thay nước nhằm cải thiện môi trường đồng thời kích thích cho tôm lột. Nếu tỷ lệ nhiễm cao, chúng ta có thể dùng formol liều lượng từ 15-20ppm đánh vào ban ngày sau đó thay nước, nếu đóng rong vẫn còn ta có thể đánh tiếp lần hai.

2.2.2. Biện pháp kiểm soát bệnh đốm trắng

- Hiện chưa có biện pháp chữa trị tôm bị nhiễm virus đốm trắng.

- Sử dụng dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như:

- + Cải tạo ao triệt để trước khi đưa vào nuôi.

+ Nguồn nước đưa vào ao nuôi phải được xử lý mầm bệnh. Nguồn nước thải của các ao nuôi nhất là trong mùa dịch bệnh cần đưa vào ao xử lý để tiêu diệt mầm bệnh (Chlorine 30 ppm) và giữ ít nhất 4 ngày trước khi thải ra ngoài môi trường.

+ Sử dụng con giống sạch đã qua kiểm dịch và xét nghiệm.

+ Sử dụng định kỳ các chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng của tôm.

+ Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách trộn chung các loại vitamin và khoáng chất nhất là vitamin C và β glucan cho vào thức ăn cho tôm ăn.

+ Nếu phát hiện tôm bị đốm trắng phải thu hoạch ngay để tránh thiệt hại lớn.

 87746-ntm.003146_phong-tri-benh-nuoi-thuy-san-mua-mua.pdf