Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2915
Tổng truy cập : 1,161,483

Nuôi trồng thủy, hải sản

Phòng trị bệnh tụ huyết trùng, tiêu hóa ở thỏ

Chia sẻ thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp phòng trị một số bệnh ở thỏ: bệnh tụ huyết trùng, bệnh trướng hơi đầy bụng, bệnh đau bụng, ỉa chảy


1. Bệnh tụ huyết trùng

- Triệu chứng: Triệu chứng lâm sàng của bệnh là gầy yếu, kém ăn, sốt cao 41- 42 độ C, khó thở, kết mạc mắt đỏ, chảy nước mũi có lẫn dịch nhờn. Nhiều khi bệnh ở dạng cấp tính, có thể làm thỏ chết đột xuất, chết nhiều trong thời gian ngắn mà không biểu hiện lâm sàng.

- Nguyên nhân: Trong niêm mạc đường khí quản của thỏ thường có vi trùng Pasteurella tiềm sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút (do môi trường ngoại cảnh tác động như gió lùa, thay đổi thời tiết đột ngột, dinh dưỡng kém hoặc viêm mũi kéo dài...) thì loại vi trùng này có độc lực lớn hơn sẽ gây bệnh ở nhiều dạng khác nhau như: viêm phổi, viêm kết mạc, phế mạc, viêm màng ngoài tim, viêm não dẫn đến thỏ nghiêng đầu.

Bệnh lan nhanh qua đường hô hấp bằng cách hít thở phải vi trùng ô nhiễm trong phân, bụi không khí. Tụ huyết trùng lợn gà, cũng có thể lây lan sang thỏ và làm tăng độc lực cho tụ huyết trùng thỏ gây bệnh.

- Biện pháp phòng, trị bệnh

Phòng bệnh: Thỏ rất mẫn cảm với vi trùng Pasteurella nên phải đề phòng bằng cách nuôi dưỡng chăm sóc tốt, bảo quản thỏ trong môi trường hợp vệ sinh, không nên nhốt thỏ trên chuồng gà, chuồng lợn, vừa ngột ngạt, vừa có nguy cơ lây lan mầm bệnh từ gà sang thỏ.

Trị bệnh: Thuốc đặc hiệu là Streptomycin với liều lượng 0,1g/kg thể trọng hoặc dùng Kanamycin tiêm với liều lượng 0,05g/kg thể trọng. Tất cả đều tiêm trong 3 ngày liền.

2. Bệnh trướng hơi đầy bụng

- Triệu chứng: Thỏ bị trướng hơi thể hiện bụng to, phình ra, căng như quả bóng bay, thỏ không yên tĩnh, khó thở và chảy nước dãi ướt lông quanh hai mép. Nếu không điều trị, đường ruột căng hơi chèn ép các cơ quan nội tạng như phổi sẽ làm thỏ chết ngạt.

- Nguyên nhân: Bệnh thường xảy ra ở những gia đình nuôi thỏ chủ yếu bằng rau lá củ quả chứa nhiều nước; có khi do thức ăn bị thối, nẫu nát, mốc hoặc chuyển tiếp thức ăn quá đột ngột từ thức ăn khô kéo dài sang thức ăn xanh với lượng lớn. Mùa hè khi thỏ khát nước mà cho uống nước cùng với thức ăn thô xanh, củ quả cũng có thể gây bệnh.

- Biện pháp phòng, trị bệnh

Khi thấy thỏ trướng hơi cần ngừng cho thức ăn xanh và nước uống, chỉ cho ăn ít lá chát, lá chè, lá ổi, lá sắn dây đồng thời cho uống 1- 2 thìa con dầu thực vật, lấy tay vuốt xuôi hai bên thành bụng nhiều lần, ép cho thỏ phải chạy nhảy hoạt động nhiều lần.

Cần đề phòng bệnh này bằng cách phơi các loại rau lá chứa nhiều nước trước khi cho ăn, phải chuyển tiếp thức ăn dần dần và cho thức ăn sạch có chất lượng tốt, không cho ăn rau xanh chứa nhiều nước ngay sau khi cho uống nước.

3. Bệnh đau bụng, ỉa chảy

- Triệu chứng: Phân thỏ lúc đầu hơi nhão, sau đó lỏng dần, thấm dính bết lông quanh hậu môn. Thỏ kém ăn, lờ đờ, uống nước nhiều, gày yếu dần rồi chết

- Nguyên nhân: Thực chất của bệnh này là rối loạn tiêu hoá do chuyển tiếp thức ăn đột ngột; thức ăn, nước uống bị dính tạp chất bẩn, dính nước mưa, nước hồ ao bẩn; uống nước lạnh; hoặc thỏ nằm trên đáy lồng cao bị gió lạnh lùa vào bụng v.v... Lứa tuổi sau khi cai sữa một tuần đến khi được 3 tháng là hay bị mắc bệnh này.

- Biện pháp phòng, trị bệnh: Khi thấy phân nhão cần đình chỉ ngay các loại thức ăn, nước uống hoặc yếu tố khác mất vệ sinh. Đồng thời cho uống ngay nước chiết xuất đặc của cây nhọ nồi, búp chè, búp lá ổi, cỏ sữa… Có thể cho uống Sulfaganidin với liều 0,1g/kg thể trọng, uống trong 3 ngày liền.


15333-ntm.001657_benh-tu-huyet-trung-tieu-hoa-o-tho.pdf