Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 496
Tổng truy cập : 562,666

Trồng trọt

Phòng trừ bệnh sọc lá trên cây ngô

Tìm hiểu về bệnh sọc lá trên cây ngô: triệu chứng, tác hại của bệnh sọc lá trên cây ngô; tác nhân gây bệnh, điều kiện phát sinh, phát triển; một số biện pháp phòng trừ bệnh sọc lá hại ngô


Trong những năm gần đây, nông dân trồng bắp trên các vùng chuyên canh đang phải đối phó với một bệnh khá nghiêm trọng trên cây bắp.

Nhiều nông dân buộc phải hủy bỏ hoặc gieo trồng cây khác, dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng kết quả không như mong muốn. Đó là bệnh sọc lá bắp. Sau đây là một số thông tin giúp bà con nông dân phòng ngừa bệnh hại này hiệu quả hơn.

 1. Triệu chứng, tác hại của bệnh sọc lá trên cây bắp

Cây bắp có thể bị bệnh ngay từ khi còn nhỏ, mới 2 – 3 lá và có thể kéo dài đến trổ cờ. Lá có sọc vàng hoặc trắng dọc theo phiến lá từ gốc lá ra chóp lá. Vết bệnh có thể lan khắp lá làm lá khô, nếu bệnh nặng cây bắp bị chết. Lá hẹp hơn bình thường, đứng có thể bị rách. Cây bệnh bị vàng đi, sinh trưởng kém, không cho trái hoặc trái không hạt. Một số trường hợp làm biến dạng cả cờ và bắp. Vào sáng sớm, mặt dưới và trên vết bệnh có mốc trắng (là những bào tử lây nhiễm). Triệu chứng có thể thay đổi tùy theo giống.

2. Tác nhân gây bệnh, điều kiện phát sinh, phát triển

Bệnh sọc lá do nấm Sclerospora maydis (hoặc Peronosclerospora sorghi) gây ra. Theo ghi nhận gần đây, bệnh gây hại nặng trên các giống bắp trắng địa phương, nhất là trên diện tích có mật độ trồng cao. Nấm hình thành phân sinh bào tử và noãn bào tử. Phân sinh bào tử và du động bào tử nảy mầm thích hợp ở nhiệt độ 25 – 27 độ C. Noãn bào tử nảy mầm thích hợp ở nhiệt độ 25 – 35 độ C. Noãn bào tử có sức sống mạnh và tồn tại trên hạt giống và trong đất, là nguồn lây bệnh chủ yếu cho vụ sau. Bào tử nấm trên lá cây bệnh sẽ phát tán đi theo gió. Các bào tử nấm phát tán đi từ ruộng này sang ruộng khác, từ vùng này sang vùng khác. Điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao rất thích hợp cho bệnh sọc lá phát triển và gây hại nặng cho cây bắp.

 3. Một số biện pháp phòng trừ

– Không chọn giống từ những cây nhiễm bệnh.

– Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng.

– Không trồng bắp liên tục nhiều vụ, luân canh với cây trồng khác – nhất là lúa.

– Gieo trồng đồng loạt.

– Bón phân cân đối NPK, không bón nhiều phân đạm.

– Nên trộn bổ sung thuốc Ridomil liều lượng 15 g/kg hạt giống một ngày trước khi gieo.

– Khi bệnh mới xuất hiện, nên phun thuốc: Ridomil, Manthane M46, hoặc Juliet 80WP (những vùng áp lực bệnh nặng nên phun thuốc giai đoạn cây con 7 – 10 ngày sau khi gieo). Khi cây được 20 – 25 ngày sau khi gieo, phun kỹ đều 2 mặt lá. Nên kiểm tra lại nếu còn triệu chứng bệnh thì xử lý lần 2 sau đó 5 ngày với liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

– Sau khi thu hoạch, nên cày phơi đất và rải vôi bột 500 kg/ha ít nhất 15 ngày trước khi gieo trồng vụ sau.

Lưu ý:

Phòng ngừa bệnh là quan trọng, trong đó kỹ thuật canh tác là yếu tố quyết định đến áp lực bệnh, do đó trước khi gieo trồng cần chú ý đến khâu sửa soạn đất, giống và thời vụ tập trung để giảm áp lực bệnh.

 

4438-ntm.002595_phong-tru-benh-soc-la-tren-cay-ngo.pdf