Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1659
Tổng truy cập : 559,001

Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác

Phòng trừ bọ vòi voi gây hại cây dừa

Tìm hiểu về bọ vòi voi gây hại trong rễ và thân dừa. Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật để phòng trừ bọ vòi voi, hạn chế sự gây hại của chúng


Bọ vòi voi là loại côn trùng gây hại trên rễ và thân cây dừa làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây.

Bọ vòi voi có tên khoa học là Diocalandra frumenti, thuộc bộ Coleoptera, họ Curculionidae. Vòi voi trưởng thành là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen. Cánh trước có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh. Chúng sợ ánh sáng, hoạt động mạnh lúc chiều tối, sống ở nơi tiếp xúc giữa hai trái hoặc gần cuống trái. Chiều dài con trưởng thành khoảng 7 - 8 mm, chiều ngang khoảng 1,5 mm. Ấu trùng màu vàng lợt, sống bằng cách đục thành đường hầm trong vỏ trái. Trứng được đẻ trên vỏ trái gần cuống trái hoặc bên trong vỏ trái (nơi có sẵn đường hầm do ấu trùng phá hại trước đó). 

Tại Việt Nam, bọ vòi voi Diocalandra frumenti hầu như chưa có tài liệu nghiên cứu về chúng. Theo một số tài liệu nước ngoài cho biết, vòng đời của bọ vòi voi Diocalandra frumenti từ 2 - 3 tháng, trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành.

Trái dừa bị hại thường có 3 - 5 con bọ vòi voi trưởng thành, có nhiều vết nhựa chảy ra từ vết đục, tập trung quanh cuống trái. Nhựa màu trong suốt sau đó chuyển sang màu vàng, vàng nâu và khô cứng. Tại nơi vết nhựa chảy ra thường có phân đi kèm (có thể do phân ấu trùng thải ra). Ấu trùng gây hại bằng cách đục vào vỏ trái, chúng có thể đục vào tới gáo dừa (giai đoạn trái non). Chúng tấn công khi trái dừa còn non (khoảng 3 tháng sau khi đậu trái, đường kính trái 0,7 - 10 cm) làm trái bị rụng sớm. Nếu tấn công khi trái lớn (trên 3 tháng tuổi) sẽ làm trái méo mó, kích thước nhỏ. 

Ngoài trái, hiện nay trên một số vườn còn phát hiện bọ vòi voi gây hại trong rễ và thân dừa. Trên thân dừa, triệu chứng đầu tiên để nhận biết là trên thân có đốm màu nâu sậm, chảy mủ màu vàng nâu, kẹo giống như “mủ trôm”, dùng dao vạt ngay nơi chảy mủ, bên trong có nhiều hang nhỏ, bọ vòi voi nằm trong những hang đó. Trong thân, tìm thấy bọ vòi voi đủ mọi giai đoạn (ấu trùng, thành trùng, nhộng), chúng nằm sâu bên trong, gần sát phần gỗ, ăn khoét phần gỗ dừa. Nơi gây hại thường gần gốc hoặc cách gốc khoảng 1 m. 

Bọ vòi voi còn có thể gây hại rễ dừa. Khi thấy những tàu lá dưới chuyển màu vàng, dần dần những tàu lá trên cũng vàng (diễn biến xảy ra chậm từ 3 - 5 tháng), cây dừa kém phát triển hẳn, chậm ra lá, trái rụng nhiều, đó là những triệu chứng báo hiệu sự xuất hiện và gây hại của bọ vòi voi vùng rễ, đào phần rễ có rất nhiều bọ vòi voi sinh sống trong đó. Sự gây hại của bọ vòi voi còn tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhiễm làm cây suy yếu nhanh, thậm chí gây chết cả cây.

Để phòng trừ bọ vòi voi, nhà vườn cần thăm vườn thường xuyên, quan sát kỹ để phát hiện sớm sự gây hại của chúng. Vệ sinh vườn dừa, dọn dẹp nhen dừa cho thông thoáng cũng hạn chế sự phát triển của bọ vòi voi. Phát hiện những trái bị nhiễm nên tiêu hủy để hạn chế phát tán lây lan. Xông hơi khử trùng dừa giống trước khi xuất vườn để hạn chế lây lan vì những trái dừa để giống đôi khi vẫn còn sự hiện diện của ấu trùng vòi voi trên những kẽ nứt của trái. Trường hợp phát hiện bọ vòi voi gây hại trên thân, dùng dao vạt sâu vào ngay nơi chảy mủ để bắt bọ vòi voi hoặc có thể sử dụng Basudin 10H rải gốc để trừ bọ vòi voi gây hại rễ.
 


60428-ntm.002520_phong-tru-bo-voi-voi-gay-hai-cay-dua.pdf

KS. Nguyễn Thị Nguyệt