Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 340 |
Tổng truy cập : | 562,174 |
Trồng trọt
Phòng trừ sâu bệnh hại thường gặp trên cây Phúc bồn tử
Phân tích nguyên nhân và biện pháp phòng trừ một số loại bệnh thường gặp trên cây Phúc bồn tử như thối rễ, bệnh bạc lá, thối trái, bệnh phấn trắng, bệnh gỉ sắt, mốc quả, thối gốc; một số loại câu hại cây Phúc bồn tử như tuyến trùng, rệp, sâu, nhện.
1. Một số loại bệnh thường găp trên cây Phúc bồn tử: thối rễ, bệnh bạc lá, thối trái, bệnh phấn trắng, bệnh gỉ sắt, mốc quả, thối gốc
* Bệnh thối trái
- Nguyên nhân: Là do nấm Phytophthora cactorum, Phytophthora fragariae hoặc Phytophthora sp. phát sinh khi cây phát triển quá rậm rạp.
- Để phòng tránh bệnh: Cần vệ sinh đồng ruộng cắt tỉa cây, tránh tưới nước lên cao, tỉa hết các phần cuống quả sau khi đã thu hoạch.
Chọn đất trồng cao ráo, thoát nước tốt, lên luống cao.
Ngắt bỏ các trái đem di tiêu hủy xa nơi canh tác.
Bón cân đối NPK, tăng cường kali trong mùa mưa. Xịt định kỳ các loại thuốc bệnh như Aliette 80WP, Vialphos 80BHN, Vilaxyl 35 WP, Ridomil, theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.
* Bệnh thối rễ
- Do nấm Pythium spp. và Fusarium spp. Bệnh thường xuất hiện ngay sau khi cây ra hoa và trong thời gian giao mùa. Biểu hiện của cây bị bệnh: lá vàng, tại gốc cây xuất hiện các rễ tơ phát triển mạnh, sau đó cây sẽ bị chết.
- Biện pháp phòng trừ: Tỉa bỏ lá và các bụi cây rậm rạp, đất không được quá ẩm ướt.
Vệ sinh vườn tuân thủ nguyên tắc cắt tỉa lá của cây khỏe trước, cắt tỉa lá của cây bệnh sau đã hạn chế được mức gây hại tối đa của các loại bệnh nhất là bệnh thối đen rễ phúc bồn tử.
Sử dụng các loại thuốc khi bệnh xuất hiện: Viben-C 50 BTN(Copper Oxychloride + Benomyl), Bendazol 50 WP (Benomyl), Biobus 1.00 WP, Anvil 5SC(Hexaconazole)…
* Bệnh phấn trắng
- Triệu chứng gây hại: Ban đầu vết bệnh xuất hiện một lớp bột trắng, ở mặt dưới của lá, nhưng mặt trên lá thân, hoa, và trái cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Lá bệnh có khuynh hướng cuốn tròn lên phía trên và để lộ sau mặt lá một lớp bột màu trắng, những vùng bị nhiễm bệnh thường sẽ héo khô và chết.
- Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
Bệnh do nấm Sphaerotheca macularis gây ra:
Những vùng bị nhiễm bệnh có thể phân tán một số lượng lớn mầm bệnh và theo gió nhanh chóng lây lan qua những cây khoẻ mạnh.
Nấm tự hình thành không phụ thuộc vào ẩm độ trên lá, ngay cả trong điều kiện khô ráo, nấm vẫn có thể xuất hiện. Loại nấm này thường gặp nhiều ở nhà kính và dàn che nilon hơn là canh tác ngoài trời.
Nấm phấn trắng lây lan rất nhanh và gây thất thu lớn đến sản lượng dâu và chất lượng trái. Bệnh gây hại các giai đoạn sinh trưởng của cây nhưng ảnh hưởng nhiều ở thời kỳ cây đã ra hoa, kết trái.
- Biện pháp phòng trừ:
Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây và bón phân cân đối.
Chọn cây giống khỏe và sạch bệnh.
Thường xuyên vệ sinh ruộng, dọn những tàn dư cây bệnh mang tiêu hủy cách xa vùng canh tác.
Thoát nước tốt và giữ cho ruộng thông thoáng.
Có thể dùng các thuốc Amistar top 325SC (Azoxystrobin + Difenoconazole), Anvil 5SC(Hexaconazole), Daconil 75WP(Chlorothalonil), Nativo 750WG(Tebuconazole+Trifloxystrobin), Aliette 800WG (Fosetyl Aluminium), Manage15WP (Imibenconazole), Bellkute 40WP (Iminoctadine) nồng độ, liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
* Bệnh gỉ sắt
-Triệu chứng: Lúc đầu vết bệnh là những đốm tròn nhỏ màu vàng, sau vết bệnh lớn dần và có lớp phấn màu vàng da cam rất sáng ở mặt dưới lá.
- Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển:
Bệnh do nấm gây hại, bào tử nấm phát tán và lây lan nhờ gió.
Bào tử có thể chịu đựng được nhiều tháng trong điều kiện bất lợi cho nẩy mầm.
Nhiệt độ thích hợp cho bào tử nẩy mầm ở 24ºC, ẩm độ 80-90%.
- Nấm chủ yếu gây hại trên lá bánh tẻ và lá già, chính vì thế mà thường thấy nấm xuất hiện vào cuối vụ. Trong các tháng mưa nhiều (tháng 9, 10 và 11) nấm có thể làm tàn lụi giàn lá trước khi cắt cành. Bệnh làm cho cây giảm diện tích quang hợp từ đó ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
-Biện pháp phòng trừ: Bón phân đầy đủ và cân đối, tạo hình thông thoáng, tỉa cành hợp lý giúp cây sinh trưởng tốt.
Có thể dùng các loại thuốc sau phun kỹ hai mặt lá như: Score 250 ND, liều lượng 0,15-0,2 lít/ha; Tilt super 300EC; Map supper 300EC; Dithane M45WP; Viben C liều lượng 1,5-2,0 kg/ha.
Chúng ta có thể phun phòng một số loại thuốc như: Topsin-M 75WP; Antracol 70 WP,….
* Bệnh mốc quả (mốc xám)
- Triệu chứng: Nấm Botrytis cinerea chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn quả chín, nhưng trong điều kiện ẩm ướt bệnh có thể gây hại nghiêm trọng. Biểu hiện đầu tiên là những đốm nâu sáng xuất hiện, sau đó lan rộng cả trái và phủ một lớp mốc xám.
- Trong quá trình thu hoạch nấm có thể lây lan từ quả bệnh sang quả không bị bệnh. Sau khi thu hoạch các quả chín rất mẫn cảm với bệnh, đặc biệt các quả bị dập hoặc xây xát. Trong điều kiện phù hợp nấm có thể lây lan và gây thối toàn bộ quả trong vòng 48 giờ.
Hoa và trái non cũng có thể bị nhiễm bệnh và làm cho trái bị khô. Nhiệt độ khi bảo quản trái dâu đã thu hoạch càng cao thì mầm bệnh nhanh chóng lây lan.
- Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh
Bệnh do nấm Botrytis cinerea gây ra. Bệnh có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau.
Mầm bệnh có thể xuất phát từ lá, trái bị nhiễm bệnh còn sót lại trên ruộng và lây lan bởi gió, ngoài ra mầm bệnh cũng có thể lây lan từ bên ngoài ruộng.
Bệnh mốc xám phát triển rất mạnh trong điều kiện ẩm độ không khí cao và bề mặt luống ẩm ướt trong điều kiện thời tiết mùa mưa.
- Biện pháp phòng trừ:
Chọn cây giống khỏe và sạch bệnh.
Giữ độ thông thoáng rò rãnh, thoát nước tốt, tránh giữ bề mặt luống ẩm ướt.
Thường xuyên vệ sinh ruộng, dọn những tàn dư cây bệnh mang tiêu hủy cách xa vùng canh tác.
Tránh tưới nước lên cao, tỉa hết các phần cuống quả sau khi đã thu hoạch.
Chọn đất trồng cao ráo, thoát nước tốt, lên luống cao.
Bón cân đối NPK, tăng cường kali trong mùa mưa. Xịt định kỳ các loại thuốc bệnh như: Topan 70 WP (0,05 - 0,1%), Fortazeb 72WP, Bendazol 50 WP , Vimonyl 72 BTN, Daconil.
* Bệnh do Virus
- Bệnh do Virus gây ra ít phổ biến hơn bệnh do nấm gây ra, nhưng đây là loại bệnh nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến chất lượng trái và cả tuổi thọ của cây. Bệnh thường lây lan bởi các loại rệp.
- Bệnh do virus gây ra không có thuốc đặc trị vì vậy chỉ hạn chế sự lây lan của bệnh bằng cách: đem thiêu hủy các cây bị nhiễm virus xa nơi canh tác , tiêu diệt các vector truyền bệnh như rệp, tuyến trùng…… Tốt nhất nên chọn những cây giống sạch bệnh để trồng.
* Bệnh do vi khuẩn
- Triệu chứng gây hại:
Vết bệnh là những đốm nhỏ và ướt ban đầu xuất hiện dưới bề mặt lá. Lá có màu xanh tái khi đưa ra ánh sáng mặt trời. Sau đó các lá bị bệnh có thể bị khô héo và chết.
- Nguyên nhân gây bệnh, điều kiện phát sinh phát triển:
Do vi khuẩn Xanthomonas fragariae gây ra
Bệnh gây hại các giai đoạn sinh trưởng của cây
Vi khuẩn lan từ cây này sang cây khác, từ lá già sang lá non do sự bắn toé nước khi trời mưa hoặc do tưới tiêu nhưng chúng không lan từ tế bào này sang tế bào khác.
Vi khuẩn xâm nhập qua khí khổng của lá. Để nhận biết bệnh, vào sáng sớm lật mặt lá lên, có thể nhìn thấy chất dịch màu trắng như mủ chảy ra từ vết bệnh.
- Biện pháp phòng trừ:
Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh.
Xử lý đất kỹ trước khi trồng, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, dọn những tàn dư cây bệnh mang tiêu hủy xa vùng canh tác.
2. Các loại sâu hại: tuyến trùng, rệp, sâu, nhện.
* Rệp sáp: tên khoa học là Pseudococcus sp, thuộc họ Pseudococcidae, bộ Homoptera.
- Hình thái và cách gây hại:
Đây là loại côn trùng đa ký chủ, loài này được ghi nhận trên nhiều loại cây ăn trái. Trên cây phúc bồn tử khi con rệp sáp gây hại làm trái phát triển kém, ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm của trái. Ngoài ra rệp sáp còn tiết ra chất mật đường tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm ảnh hưởng đến trái. Ấu trùng có thể cơ thể rất nhỏ khoảng 1 mm, màu hồng, có chân và có thể di chuyển. Khi trưởng thành rệp sáp không di động, bên ngoài cơ thể có lớp sáp trắng bao bọc.
Cây phúc bồn tử thường có 2 loại rệp sáp gây hại: hại chùm quả, lá và hại rễ.
Loài rệp hại lá và quả bắt đầu đẻ trứng vào mùa mưa ở các kẽ lá, nụ hoặc chùm quả non. Rệp non sau khi nở, nhanh chóng tìm nơi sinh sống cố định. Mùa mưa sinh sản rất nhiều làm quả rụng.
Rệp sáp hại rễ thì sinh sống ở quanh rễ, dưới đất, tạo ra một lớp học không thấm nước ở quanh rễ. Những cây bị hại lá vàng, héo và chết.
- Biện pháp phòng trừ:
Thu hái những trái bị hại nặng đem tiêu hủy.
Dùng các loại thuốc để phun trừ như Pyrinex, Fenbis, Vidithoate,…
Tạo điều kiện cho ong ký sinh phát triển để hạn chế mật độ rệp sáp.
* Rệp vảy
Đặc điểm hình thái,quy luật phát sinh,phát triển: bám vào lá non và cành non hút nhựa cây làm cành lá bị vàng.
* Rệp muội:
- Đặc điểm hình thái và quy luật phát sinh, phát triển của chúng.
Rệp muội có 2 loại đen và xanh giống nhau về hình dáng.
Trưởng thành có cánh hoặc không có cánh. Rệp đẻ thẳng con.
Rệp non và trưởng thành giống nhau về hình dáng, bụng phình to, cuối thân có 2 ống tiết dịch.
Rệp muội hại nhiều loại cây trồng khác nhau nhưng nó cũng gây hại trên cây phúc bồn tử rệp bám vào các ngọn lá non để hút dịch làm cho lá non cong queo, phát triển không bình thường. Rệp muội phát triển quanh năm nhưng nhiều nhất là khi cây phúc bồn tử ra búp non.
- Biện pháp phòng trừ:
Với loài rệp hại lá có thể sử dụng các loại thuốc sau: Confidor 100 SL, Ascend 20SP, Tasodant 60EC, Actara 25WG, Alika 247SC…
Với rệp hại rễ một trong các loại thuốc sau: Diaphos 10D với liều lượng vừa phải tránh làm cháy lá.
* Nhện đỏ:
Họ: Tetranychidae - Bộ: Acari. Tên khoa học khác: Metatetranychus citri, Paratetranychus citri.
- Cách gây hại và triệu chứng:
Nhện đỏ tấn công trên lá và trái, chích cạp và hút nhựa lá và trái. Trên lá, vết cạp và hút tạo thành những chấm nhỏ li ti trên mặt lá, khi bị nặng, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc, lá sau đổi màu có thể bị khô và rụng. Khi mật độ Nhện cao, cả cành non cũng bị Nhện tấn công, cành cũng trở nên khô và chết. Các lá khô có thể được giữ lại trên cây một thời gian dài sau đó. Trên trái, nhện thường sống tập trung ở phần cuống trái, đít trái và trong các phần lõm của trái. Nếu nhện phát triển nhiều trái non có thể bị rụng sớm. Nhện đỏ gây ra triệu chứng da cám trên trái.
- Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng (tàn dư cây trồng và cỏ dại) xịt các loại thuốc đặt hiệu như Nissorun 5EC, Comite 73EC, Ortus 5 SC (Fenpyroximate), Secure 10EC(Chlorfenapyr), Benknock 1EC(Milbemectin).
* Sâu đục thân, sâu ăn tạp
- Triệu chứng: Sâu ăn tạp ký sinh trong phần gốc phá hoại chủ yếu vào ban đêm, ăn lá và phần non của cây.
Sâu đục thân: lá non biến dạng, mép lá hơi xoăn, phiến lá không phẳng phiu, chuyển từ xanh bóng sang xanh đậm màu xỉn. Trên cây đã bị sâu xâm nhập và vũ hóa bay đi phát hiện các lỗ nhỏ tròn. Trên các vết lằn, do nhựa bị tắt nghẽn không nuôi cây, toàn bộ cành lá phía trên điều bị vàng úa, cằn cỗi, trong khi các cành phía dưới vẫn xanh tốt. Trên thân cây xuất hiện những đốm sưng phồng từ những đốm này khiến cây dễ bị gãy đổ ở đoạn sâu đục.
- Biện pháp phòng trừ:
Tạo hình sửa cành, tạo cho cây có hình thù cân đối, thân cây.
Đối với cây mới bị nhẹ ta có thể dùng thuốc phun kỹ lên thân cây như: Mapy 48EC, Tasodant 60EC,… Marshal 200SC hoặc các thuốc rải gốc như: Regent 800WP, Padan 95SP. Đối với cây bị hại nặng cần cắt bỏ đoạn thân có sâu đem đốt tiêu hủy.
Chú ý: Khi phun xịt không nên sử dụng nồng độ cao và tránh các giai đoạn cây đang ra hoa rộ.
* Bọ trĩ
Bọ trĩ thường xuất hiện khi cây ra bông và chúng đẻ trứng ở mặt dưới của lá. Cả ấu trùng và bọ trĩ trưởng thành tập trung ở mặt dưới lá, trên chùm bông chích hút nhựa cây làm lá biến màu và nhăn nhúm, bông đều bị cháy khô màu nâu vàng và rụng, nếu bọ trĩ phát sinh nhiều gây chùn đọt, hại cây không thể phát triển.
Cách phòng trừ bọ trĩ là chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt và ra bông sớm sẽ hạn chế được thiệt hại.
Cách phòng trừ: phun nước rửa cây có thể pha thêm ít xà phòng pha loãng. Khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh nặng, nên phun thuốc phòng trừ như: Regent 800 WG, Tungsong 25SL...
* Tuyến trùng
- Triệu chứng:
Tuyến trùng là một loại giun nhỏ, sống trong đất, chúng bám vào rễ lông hút của cây phúc bồn tử để sinh sống và làm cây phúc bồn tử bị héo vàng và chết.
Điều kiện phát sinh và gây hại: Tuyến trùng gây hại trên cây phúc bồn tử là loài giun đất cực nhỏ sống trong đất, chúng thường gây hại trong mùa mưa. Khi đất khô không thuận lợi cho tuyến trùng phát triển thì tuyến trùng tồn tại dạng trứng, trứng theo cát bụi và dòng nước mưa để lây lan.
-Biện pháp phòng trừ:
Đất trồng phải được chuẩn bị kỹ, không tàn dư cây trồng khác.
Luôn giữ cho đất sạch cỏ dại, tơi xốp và bón phân đầy đủ.
Khi cây mới bệnh có thể dùng thuốc hóa học: Sử dụng Vimoca 10G, Map logic 90WP, Vibam 5H, Regent 3G, Sicosin 0.56SL. Thời gian cách ly 14 ngày sau khi phun thuốc.
Bệnh do virus gây ra không có thuốc đặc trị vì vậy chỉ hạn chế sự lây lan của bệnh bằng cách: đem thiêu hủy các cây bị nhiễm virus xa nơi canh tác, tiêu diệt các loại rệp gây hại trên cây trồng bằng các phương pháp hóa học.
61224-ntm.002657_phong-tru-sau-benh-hai-thuong-gap-tren-cay-phuc-bon-tu.pdf