Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 1742 |
Tổng truy cập : | 559,496 |
Chăn nuôi
Quy trình chăn nuôi gà AVGA và AAVG giai đoạn gà giò và gà đẻ
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà AVGA và AAVG giai đoạn gà giò và gà đẻ: chuẩn bị dụng cụ và chuồng chăn nuôi, kỹ thuật nuôi dưỡng gà dò hậu bị từ 10-19 tuần tuổi, kỹ thuật nuôi dưỡng gà đẻ cho năng suất cao
1. Chuẩn bị dụng cụ và chuồng chăn nuôi
- Rèm che: Có thể dùng bằng các vật liệu như vải bạt, hoặc vỏ bao tận dụng may lại, cót lá
- Hố sát trùng: Được xây vỉa trước cửa ra vào kích thước 50 × 70 ×10cm
- Máng uống: Dùng máng uống gallon loại 8 lít (100 gà có 2 máng) hoặc máng tôn dài 1,2m (100 gà có 1 máng)
- Máng ăn: Dùng máng đại P50, nuôi gà giai đoạn từ 10-19 tuần tuổi bố trí 15 con đến 17con/máng. Nuôi gà đẻ 25con/máng
- Ổ đẻ tính theo 5 con/ngăn ổ. Nên đóng ổ 2 tầng, mỗi tầng có 3 ngăn theo kích thước 35 × 35 × 35cm
- Chuồng nuôi gà dò và gà đẻ có thể là chuồng chung hoặc chuồng riêng, trước khi đưa gà vào nuôi các công tác vệ sinh sát trùng làm mới chuồng như 8 bước của vệ sinh sát trùng chuồng nuôi gà con
2. Kỹ thuật nuôi dưỡng gà dò hậu bị từ 10-19 tuần tuổi
- Kéo rèm che mở hoàn toàn, trừ khi có gió to, trời giông bão, mưa to, quá lạnh và đàn gà bị bệnh đường hô hấp
- Mật độ nuôi đảm bảo từ 14con/m2 chuồng (từ 10 – 13 tuần tuổi), đến 12con/m2 chuồng (từ 14 – 17 tuần) và 10con/ m2 chuồng. (từ 17 – 19 tuần tuổi)
- Cho gà ăn theo cách sau:
+ Dùng thức ăn gà hậu bị (nếu là thức ăn hỗn hợp viên), thức ăn tự chế biến nếu sử dụng thức ăn đậm đặc pha trộn theo tỷ lệ: Thức đậm đặc gà thịt 20%, bột ngô 60% và cám gạo tốt 20%
+ Cho gà ăn bằng máng đại P50. Máng được treo bằng dây sao cho miệng máng cao ngang lưng gà. Mật độ máng ăn cho gà theo yêu cầu: 17con- 15 con/máng. Cho gà ăn hạn chế theo định lượng hàng tuần quy định
+ Khi phân phối thức ăn vào máng cần đổ đều lượng, không cho máng có nhiều, máng có ít thức ăn
+ Lượng ăn của gà sẽ được điều chỉnh hàng tuần sau khi có kết quả kiểm tra khối lượng cơ thể gà hàng tuần
+ Cân gà kiểm tra khối lượng:
- Hàng tuần cân gà vào 1 ngày cố định (dùng cân đồng hồ để cân), cân gà trước khi cho ăn, số gà cân bằng 10% số gà có mặt trong chuồng, cân từng con, sau đó tính ra khối lượng trung bình. Khối lượng trung bình có được sẽ làm cơ sở để so sánh với khối lượng tiêu chuẩn tại cùng thời điểm để đưa ra mức ăn hợp lý của tuần kế tiếp
- Cho gà uống theo cách sau:
+ Dùng máng uống gallon chứa nước cho gà uống, dùng máng cỡ 8 lít hoặc cho uống máng dài (loại máng dài 1,2m bằng tôn được đặt trên rãnh thoát nước), máng uống dài cần phải có chụp bằng song sắt để không cho gà lội vào máng
+ Máng uống đặt với số lượng 100 con cho 3 máng uống tròn loại 8 lít hoặc 100con cho 2 máng uống dài 1,2m
+ Máng uống được rửa sạch hàng ngày theo quy định của thú y, hàng ngày thay nước uống cho gà khoảng lần (sáng, chiều)
- Chiếu sáng: Ngừng cung cấp điện chiếu sáng ban đêm, chỉ sử dụng ánh sáng tự nhiên ban ngày
- Cắt mỏ: Sau khi gà đạt 10 tuần hoặc 11 tuần tuổi sẽ tiến hành cắt mỏ gà. Khi cắt phải sử dụng bếp thổi đun bằng than đá và dùng dao mỏng nung đỏ để cắt hoặc dùng dao điện để cắt mỏ. Lưu ý khi cắt phải cắt qua phần sừng để mỏ không mọc lại được, cắt 1/3 mỏ trên, trước khi cắt mỏ cho toàn đàn uống vitamin K để chống chảy máu. Nếu cắt bằng dao điện cắt cả 2 mỏ trên và mỏ dưới và chỉ cắt 1/3 mỏ
* Chú ý khi cắt mỏ: Không cắt mỏ khi gà đang ốm; Thao tác cắt phải dứt khoát và không vội vàng; Sau khi cắt mỏ xong cho gà uống nước pha điện giải và vitamin Bcomplex.
- Độn lót chuồng: Hàng ngày kiểm tra và dọn rìa xung quanh máng uống độn chuồng bị ướt, xới đảo độn lót chuồng từ 7-10 ngày/lần và bổ sung thêm.
3. Kỹ thuật nuôi dưỡng gà đẻ
- Mật độ nuôi đảm bảo từ 6 con đến 7con/ m2 chuồng
- Chiếu sáng: Cần thực hiện đúng theo các bước sau:
+ Kích thích chiếu sáng sẽ bắt đầu vào tuần tuổi thứ 19, bình quân mỗi tuần tăng thêm 1giờ để đạt được 16 giờ trong ngày
+ Cường độ chiếu sáng đạt 10lux tức là 4W/m2, khoảng cách bóng đèn từ 3m đến 4m lắp 1bóng với công suất bóng 60w
+ Duy trì cố định thời gian chiếu sáng trong ngày, không được thay đổi tùy tiện thời gian chiếu sáng sẽ ảnh hưởng đến sự đẻ trứng của gà
- Ổ đẻ xếp cạnh tường chuồng với chiều cao thích hợp 40cm, được đặt ở chỗ mát, yên tĩnh và hơi tối. Ổ thường xuyên được lót trấu sạch,
- Chuồng nuôi để thông thoáng hoàn toàn, chỉ kéo rèm che khi có giông bão, mưa to tạt nước vào chuồng, hoặc mùa lạnh kéo bạt che nơi có gió thổi trực tiếp vào chuồng
- Cho ăn:
+ Khi gà bước vào nuôi ở tuần tuổi thứ 19, tuần cuối cùng của giai đoạn hậu bị phải chuyển thức ăn và cho gà ăn thức ăn gà đẻ
+ Khi gà đẻ đạt tỷ lệ 5% toàn đàn thì bắt đầu tăng mức ăn (tăng theo nguyên tắc tăng dần) và đạt mức ăn cao nhất tại thời điểm đẻ đạt tỷ lệ 40%, 50%, và giữ nguyên mức ăn này đến thời điểm đạt đỉnh và trong suốt thời gian đạt đỉnh đẻ
+ Sau thời điểm đạt đỉnh đẻ, gà bắt đầu đẻ xuống thì mức ăn cũng giảm theo, tuy nhiên không giảm đột ngột,
+ Mức ăn thấp nhất sau khi điều chỉnh bằng 90% so với mức ăn đạt đỉnh và giữ nguyên mức ăn này cho đến khi loại thải đàn gà
+ Cho ăn: Bố trí máng ăn 24con/máng (dùng loại máng ăn P50), hàng ngày cần nắm chắc số lượng gà có mặt trong chuồng để lấy thức ăn vừa đủ
- Cho uống: Cho gà uống nước sạch và mát thỏa mãn, hàng ngày vệ sinh máng uống theo quy định của thú y. Máng uống dùng loại máng dài đặt trên rãnh thoát nước có chụp song sắt. Mật độ máng uống đặt 2 máng dài cho 100 gà (loại máng tôn dài 1,2m)
- Chất độn chuồng phải giữ khô sạch thường xuyên. Khi bị ẩm ướt phải thay ngay bằng trấu hoặc dăm bào đã sát trùng và rắc vôi bột vào chỗ nền chuồng bị ướt
- Chọn và loại thải gà đẻ định kỳ. Thời điểm bắt đầu chọn và loại thải gà đẻ bắt đầu sau thời điểm gà đẻ đạt đỉnh và đi xuống nhằm loại ra những con không đẻ hoặc đẻ kém. Những gà đẻ kém có các biểu hiện như sau:
+ Mào rụt, chân khô, lông xơ xác và nhẹ cân
+ Gà có bụng cứng, lỗ huyệt khô
+ Gà đang thay lông, hai bên sườn và cánh đang mọc lông măng
+ Mặc dù có các biểu hiện trên nhưng trước khi quyết định loại bỏ thì cũng cần kiểm tra xem có trứng non trong tử cung hay không
- Thu nhặt trứng: thu nhặt trứng 3-4 lần trong ngày, trứng sau khi nhặt phải sếp vào khay để đầu to lên trên. Trứng bẩn và trứng dập phải để riêng
- Hàng ngày kiểm tra gà chết và gà yếu để loại thải. Ghi chép đầy đủ số lượng gà có mặt hàng ngày, lượng thức ăn cho ăn và số trứng đẻ ra vào biểu hoặc sổ theo dõi.