Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2505
Tổng truy cập : 1,160,831

Nuôi trồng thủy, hải sản

Quy trình kỹ thuật nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo: công tác chuẩn bị ao ương, kỹ thuật thả giống, cho ăn, chăm sóc và thu hoạch cua bột


 Giai đoạn Cua bột đã có hình thái giống cua trưởng thành. Cua thích sống ở đáy (chất đáy cát pha bùn) hoặc bám vào các thực vật thủy sinh, cua bột có thể sống được ở nước độ mặn 7- 15 ‰ và thấp hơn, ăn các động vật nhỏ và thức ăn chế biến, rong, tảo.

Cua bột 2, 3 (cua C2- C3) có kích thước ≥ 0,5 cm, có thể thả trực tiếp xuống ao nuôi cua thương phẩm nếu như đáy ao nuôi được cải tạo triệt để, có lưới chắn xung quanh bờ, nước nuôi được xử lý tốt và phải được loại bỏ cua, cá tạp… trước khi lấy vào ao nuôi.

Tuy nhiên, phần lớn ở các ao nuôi cua khó có thể làm được điều đó nhất là việc nuôi cua trong ao ở vùng triều có diện tích lớn. Vì vậy, cua thả nuôi phải đạt kích cỡ lớn hơn để bảo đảm tỉ lệ sống cao hơn thì phải ương nuôi cua bột lên cua giống riêng.

Tốt nhất là ương nuôi cua trong ao đất. Có thể ương cua bột trong ao riêng có diện tích nhỏ hoặc chắn lưới một phần diện tích ao nuôi để ương.

1. Chuẩn bị ao ương

Ao ương cua bột lên cua giống có thể bên cạnh ao nuôi cua thịt. Ao ương có diện tích 200- 500 m­2, sâu 0,8- 1,2m. Bờ ao đắp chắc chắn, cao hơn mực nước triều cao nhất 0,5 m.

- Ao đất dùng để ương cua bột tốt nhất nằm trong khu vực có độ mặn phù hợp thấp như vùng cửa sông, vùng đầm phá... phù hợp đặc tính sinh học của chúng. Ao phải có cống cấp thoát nước và chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, thuận tiện cho việc thay nước, kích thích sự lột xác của chúng.

- Cải tạo ao: Ao phải được tháo cạn nước, vét bùn, diệt hết cá tạp, phơi đáy ao từ 5 - 7 ngày, san phẳng toàn bộ đáy ao, tu sửa lại bờ ao, bón vôi với liều lượng từ 7- 10kg/100m2. Dùng lưới có kích thước mắt lưới 2a = 2cm chắn xung quanh bờ ao, lưới chắn phải có góc nghiêng vào bên trong ao so với bờ ao là 450 nhằm để bảo vệ cua bò ra.

- Thả chà bằng cành cây khô, lá dừa hoặc giăng lưới cước khắp ao nuôi làm nơi trú ẩn cho cua khi lột xác, tránh ăn lẫn nhau.

- Cấp nước: Nước cấp vào ao phải qua lưới lọc, đạt 0,6- 0,8 m trở lên, nước có độ mặn từ 12- 200/00, pH = 7,5- 8,5, bón phân, gây màu, các yếu tố khác đảm bảo thì mới tiến hành thả cua bột. Ao được chuẩn bị 7- 10 ngày trước khi cho cua bột xuống ương.

2. Thả giống

- Cần phải thông báo cho trại sản xuất giống biết độ mặn ao ương cua để trại chủ động cân bằng độ mặn với ao ương. Độ mặn của ao ương chênh lệch với trại giống không quá 5‰ .

- Thả cua vào buổi sáng hoặc chiều lúc trời mát. Tránh những ngày có thời tiết xấu.

- Mật độ ương nuôi: 200- 300 con/m2.

Cua bột từ trại giống được vận chuyển đến, có thể bằng túi nhựa nylon có oxy hoặc bằng khay ẩm, tùy khoảng cách giữa trại giống đến ao ương. Cua bột đem rải đều quanh ao theo số lượng đã tính trước. Khi thả cua bột nên thao tác thật nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương cua.

3. Cho ăn và chăm sóc

3.1. Thức ăn:

Trong ao ương cua giống có thể gây màu nước cho phù du động vật phát triển làm thức ăn tự nhiên cho cua, nhưng chủ yếu phải cho cua ăn thức ăn chế biến từ các loại bột, thịt cá, tôm, cua, còng, nhuyển thể xay nhỏ, hấp cho ăn.

- Chuẩn bị thức ăn cho 3- 5 ngày đầu: nguyên liệu gồm (trứng gà 30%; thịt cá, tôm, cua bóc vỏ: 50%; bột 15%; nhuyển thể: mực, hàu 5%; vitamin). Tất cả trộn đều và xay mịn sau đó hấp cách thuỷ, để nguội dùng mắt lưới nhỏ xa thức ăn tạo thành viên cho cua ăn.

Lượng thức ăn cho cua ăn từ 1,0 - 1,5 kg/10.000 cua bột/ngày.

- Sau ngày thứ 5 trở đi cho cua ăn thịt cá tạp, nhuyển thể, giáp xác hấp cách thuỷ rồi băm nhỏ cho cua ăn.

Lượng thức ăn từ 10-15% trọng lượng cua thả. Số lượng thức ăn tăng dần theo sinh trưởng, tăng trọng của cua.

Thức ăn đem rải ven ao. Chia làm 2 lần: sáng sớm và chiều tối.

3.2. Quản lý nước ao ương:

Sau 5 ngày kể từ ngày thả giống tiến hành thay 1/3 lượng nước trong ao để kích thích cua lột xác phát triển.

Từ ngày thứ 10 trở đi: 5 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 1/2 lượng nước hoặc thay nước theo thủy triều.

Việc thay nước này sẽ kích thích sự lột xác diễn ra dễ dàng hơn, cường độ bắt mồi tốt hơn và khả năng tăng trưởng nhanh.

Hàng ngày kiểm tra pH, oxy, nhiệt độ, độ mặn, bờ ao, chống mội, xói lở, hỏng rào, bệnh và các dịch hại vào trong ao. Khoảng 10 ngày cân, đo, đếm, xác định tỉ lệ sống, khả năng tăng trưởng của cua một lần.

4. Thu hoạch

- Thu cua bằng vó: Cho thức ăn vào vó, nhử cua vào vó sau đó kéo lên chọn những con đạt tiêu chuẩn để thả nuôi cua thương phẩm.

- Thu toàn bộ: Tháo cạn nước để bắt toàn bộ cua giống.

               Sau từ 25- 30 ngày cua đạt chiều rộng mai 2,5- 3,0cm, trọng lượng khoảng 5gam/con. Tỷ lệ sống có thể đạt 40- 50%. Cỡ cua này có thể chuyển sang ao lớn để nuôi cua thịt. Nếu cần cua giống cỡ lớn hơn thì phải san cua ra ao lớn hơn và nuôi mật độ thấp hơn.

Vận chuyển cua ương bằng phương pháp vận chuyển hở đến ao nuôi thương phẩm./.


21419-ntm.001264_ky-thuat-nuoi-cua-thuong-pham-tu-giong-cua-bot.pdf