Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 338 |
Tổng truy cập : | 562,169 |
Trồng trọt
Quy trình kỹ thuật trồng mít nghệ cao sản
Mít có nguồn gốc từ Nam Ấn Độ, được phát triển trồng nhiều nhất ở các nước Đông Nam Á, Thái Lan, Philippines… ở Việt Nam cây mít được trồng từ rất lâu ở các tỉnh từ Nghệ An trở vào, trước đây mít được coi là cây trồng của người nghèo nhờ đặc tính dễ trồng, các bộ phận của cây mít đều có giá trị sử dụng. Bài viết hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng mít nghệ cao sản cho chất lượng và năng suất cao.
Các bộ phận của cây mít đều có giá trị sử dụng như: quả là sản phẩm chính, con người có thể sử dụng được toàn bộ, múi chứa nhiều calo, khá nhiều đường, đạm, và nhiều chất khoáng cần thiết khác cho cơ thể như canxi, vitamin B… so với xoài, chuối thì chất lượng không kém mà lại rẻ tiền hơn. Hạt mít giàu calo hơn cả khoai lang, sắn, và cũng rất giàu các chất khoáng như: canxi, sắt… Xơ mít có thể dùng làm rau, dùng để muối dưa chất lượng hơn dưa muối bằng nguyên liệu là cải, cà và một số rau khác. Vỏ có gai, lõi giữa trái và lá mít là thức ăn cao cấp cho gia súc (trâu, dê, bò, hươu…), ngoài ra, gỗ thân cây mít cũng có giá trị rất tốt, nhất là lõi gỗ ở các cây to được sử dụng làm đồ gỗ mỹ nghệ nhờ thớ thịt mịn, mềm và không nứt…
Từ năm 2000 đến nay nhờ những thành tựu của khoa học công nghệ về chọn lọc giống cây trồng nói chung, cây mít nói riêng đã chọn lọc được nhiều giống mít có năng suất cao, ổn định và chất lượng ngon. Trong đó có giống mít nghệ cao sản phù hợp phát triển để ăn tươi và làm nguyên liệu cho công nghệ sấy chân không, điển hình là mít nghệ cao sản dòng M99-I được thị trường trồng nhiều và có chất lượng tốt, năng suất cao, tỉ lệ cơm đạt 40 - 50%, màu vàng tươi.
1. Thời vụ trồng
Tốt nhất là đầu mùa mưa (tháng 5-7 dương lịch hàng năm) khi có mưa và đất đủ ẩm, nếu chủ động được nguồn nước tưới thì có thể trồng sớm hơn, giúp cho cây con có điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển tốt hơn trong mùa mưa.
2. Chuẩn bị đất
Mít có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả những vùng đất nghèo dinh dưỡng, đất khô ráo, thoát nước tốt, không bị ngập úng kéo dài trong mùa mưa, mực nước ngầm cách mặt đất 2 - 2,5 m, độ pH 5,5 - 7 và chủ động được nước tưới trong mùa khô để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
3. Chuẩn bị hố trồng
Khoảng cách trồng: tùy theo đất tốt hay xấu mà có thể bố trí khoảng cách trồng khác nhau, nếu đất xấu, cằn cỗi thì nên trồng cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m (320 cây/ha); đất tốt thì trồng thưa hơn, cây cách cây 6m hàng cách hàng 7m (225 cây/ha). Kích thước hố: đất bằng phẳng thì đào 40 x 40 x 40cm, nếu đất có độ dốc cao hơn 7% thì đào 40 x 40cm và sâu 60cm. Xử lý hố: ngay sau khi đào hố cần bón khoảng 1 kg vôi bột/hố để xử lý hố và môi trường xung quanh, khoảng 1 tuần thì bón khoảng 0,5 kg phân super lân và 15 kg phân chuồng (hoặc phân hữu cơ khác) trộn đều với lớp đất mặt để lấp hố và lấp cao hơn mặt đất tự nhiên khoảng 5-10 cm, việc này cần làm sớm, trước khi trồng cây con khoảng 1 tháng.
4. Chuẩn bị cây con
Giống cây con phải được chuẩn bị trước, đảm bảo tiêu chuẩn để trồng như đường kính gốc lớn hơn 0,8cm, cao hơn 30cm (kể từ vết ghép), rễ phát triển mạnh, vết ghép tiếp hợp tốt, lá đang chuyển già không sâu bệnh, khuyết tật. Trước khi đưa đi trồng 2 tuần lễ phải ngừng bón phân, giảm tưới nước và huấn luyện cây con.
5. Trồng
Đất sau khi lấp đầy, có mưa hoặc tưới nước để đất đủ ẩm, ngấm phân và xuống đất ổn định thì tiến hành trồng. Moi giữa hố một lỗ sâu và to hơn bầu cây để dễ đặt cây. Dùng dao cắt đáy bầu và cắt bỏ đuôi chuột bị xoắn. Đặt bầu cây vào lỗ đã chuẩn bị, rút nhẹ túi ni long đựng bầu ra, lấp đất lại và lèn chặt xung quanh, chú ý là không cho nứt bầu đất. Nếu đất khô phải tưới ngay, tủ gốc, cắm cọc cố định cho cây khỏi đổ ngã và lay gốc khi có gió.
Kỹ thuật chăm sóc có thể chia ra làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu kiến thiết cơ bản là giai đoạn ngay sau khi trồng đến lúc cho quả ổn định, giai đoạn kinh doanh thường thì từ năm thứ tư trở về sau, đây là giai đoạn rất quan trọng giúp cho cây ra hoa, đậu quả nâng cao năng suất và chất lượng để cung cấp sản phẩm tươi cũng như chế biến.
- Tưới nước: Tháng đầu sau khi trồng nếu khô hạn thì phải tưới thường xuyên 2-3 ngày/lần, sau đó, có thể tưới 4-5 ngày/lần, từ năm thứ 2 về sau chỉ cần tưới vào những tháng khô hạn và sau bón phân.
- Tiêu nước: cây mít rất sợ úng, đặc biệt là cây con, nên cần chú ý kiểm tra gốc cây nào đọng nước thì phải đắp mô ở gốc, hoặc thoát nước chậm thì phải làm mương tiêu nước kịp thời không cho úng nước ở gốc cây con.
- Làm cỏ: cần làm cỏ quanh gốc hoặc cả vườn, đối với đất dốc phải bố trí làm cỏ theo băng để hạn chế rửa trôi đất, khi làm cỏ quanh gốc cần phải chú ý vì rễ mít ăn nổi, nếu đứt rễ thì cây dễ bị bệnh, trái nhỏ, chất lượng giảm hoặc bị sượng không dùng được.
- Cắt tỉa tạo tán: Thông thường cây cao khoảng 1m trở lên thì bắt đầu cắt tỉa, trong giai đoạn đầu cắt tỉa tạo tán 2-3 lần/năm, giúp cây phát triển cân đối, các cành cấp I phân bố đều nhau, loại bỏ các cành sâu bệnh, cành già cỗi, mọc không đúng hướng, giai đoạn kinh doanh thì mỗi năm một lần ngay sau khi thu hoạch trái xong.
- Bón phân: Cây mít rất dễ tính, không bón phân mít vẫn sống nhưng chậm phát triển, ra hoa muộn, ít hoặc không có quả và nếu có quả chất lượng cũng thấp, dễ phát sinh sâu bệnh, nên cần phải bón phân.
Bón phân hữu cơ: cần phải đào mương xung quanh hay một phần tán cây để bón và lấp đất lại, số lượng bón còn tùy thuộc vào độ màu mỡ của đất và tuổi cây, có thể bón theo liều lượng như sau: năm 1: không cần bón vì đã bón lót trước khi trồng, năm 2, 3: bón vào đầu mùa mưa 15-20 kg/cây, cách gốc khoảng 80cm, năm 4: trở về sau bón theo rìa tán cây ngay sau khi thu hoạch xong khoảng 35-40 kg/cây.
Bón phân vô cơ: năm thứ 1: Sau khi trồng trong mùa mưa bón 50gam NPK 16-16-8/lần/cây/tháng, năm thứ 2: bón 4 lần với liều lượng 0,5-1 kg NPK 16-16-8/cây, năm thứ 3, 4: bón 3 lần/năm với liều lượng 1,5-2 kg NPK 16-16-16/cây. Năm thứ 4 trở về sau: bón 2 lần/năm với liều lượng 4-5 kg NPK 16-16-16/cây, và tăng dần tuỳ theo tình hình phát triển của cây.
46625-ntm.002664_quy-trinh-ky-thuat-trong-mit-nghe-cao-san.pdf
Văn Lập