Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1349
Tổng truy cập : 558,113

Trồng trọt

Quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

Rệp sáp giả chích hút dinh dưỡng của cây, làm cho cây sinh trưởng phát triển kém. Rệp sáp giả tiết ra dịch mật tạo điều kiện cho nấm muội đen phát triển làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình quang hợp của cây, làm ảnh hưởng đến mẫu mã thương phẩm của quả na. Rệp sáp giả hại na phát sinh và gây hại từ tháng 4 – 5, đạt đỉnh cao vào tháng 8 – 9, sau đó mật độ rệp giảm dần. Sau đây là quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học


Rệp sáp giả chích hút dinh dưỡng của cây, làm cho cây sinh trưởng phát triển kém. Rệp sáp giả tiết ra dịch mật tạo điều kiện cho nấm muội đen phát triển làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình quang hợp của cây, làm ảnh hưởng đến mẫu mã thương phẩm của quả na.

Rệp sáp giả hại na phát sinh và gây hại từ tháng 4 – 5, đạt đỉnh cao vào tháng 8 – 9, sau đó mật độ rệp giảm dần. Sau đây là quy trình quản lý tổng hợp rệp sáp giả hại cây na theo hướng sinh học

1. Biện pháp canh tác

- Cắt tỉa, đốn đau, cắt bỏ cành vô hiệu, cành yếu, cành mọc trong tán, những cành cọ sát vào nhau và loại bỏ những cành bị sâu, bệnh.

- Vệ sinh đồng ruộng: dọn sạch tàn dư thực vật của vụ trước. Sau khi đốn tỉa cần thu gom những cành, quả nhiễm rệp sáp giả để đưa ra khỏi vườn na và xử lý, tiêu hủy.

- Bón phân: bón phân chuồng 30 - 40 kg/cây, đạm ure 1,5 - 2 kg/cây; super lân 0,7 - 1 kg/cây; kali 0,7 - 1 kg/cây. Chia làm 3 lần bón vào các tháng 2 - 3; 6 - 7 và 10 - 11 hàng năm.

2. Điều tra phát hiện rệp sáp giả

- Thường xuyên kiểm tra vườn na để phát hiện sự xuất hiện và gây hại của rệp sáp giả làm cơ sở đưa ra biện pháp phòng chống hiệu quả.

3. Biện pháp sinh học

- Bảo vệ và khích lệ các loài thiên địch tự nhiên của rệp sáp giả:

+ Trồng xen các hàng cây hoa có mật vào giữa các hàng cây na để hấp dẫn và là nơi cư trú của các loài thiên địch. Cách 3 - 4 hàng cây na trồng 1 hàng cây hoa có mật.

+ Bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên có sẵn như ong ký sinh rệp sáp giả Anagyrus jennifeae, bọ mắt vàng, bọ rùa bắt mồi, giòi ăn rệp,... bằng cách không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học khi không cần thiết.

- Phun chế phẩm sinh học

+ Phun chế phẩm sinh học có chứa nấm ký sinh (Beauveria bassiana) (mật độ bào tử 109 bào tử/g) khi rệp sáp giả mới xuất hiện ở mật độ thấp, khoảng 0,1 - 0,2 con/cành, quả.

- Nhân nuôi và phóng thả thiên địch: có thể sử dụng ong ký sinh (Leptomastix dactylopii) hoặc bọ rùa hai chấm vàng bắt mồi (Scymnus bipunctatus).

Nhân nuôi và phóng thả ong Leptomastix dactylopii kí sinh rệp sáp giả:

- Nhân nuôi số lượng lớn ong (Leptomastix dactylopii) ký sinh rệp sáp giả với vật chủ là rệp sáp giả cam (Planococcus citri) được nuôi trên quả bí ngô (Cucurbita moschata).

- Phóng thả ong ký sinh (Leptomastix dactylopii)

+ Số lượng ong ký sinh được thả: khoảng từ 10.000 - 12.000 cá thể trưởng thành ong ký sinh/ha/vụ đối với vườn na ở giai đoạn kinh doanh và khoảng từ 7.000 - 8.000 cá thể trưởng thành ong đối với vườn na ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Lượng ong ký sinh này được chia làm 3 - 5 lần thả, mỗi lần thả cách nhau 10 - 15 ngày.

+ Thời điểm thả ong ký sinh: thả ong ký sinh khi điều tra thấy bắt đầu xuất hiện rệp sáp giả trên vườn na, mật độ rệp sáp giả trung bình là 0,1 - 0,3 con/cành, quả (bắt đầu thả vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch).

+ Dụng cụ đựng ong ký sinh (Leptomastix dactylopii) để thả: là hộp lồng nhựa hình hộp chữ nhật (20cm×10cm×3cm). Mép bên của hộp có khoét lỗ và gắn lưới để tạo sự thông thoáng; mặt trong của nắp hộp có gắn một miếng xốp mỏng (7cm×2cm) được tẩm dung dịch mật ong 10%. Mặt bên của hộp lồng có khoét lỗ tròn (đường kính 1,5cm - 2cm) để ong ký sinh tự bay ra ngoài khi hộp lồng được treo ở vườn na. Mỗi hộp lồng như vậy chứa khoảng 200 cá thể trưởng thành ong ký sinh.

+ Phương pháp thả trưởng thành ong ký sinh: hộp lồng chứa trưởng thành ong ký sinh được treo lên cành na phía dưới tán cây ở độ cao 1,2m - 1,4m; sau khi treo, nhẹ nhàng mở lỗ khoét tròn ở mặt bên của hộp lồng cho trưởng thành ong ký sinh tự bay ra ngoài.

+ Thời gian trong ngày để thả ong ký sinh: thả vào buổi sáng (7 - 9 giờ) hoặc buổi chiều (16 - 18 giờ).

* Nhân nuôi và phóng thả bọ rùa hai chấm vàng bắt mồi (Scymnus bipunctatus):

- Nhân nuôi số lượng lớn bọ rùa hai chấm vàng bắt mồi (Scymnus bipunctatus) với thức ăn là rệp sáp giả dứa (Dysmicoccus neovebripes). Vật chủ này được nuôi hàng loạt trên quả bí ngô (Cucurbita moschata).

- Phóng thả bọ rùa hai chấm vàng bắt mồi.

+ Lượng bọ rùa được thả: khoảng 8.000 - 10.000 trưởng thành bọ rùa/ha đối với vườn ở giai đoạn kinh doanh và 6.000 - 7.000 trưởng thành bọ rùa/ha đối với vườn ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Lượng bọ rùa này được chia làm 3 lần để thả, mỗi lần thả cách nhau 10 - 15 ngày.

+ Thời điểm thả bọ rùa hai chấm vàng bắt mồi: khi điều tra thấy mật độ rệp sáp giả đạt trung bình 0,1 - 0,3 con/cành, quả (bắt đầu thả vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 dương lịch).

+ Dụng cụ để thả bọ rùa hai chấm vàng bắt mồi: là lọ nhựa hình vuông cạnh 5cm×5cm×6cm (mỗi lọ chứa khoảng 20 - 30 trưởng thành bọ rùa hai chấm vàng bắt mồi). Lọ chứa bọ rùa được treo lên cành na bằng dây kim loại, nhỏ, mảnh (đủ để giữ lọ trên cành cây). Sau khi lọ được treo trên cành na, trưởng thành bọ rùa di chuyển ra ngoài qua lỗ (1,5cm×1,5cm) đã được khoét sẵn ở một mặt bên của lọ.

+ Phương pháp thả bọ rùa: lọ nhựa chứa trưởng thành bọ rùa được treo lên cành na ở độ cao 1,2m - 1,4 m (dưới tán cây).

+ Thời gian trong ngày để thả bọ rùa hai chấm vàng bắt mồi: bọ rùa được thả vào buổi sáng (7 - 9 giờ) hoặc buổi chiều (16 - 18 giờ).

4. Biện pháp hóa học

- Sử dụng các thuốc BVTV hóa học có hoạt chất Spirotetramat, Abamectin.

- Áp dụng sau khi thu hoạch hoặc sau đốn, tỉa hay vệ sinh đồng ruộng.

- Liều lượng sử dụng theo khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất.

- Đảm bảo nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc BVTV.

Lưu ý: Thuốc bảo vệ thực vật hóa học có chứa hoạt chất Spirotetramat, Abamectin; thuốc bảo vệ thực vật sinh học có chứa nấm ký sinh Beauveria bassiana chỉ được khuyến cáo sử dụng sau khi được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phòng chống rệp sáp giả cho cây na.

43835-ntm.003295-quy-trinh-quan-ly-tong-hop-rep-sap-gia-hai-cay-na-theo-huong-sinh-hoc.pdf