Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 2467 |
Tổng truy cập : | 560,939 |
Trồng trọt
Sâu bệnh hại chính trên cây chanh leo
Hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ một số loài sâu hại thường gặp trên cây chanh leo: nhện đỏ, bọ trĩ chích hút, ruồi vàng đục quả, sâu đục thân.
Cây chanh dây là cây cho hiệu quả kinh tế rất cao nhưng sâu bệnh hại trên các vườn cây chanh dây cũng rất nhiều làm giảm năng suất và chất lượng quả chanh leo khi xuất khẩu như: Bệnh thối gốc, chết nhanh, héo quả, bệnh bã trầu, ruồi đục trái, các loài nhện, bọ chích hút, ong vàng…, bệnh hại cây tập trung chủ yếu nhiều vào mùa mưa, sâu hại thì quanh năm. Sau đây là một số biện pháp phòng trừ sâu hại thường gặp trên cây chanh dây:
1. Nhện đỏ:
* Đặc điểm gây hại:
- Gây hại trên lá:
+ Chúng thường gây hại ở mặt dưới lá, lá chuyển màu vàng.
+ Mặt trên của lá bị vàng loang lỗ (những chấm trắng vàng rất rễ nhận ra trên mặt lá).
+ Mặt dưới lá có những vết trắng lấm tấm giống bụi cám, nhìn kỹ thấy trên đó có lớp tơ rất mỏng.
+ Lá cây bị phồng rộp sau đó cằn lại, vàng, thô cứng và sau cùng lá sẽ bị khô đi.
+ Khi mật số cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành cũng trở nên khô và chết.
- Gây hại trên quả:
+ Trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn.
+ Hoa bị hại và có thể bị thối rụng.
* Cách phát hiện
- Các biểu hiện trên, dùng kính lúp.
- Dùng tờ giấy trắng:
+ Áp sát vào mặt lá nghi có nhện rồi chà nhẹ trên tờ giấy.
+ Mở ra nếu trên tờ giấy trắng xuất hiện những vệt đỏ, vàng hoặc dịch nước (các con nhện bị chết để lại các vệt dịch của nó trên giấy) thì chứng tỏ lá đã bị nhện gây hại.
+ Căn cứ vào số "vết máu" trên giấy để xác định mật số và mức độ gây hại của nhện để có các biện pháp phòng trị kịp thời.
* Biện pháp phòng trừ:
- Không nên trồng quá dày, tạo độ thông thoáng cho cây trồng.
- Bón phân dứt điểm thành từng đợt và phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. (Ưu tiên sử dụng NPK phức hợp)
- Tưới nước giữ ẩm cho cây trong mùa khô. Sau mỗi lần bón phân cần tưới đẫm nước để hòa tan phân bón vào trong đất cho cây hấp thụ. Đặc biệt là cần đảm bảo đủ nước ở giai đoạn ra hoa và nuôi quả.
- Thường xuyên kiểm tra vườn chanh leo, cắt bỏ các cành vô hiệu. Sau khi cắt tỉa phải thu dọn lá, cành ra khỏi vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ và đem tiêu hủy.
- Những chồi non bị xoăn lá do nhện gây hại cần tỉa bỏ, thu gom nguồn bệnh tiêu hủy và đốt để tránh lây lan (chú ý: cắt cành vô hiệu sát thân để lại 1-2 mắt có mầm ngủ khoảng 10-15cm).
- Đối với nhện bà con cần sử dụng các loại thuốc đặc hiệu và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch trái bằng các loại thuốc có nhóm hoạt chất như: Abamectin (Bihhoper 020EC), (Abamectin Benzoate) Vimatox 5WG, Amamectin (Dylan 5WG), Fenpyroimate (Comite 73EC): Phun kỷ cả 2 mặt lá mặt trên và mặt dưới của lá đặc biệt là các chồi non phun 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày/lần. Xịt ướt đều mặt dưới của lá. (Lưu ý: Nhện đỏ phun xong thuốc trước 8h sáng mới hiệu quả cao).
2. Bọ trĩ chích hút:
* Đặc điểm gây hại:
Bọ trĩ là loài gây hại dạng chích hút, chúng thường xâm nhập vào bộ phận hoa, lá, quả non để chích hút làm cho hoa khó thụ phấn, quả khó hình thành. Nơi nào có bọ trĩ nhiều thì xuất hiện sự bạc màu và dị dạng do phản ứng với nước bọt của bọ trĩ. Gây hại trái làm cho trái méo mó, dị hình, bề mặt trái bị nám.
* Triệu trứng gây hại:
Bọ trĩ tấn công lá non cho đến khi lá gần trưởng thành. Kích thước lá có thể giảm, lá có thể bị biến dạng trong trường hợp nghiêm trọng. Bọ trĩ cũng tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm đen lá, trái. Mặc dù không gây chết cây nhưng cây sinh trưởng phát triển kém làm cho ra hoa đậu quả kém, trái nhỏ, chất lượng giảm.
* Biện pháp phòng trừ:
Phòng trừ tổng hợp IPM là cách phòng trừ hữu hiệu nhất đối với Bọ Trĩ xen canh, luân canh cây trồng, nhân nuôi thiên địch, không sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật để phòng ngừa tránh gây hiện tượng lờn thuốc.
- Chăm sóc cây khỏe, bón phân, tưới tiêu, trừ cỏ… đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Tưới phun mưa trực tiếp vào các bộ phận bị hại khi bọ trĩ rộ có thể giảm đáng kể tác hại của bọ trĩ. Hàng năm cần xới xáo, thu gom tàn dư để diệt nhộng. Bảo vệ thiên địch, chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, hạn chế sử dụng thuốc phổ rộng
- Biện pháp hóa học: Thường xuyên điều tra đồng ruộng tiến hành phòng trừ kịp thời. Dùng các loại thuốc như: Thiamethoxam (Actara 75WP); Imdacloprid (Armada; Mydan 10WP)… Phun kỹ cả 2 mặt lá mặt trên và mặt dưới của lá, phun lần 2 cách lần một 5-7 ngày.
Cần luân phiên và thay đổi thuốc trị nhện để tránh tình trạng nhện kháng thuốc
3. Ruồi vàng đục quả:
* Dấu hiệu nhận biết ruồi đục quả gây hại trên cây chanh leo
Khi bà con thấy qủa chanh leo có những dấu hiệu sau và bà con cần phải có biện pháp khắc phục ngay:
- Nếu có giọt gôm chảy từ trong lỗ kim chảy ra thì có nghĩa là sâu non của ruồi vàng đục quả đang đào lỗ chui vào trong quả để gây hại.
- Quả sẽ bị thối và rụng đi rất nhiều.
* Tác hại của ruồi vàng đục quả trên cây chanh leo
- Ruồi vàng đục quả là một đối tượng rất nguy hiểm và đang được báo động hiện nay, các tác hại mà ruồi vàng đục quả gây ra trên cây chanh leo là:
- Quả chanh leo khi bị ruồi vàng đục quả xâm hại, rất có thể quả sẽ bị nhiễm nấm ký sinh.
- Vết bệnh sẽ bắt đầu thối và biến sang màu nâu, thịt của quả bị thối rửa và sau cùng là quả sẽ rụng.
* Biện pháp phòng ngừa ruồi đục quả xâm hại cây chanh leo
- Bà con cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và tiêu diệt ruồi vàng đục quả
- Tỉa những lá già, lá không cần thiết để tạo sự thông thoáng cho vườn chanh leo
- Nuôi các loại thiên địch như ong, kiến để chúng giúp bà con tiêu diệt đi trứng và sâu non của ruồi vàng đục quả.
* Cách khắc phục vườn chanh leo sau khi bị ruồi vàng đục quả tấn công
- Thu gom hết trái rơi rụng trong vườn đem chôn sâu dưới đất hoặc đốt có rải thêm vôi bột để tiêu diệt hết trứng và dòi non còn nằm bên trong nhằm tránh lây lan.
- Thường xuyên vệ sinh vườn bằng cách cắt tỉa những cành, nhánh không cần thiết, tạo cho vườn luôn thông thoáng, sạch sẽ, hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành.
- Sử dụng các loại bẩy ruồi vàng đồng loạt bằng các loại bẩy như: Vizubon, Flykil; Eto-pro để diệt ruồi đục trái
4. Sâu đục thân:
* Đặc điểm gây hại:
Sâu trưởng thành tìm những kẽ nứt của thân cây để đẻ trứng, sâu non nở ra đục vào thân cây tạo thành đường vòng quanh thân, dần dần đục sâu vào trong thân làm rỗng thân. Khi cây bị sâu hại, lá non ở đầu nhánh có màu xanh hơi đậm, hơi xoăn và nhỏ hơn lá bình thường. Cây bị hại nặng thì lá vàng và héo, vỏ thân cây chanh leo có dấu hiệu nứt nẻ.
* Triệu chứng:
Sâu non nở ra đục vào các đốt thân hoặc cành rồi đục vào bên trong thân, cành thành đường hầm. Phần thân cành nằm phía trên vị trí bị đục trở nên héo, hóa nâu rồi chết. Bọ trưởng thành có thể cắn những lỗ nhỏ ở cuống hoa hoặc phá những quả non.
* Biện pháp phòng trừ:
- Biện pháp canh tác: Cần tạo hình và cắt tỉa nhánh được tiến hành thường xuyên. Vệ sinh đồng ruộng, thu gom lá già, tàn dư cây trồng tiêu hủy. Bón phân cân đối, chọn giống tốt, chống chịu với sâu bệnh…
- Biện pháp vật lý: Quan sát kỹ các thân cây nếu có vết đục của sâu đục thân thì dùng dụng cụ rạch phần thân để bắt sâu, sau đó dùng bao nilon sạch buộc lại vết đã rạch, kể cả vết đục.
- Biện pháp hoá học: Đối với cây bị hại nhẹ dùng thuốc phun kỷ lên thân cây như: Padan 4G, Diaphos 4G, Cộng hợp 16BTN, Fenbis 25EC liều lượng 25 - 30ml/8 lít nước, Sagomycin 20EC liều lượng 10 - 15ml/8 lít nước, Basudin 40EC liều lượng 20ml/8 lít nước, Cyperan 10EC liều lượng 10 - 15ml/8 lít nước…
50928-ntm.002861_sau-benh-hai-cay-chanh-leo-va-bien-phap-phong-chong-da-chuyen-doi.pdf