Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1435
Tổng truy cập : 558,340

Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác

Tăng cường các biện pháp phòng chống nóng và dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế thiệt hại do nắng nóng gây ra cho đàn vật nuôi: kiểm tra, cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại chất lượng giống, đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo dõi trạng thái sức khỏe đàn vật nuôi phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời vật nuôi có triệu chứng bệnh…


Diễn biến bất thường của thời tiết khiến cho sức khỏe đàn gia súc, gia cầm của bà con chăn nuôi bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiệt độ tăng cao gây nên hiện tượng sốc nhiệt, gia súc, gia cầm giảm ăn dẫn đến giảm năng suất. Đàn gia súc, gia cầm dễ bị suy giảm hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, môi trường nóng ẩm chính là điều kiện lý tưởng cho các loại mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm… Một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế thiệt hại do nắng nóng gây ra:

 (1) Thường xuyên kiểm tra, cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại nhằm giảm nhiệt, tạo sự dễ chịu cho vật nuôi; đặc biệt chú ý đảm bảo hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc gia cầm hoạt động hiệu quả:

- Đối với các trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín: thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc sự cố về hệ thống làm mát trong chuồng nuôi.

- Đối với chăn nuôi nông hộ: tăng cường hệ thống làm mát đơn giản như che phủ lên mái bằng các vật liệu chống nắng, chống nóng; rải thêm các vật liệu làm mát xuống nền chuồng, dùng bạt che chắn, trang bị hệ thống giàn phun mưa chủ động làm mát thủ công tại chuồng nuôi.

- Đối với các loại gia súc như trâu, bò: khuyến cáo các hộ chăn thả vào buổi sáng sớm và chiều mát hoặc những ngày nhiệt độ dưới 35 độ C. Tăng cường dự trữ thức ăn thô, xanh, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho đàn vật nuôi trong những ngày nắng nóng.

- Làm hệ thống bạt che nắng di động, nhiều trại chăn nuôi nhất là chăn nuôi gia cầm khi chưa có hệ thống chuồng kín dùng hệ thống bạt di động để che chắn trực tiếp. Đây là biện pháp hữu ích thực tế được nhiều người áp dụng cùng với các hệ thống đã có trong chuồng nuôi rất có hiệu quả

(2) Nhập giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, đủ điều kiện, không nhập ở nơi đang có dịch bệnh. Cần kiểm tra, xem xét kỹ về chất lượng giống cũng như việc tiêm phòng đủ thời gian miễn dịch mới vận chuyển đi.

Thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm theo quy định; trong những ngày nắng nóng chú ý vận chuyển gia súc, gia cầm vào buổi sáng sớm và chiều mát; trường hợp vận chuyển đường dài cho vật nuôi nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung thức ăn, nước uống và kiểm tra sức khỏe con vật trong quá trình vận chuyển. Nên giãn mật độ nhốt gia súc gia cầm trên phương tiện vận chuyển, đồng thời che chắn làm mát cho gia súc gia cầm ngay trên phương tiện vận chuyển như có đệm lót tốt, có bạt che ánh nắng mặt trời xung quanh phương tiện.

(3) Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý, bổ sung các loại khoáng, Premix, Vitamin để nâng cao sức đề kháng cho con vật; đảm bảo đủ nước uống sạch và dùng chất điện giải cho gia súc, gia cầm.

Những ngày nắng nóng nên bổ sung các máng uống và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để cho con vật chủ động uống đủ nước sạch. Với chế độ ăn những ngày nắng nóng nên giảm khẩu phần ăn về buổi trưa tăng bù vào chiều mát, sáng sớm và đêm. Riêng trâu bò cần tăng lượng thức ăn thô xanh, giảm thức ăn tinh trong ngày.

(4) Nắng nóng kèm theo mưa thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh sinh trưởng và phát triển; tăng cường vệ sinh, khử tùng tiêu độc nhằm tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh gây tác hại. Với chuồng nuôi trâu bò, lợn (kể cả chuồng kín và chuồng hở) dùng nước rửa xịt sạch chuồng nuôi và không để đọng nước. Diện tích phun nước những ngày nắng nóng cần rộng cả trong và ngoài chuồng nuôi đồng thời tăng số lần dùng nước phun rửa trong ngày.

(5) Trong những ngày nắng nóng, cần giãn, giảm mật độ chăn nuôi tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi; cụ thể:

- Đối với gia cầm: 50 - 60 con/m2 chuồng nuôi ở giai đoạn úm; gà thịt 8-10 con/m2 chuồng nuôi; gà đẻ 5 - 7 con/m2 chuồng nuôi; đối với chuồng nuôi gà thịt sử dụng đệm lót sinh học: 7 - 8 con/m2 chuồng nuôi.

- Đối với lợn: lợn nái 3 - 4 m2/con, lợn thịt ≥ 1,2m2/con; đối với chuồng nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học: trên 1,6m2 đệm lót/con.

- Đối với chuồng nuôi trâu bò: đảm bảo diện tích chuồng nuôi 4 - 6 m2/con, bê nghé 1 -2 m2/con.

(6) Cần kiểm tra việc tiêm phòng  cho đàn gia súc gia cầm, trường hợp đến kỳ tiêm phòng phải chủ động, chú ý kiểm tra đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh mới tiêm phòng.

Hàng ngày quán sát, theo dõi trạng thái sức khỏe đàn vật nuôi phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời vật nuôi có triệu chứng bệnh. Đồng thời báo cho Cơ quan Thú y và chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp xử lý, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng.


7933-ntm.002723_tang-cuong-cac-bien-phap-phong-chong-nong-va-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi.pdf

Phạm Văn Hòa