Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8606
Tổng truy cập : 2,026,593

Bà con cần biết

Tập trung chăm sóc một số cây trồng Vụ Đông 2018

Trong sản xuất Vụ Đông năm 2018, cây ngô và các loại rau màu là hai đối tượng cây trồng chính. Vì vậy, để chăm sóc và quản lý sâu bệnh trên cây ngô và các loại rau màu được hiệu quả, bà con cần lưu ý:


1.  Đối với cây ngô

Chăm sóc:

- Tưới nước: Ngô là cây trồng ưa ẩm, vì vậy bà con cần thường xuyên giữ đủ ẩm cho ruộng ngô, không để ruộng khô hạn và bị ngập úng. Bà con cần lưu ý trong giai đoạn đầu vụ Đông thường có những trận mưa lớn, do vậy cần có biện pháp thoát nước kịp thời không để ruộng bị ngập quá 24h (cây con dễ bị chết và sinh trưởng phát triển kém).

Nếu thời tiết khô hạn, cần phải tưới nước để cây ngô sinh trưởng phát triển tốt; nhất là vào các thời kỳ: Cây con, phun râu trỗ cờ và kết thúc thụ phấn đến chín sữa phải đảm bảo đủ nước, có thể tưới trực tiếp vào gốc hoặc tưới rãnh cho nước vào ngập 2/3 luống, để nước ngấm đều lên luống rồi tháo cạn.

- Quản lý cỏ dại: Trước khi trồng ngô ra ruộng, bà con có thể sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm để phòng trừ, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Đồng thời, kết hợp làm sạch cỏ dại trong các lần vun xới và bón phân.

Phòng trừ sâu, bệnh hại:

Cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, phát hiện kịp thời để có biện pháp phòng trừ kịp thời hiệu quả. Các đối tượng sâu, bệnh gây hại chủ yếu như sau:

-  Đối với sâu hại: Sâu xám, sâu đục thân, rệp cờ, châu chấu,… ngoài các biện pháp canh tác, bà con có thể sử dụng các loại thuốc như: Basudin, Actara, Bassa, Rambo 800WG… phun thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.  

- Bệnh hại ngô như: Khô vằn, đốm lá lớn, sọc lá: Ngoài những biện pháp canh tác (loại  bỏ các lá già dưới chân gốc đã úa vàng, các lá nhiễm bệnh đem ra khỏi ruộng), bà con có thể kết hợp sử dụng phun một trong số các loại thuốc Anvil 5SC, Validacin 3L,... theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Khi ngô trỗ cờ, nếu thời tiết nắng ấm có thể áp dụng biện pháp ngắt bớt cờ ngô (cứ cách một cây lại ngắt cờ một cây). Giai đoạn khi ngô đã thâm râu (ngô thụ phấn xong), tiến hành ngắt bỏ toàn bộ cờ ngô nhằm hạn chế sự tiêu tốn dinh dưỡng, vừa tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô, tăng khả năng quang hợp và hạn chế được sâu bệnh gây hại.

2. Đối với cây rau

Tưới nước:

 Đối với từng loại cây trồng và từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau mà nhu cầu của cây cần nhiều hay ít nước. Để cây sinh trưởng phát triển tốt thì độ ẩm đồng ruộng cần đảm bảo 75 - 80%. Đảm bảo chế độ tưới phù hợp với từng loại cây, bà con cần lưu ý một số điểm sau:

+ Đối với rau ăn lá: Nhu cầu nước tăng cao ở giai đoạn phát triển thân lá.

+ Đối với cây rau họ bầu bí, cà chua: Nhu cầu nước của cây tăng dần và cần nhiều nước ở giai đoạn ra hoa, đậu quả.

+ Đối với cây dưa chuột: Bà con lưu ý tuyệt đối không để cây bị khô hạn hay thiếu nước thời kỳ cây trổ hoa.

 Bà con nên tưới nước đủ ẩm 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Tưới rãnh vào thời kỳ phát triển thân lá.

Bón phân:

+ Đối với rau ngắn ngày: Như rau ăn lá cần bón các loại phân nhanh tan (phân đơn) kết hợp với phân trung vi lượng.

+ Đối với rau dài ngày: Cần bón lót sử dụng phân NPK tổng hợp tan chậm kết hợp với tưới phân nhưng tăng cường phân kali và phân lân giúp cây sinh trưởng khỏe.

Bà con cần lưu ý, bón phân chia theo các giai đoạn sinh trưởng của cây. Lưu ý bà con trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày tuyệt đối không sử dụng phân bón và thuốc BVTV để bón và phun cho rau, đảm bảo thời gian cách ly theo quy định.

Nguồn: Sở NNPTNT Vĩnh Phúc