Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 431 |
Tổng truy cập : | 562,533 |
Trồng trọt
Trồng cà chua an toàn, hiệu quả
Hướng dẫn kỹ thuật canh tác và phương pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây cà chua: xử lý đất, xử lý hạt giống, bón phân, chăm sóc và tưới nước, phòng chống sâu hại và bệnh hại
Cà chua là loại rau cao cấp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì loại cây kén đất, dễ mẫn cảm với thời tiết và còn bị nhiều loại sâu bệnh gây hại. Những dịch hại khó phòng trị thường thấy trên cà chua phải kể đến bệnh héo rũ (Pseudomonas solenearum, Scierostium roifsii), bệnh siêu vi trùng xoăn lá, sâu đục trái (Heliothis armigera), sâu ăn tạp (Prodenia litoralis), rệp phấn (Bemisia tabaci), ruồi đục lá (Liriomyza tripholia), bọ trĩ (Thrips sp.)…
I/ KỸ THUẬT CANH TÁC
1.1/ Chuẩn bị đất:
Đất trồng phải tơi xốp, dễ thoát nước. Nên làm đất và phơi ải 20 – 30 ngày trước khi gieo trồng. Bón lót vôi liều lượng 50kg/1.000mét vuông khoảng 10 ngày trước khi trồng để hạn chế sâu bệnh trong đất. Mùa mưa cần lên liếp cao 25 – 30 cm, rộng 1 – 1,2m để tránh úng nước và hạn chế bệnh. Chú ý: Không nên canh tác nhiều vụ liên tục các loại cây họ cà (thuốc lá, ớt, cà tím…) trên cùng một chân đất.
Nên che phủ đất bằng rơm hoặc màng nylon để giữ ẩm cho đất trong mùa khô và tránh đất cát bắn lên làm cây dễ nhiễm bệnh.
1.2/ Thời vụ trồng:
Vụ Đông Xuân: trồng từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, tốt nhất nên trồng tháng 11 – 12 vì điều kiện thời tiết phù hợp với sinh lý cây cà chua nên dễ đạt năng suất cao.
Vụ mưa: trồng tháng 6 – 7, vụ này cà chua bị bệnh nhiều nên năng suất thường thấp.
1.3/ Giống:
Vụ Đông Xuân: ngoài một số giống địa phương ở Hóc Môn còn có thể trồng một số giống lai như: S901, S902, Delta, VL 2000, HP 5, SB 3…
Vụ mưa: trồng các giống KBT 4, giống Số 12, SB 2, S 901 ít bị bệnh héo rũ vi khuẩn.
1.4/ Xử lý hạt giống:
Để phòng trừ nấm bệnh, hạt giống trước khi gieo nên xử lý bằng Appencarb Super 250, Aliette 80 WP hoặc Rovral 50 WP.
Để phòng ngừa bệnh virus, nên phơi hạt giống 1 nắng nhẹ rồi đem ngâm trong dung dịch Na2PO4 (10%) trong thời gian 2 giờ, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch, hong khô trong râm mát.
1.5/ Khoảng cách trồng:
Mật độ trồng từ 1.800 – 2.000cây/1.000mét vuông. Mỗi liếp trồng 2 hàng, mỗi hàng cách nhau 60 – 70 cm, cây cách cây 45 – 50 cm. Nên cắm giàn cho cây tránh đổ ngã và tránh cho trái tiếp xúc với mặt đất.
1.6/ Bón phân:
Liếp ươm: (tính cho 10mét vuông)
- Bón lót: 10kg phân chuồng hoai + 100g Super lân + 3g Basudin 10H
- Bón thúc: 10 ngày sau gieo tưới phân bón lá Comlates (20ml/1 bình 6 lít) + bánh dầu. Trung bình 3 ngày tưới 1 lần cho tới khi nhổ trồng.
Ruộng trồng: (tính cho 1.000mét vuông)
- Bón lót: 3 tấn phân chuồng hoai + 20kg Super lân + 7kg Kali
- Bón thúc:
+ Lần 1: 5kg Urê + 12kg Super lân + 7kg Kali + 10kg bánh dầu, bón lúc 10 ngày sau khi trồng.
+ Lần 2: 10kg Urê + 7kg Kali + 20kg bánh dầu, bón lúc 20 ngày sau khi trồng.
+ Lần 3: 12kg Urê + 20kg bánh dầu, bón lúc 35 ngày sau khi trồng.
1.7/ Chăm sóc, tưới nước:
- Giai đoạn cây con: sau khi gieo phủ một lớp rơm mỏng để giữ ẩm và hạt không bị rửa trôi khi tưới nước. Mùa mưa cần làm giàn che. Khi cây có 2 – 3 lá thật nên tỉa bỏ các cây sinh trưởng kém, cây còi cọc hoặc cây bị bệnh. Tuổi cây trồng ra ruộng trong vụ Đơng Xuân khoảng 18 – 20 ngày, vụ mưa khoảng 25 – 28 ngày. Giảm lượng nước tưới 1 tuần trước khi nhổ để cây ra rễ nhưng trước khi nhổ lại cần tưới đẫm nước để cây không bị đứt rễ.
- Giai đoạn trồng ra ruộng:
+ Một tuần sau khi trồng có thể tưới rãnh, trung bình 3 – 4 ngày tưới một lần. Cần thoát nước ngay sau mỗi trận mưa.
+ Làm sạch cỏ chân, vun gốc kết hợp với các lần bón thúc. Lưu ý, không để tổn thương bộ rễ dễ bị bệnh tấn công.
+ Tỉa bỏ các nhánh gốc, nhánh nhỏ. Khi cây cao có thể bấm ngọn để hạn chế chiều cao.
II/ PHÒNG TRỪ DỊCH HẠI
2.1/ Ruồi đục lá: (Liriziomyza sản phẩm) sâu non đẻ trứng trên mặt lá, dòi đục lá chui vào sống ở tầng biểu bì. Sâu non đục thành hang ngoằn ngoèo nên còn gọi dòi vẽ bùa. Dòi thường xuất hiện ở tuần lễ thứ 4 và thứ 8 sau trồng, khi thấy 30% số lá bị hại thì tiến hành phun thuốc. Dùng một trong các loại thuốc sau: Alphan 5EC, Forwathion 50EC, Polytrin, Success 25SC,…
2.2/ Sâu đục quả: (Heliothis armigera, Spodoptera litoralis) thường xuất hiện lúc hoa nở rộ ở các tuần lễ 5, 7, 9 sau trồng (đặc biệt nhiều trong tuần lễ thứ 7). Sâu non chui trong trái từ khi còn xanh cắn phá làm hư hỏng trái. Khi sâu chui vào trong trái việc phòng trừ sâu sẽ rất khó khăn. Muốn trừ sâu cần pát hiện sớm ngay khi sâu non vừa nở chưa vào trái. Có thể phun một trong những thuốc: Alphan 5EC, Cyperan 25EC, Forsan 50EC, Forwathion 50EC. Trong thời gian thu hoạch có thể sử dụng Vertimax 1,8ND, Success 25SC, Polytrin 440EC.
2.3/ Bệnh héo rũ, thối hạch: (Scierostium rolfsii) bệnh khá phổ biến ở các vùng trồng cà chua. Cây bị bệnh thường thấy sợi nấm trắng phát triển quanh thân và cả trên đất nếu trời nóng và ẩm. Cây bị bệnh gốc thường nâu và thối làm cây bị rũ xuống chết. Cần phát hiện sớm khi bệnh mới phát sinh có thể dùng một trong các loại thuốc: Topan 70WP, Carban 50SC hoặc Manzat – 200 – 80WP để phòng trừ. Khi phát hiện cây bị bệnh ngưng bón đạm, có thể bón thêm phân KCl.
2.4/ Bệnh héo vi khuẩn: (Pseudomonas solanacearum) bệnh thường xuất hiện khi cây ra hoa đậu trái, gặp điều kiện thuận tiện (nhiệt độ và ẩm độ cao) bệnh phát triển nhanh có thể lây khắp ruộng. Bệnh hiện chưa có thuốc trị chủ yếu áp dụng các biện pháp luân canh cây trồng (ruộng đã trồng cà chua phải 3 năm sau mới có thể trồng lại), bón phân hữu cơ hoai mục, ruộng phải thoát nước tốt. Khi có cây bị bệnh không được tưới rãnh và cẩn thận khi tiếp xúc với cây bệnh có thể lây sang các cây khỏe.
Ngoài các dịch hại trên còn thấy ruồi trắng hay còn gọi là bọ phấn trắng (Bernisia tabaci) là môi giới truyền bệnh virus cho cà chua. Vào 7 – 8 giờ sáng thăm đồng nếu thấy có cây bị bệnh virus kèm với ruồi trắng thì nên tiến hành phun thuốc: Bassan 50ND, Polytrin 440ND hay Actara 25WG để hạn chế việc lây bệnh sang các cây khỏe./.