Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2428
Tổng truy cập : 560,866

Trồng trọt

Trồng cây sắn dây cho hiệu quả cao

Giới thiệu phương pháp kỹ thuật trồng cây sắn dây cho hiệu quả cao: xác định thời vụ trồng, cách trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và hiệu quả kinh tế của cây sắn dây.


Sắn dây là một loại cây dể trồng, ít kén đất và có giá trị dinh dưỡng cao, cây có thể sống lâu năm, có thân dây leo dài trên 10m, rễ phát triển thành củ dài, to. Lá kép, mọc sole gồm 3 lá chét, phiến lá hình tim không đều, lá có mũi nhọn dài, đuôi lá tròn. Cụm hoa mọc thành chùm, mọc sole gồm 3 lá chét, nguyên hoặc xẻ thùy, mọc ở kẻ lá gồm nhiều loại hoa màu xanh tím và có mùi thơm. Quản hình dẹt, màu vàng nhạt, có lông mềm, thắt lại giữa các hạt.

 Ngoài công dụng về y học, sắn dây còn có giá trị kinh tế khá cao, là nguồn phân xanh và làm thức ăn cho gia súc vì thân lá sắn dây khá giàu đạm.

1. Thời vụ trồng:

- Trồng vào tháng 3,4 dương lịch hàng năm, đến tháng 10,11 có thể thu hoạch.

- Chuẩn bị giống: Vào đầu tháng 2 dùng dây hoặc củ sắn dây để ươm giống.

- Chuẩn bị đất trồng: Chọn đất tơi xốp, có tầng canh tác dày, có độ sâu mạch nước ngầm trên 1,5m; đất không bị ngập úng khi mưa. Cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại và tiến hành đào hố và bón phân lót, công tác chuẩn bị đất được thực hiện trước khi trồng 15 ngày.

- Đào hố theo 2 cách:

Nếu trồng bằng hom dây thì đào hố rộng = dài = 80cm; sâu 40cm.

Nếu trồng bằng bầu ươm thì đào hố rộng = dài = 60cm; sâu 40cm.

Khoảng cách giữa các hố là 2m (MĐ 2.500 gốc/ha).

Hiện nay có 2 loại sắn dây: Sắn dây địa phương (còn gọi là sắn dây ta) có TGST gần 2 năm. Sắn dây lai Trung Quốc có TGST từ 10 - 12 tháng.

2. Cách trồng:

- Trồng bằng giâm hom: chọn cành xanh bánh tẻ, cắt một đoạn hom có từ 2 - 3 mắt mầm, đem dâm vào trong bầu đất (giống như ươm tiêu) sau khoảng 1 - 1,5 tháng, khi cây đã phát triển rể hoàn chỉnh, mầm đã mọc dài 3 - 5cm thì đem trồng.

- Trồng bằng củ giống: Sau khi thu hoạch trong vòng 1 tuần chọn củ tốt không bị sâu bệnh để làm giống. cắt củ thành từng miếng có chiều dài bằng chiều rộng khoảng 5 - 7cm, chấm mặt cắt vào tro bếp, để nơi khô ráo cho khô vết cắt rồi đem trồng thẳng xuống hố hoặc ươm vào bầu đất.

- Có thể ủ cho củ sắn dây nảy mầm rồi mới đem trồng nhằm đảm bảo mật độ trên vườn sản xuất. Chọn củ to vừa phải cắt lấy nữa trên, chấm mặt cắt vào tro bếp, để khô vết cắt, đặt củ lên rơm rạ, bao tải hoặc trấu thành từng lớp, phía trên mỗi lớp củ rãi một lớp tro bếp trộn một ít phân lân nung chảy (tỷ lệ 1:10), sau đó trên cùng phủ một lớp rơm kín, che mát nếu trời nóng, kín gió khi trời rét, thường xuyên kiểm tra tưới nước đủ ẩm không quá ướt, sau 2 - 3 tuần thì củ nhú mầm có thể đem trồng.

3. Kỹ thuật bón phân:

- Bón lót: Sau khi đào hố, đổ lớp mùn rơm rạ, lá cây đã hoai mục xuống đáy hố, rắc một lớp đất bột dày 5 - 10cm lên trên lớp mùn, bó 25 - 30kg phân chuồng hoai mục/hố, phủ thêm mọt lớp đất bột 7-10cm lên trên lớp phân chuồng, đặt cây giống hoặc bầu giống và lấp một lớp đất mùn, phủ một lớp rơm rạ, lá cây đã hoai mục lên trên cùng, lưu ý tránh lấp mầm cây.

- Bón thúc: chia làm 3 lần

+ Lần 1 (sau trồng 1 tháng): pha loãng phân ure tưới bổ sung theo tỷ lệ 2 muỗng cà phê ure + 8-10 lít nước.

+ Lần 2: Sau khi cây mọc 50 - 60 ngày, dùng 100 - 120g ure trộn với 5 - 6g kali bón cho một hố. Bón cách gốc 10 - 15cm, rải đều xung quanh gốc kết hợp xới xáo, làm sạch cỏ dại.

+ Lần 3: Sau trồng 3 tháng, bón 200g NPK 16:16:8 trộn đều với 5 - 10kg phân chuồng hoai mục cho mỗi hố, rải đều phân xung quanh gốc cách gốc 20 - 25cm, xới xáo trộn phân vào đất, làm sạch cỏ dại, lấp một lớp đất mõng che kín phân.

4. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:

a. Chăm sóc:

- Khi chồi cây phát triển được 15 - 20cm thì tiến hành cắm giàn cho cây leo, khi thân leo cao khoảng 1 - 1,5m thì gở dây xuống và cuộn tròn dây lại lần quanh gốc, phủ lên một lớp đất và mùn (giống như đôn dây tiêu). Nhằm tạo ra tầng củ thứ hai, làm tăng năng suất cho cây. Chú ý thường xuyên xới xáo, làm sạch cỏ dại xung quanh gốc đảm đất luôn được tơi xốp và tạo độ ẩm cho đất để thân cây phát triển mạnh.

- Làm giàn cho thân dây leo: Cắm giàn theo hình chử A hoặc làm như giàn mướp, bí đao.., với sắn dây không cần cắt tỉa mà chỉ cần bắt dây phân bố đều trên giàn, tránh thân dây leo chồng chéo lên nhau, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp làm giảm năng suất củ. Lưu ý tuyệt đối không cho thân dây chạm đất vì phần dây nào tiếp xúc với đất thì có khả năng mọc ra rể mới làm cho năng suất và chất lượng củ dưới mặt đất bị giảm sút nghiêm trọng.

- Chỉ tưới nước khi khô hạn kéo dài còn thời tiết bình thường thì không cần tưới, vì cây sắn dây là loại cây không chịu úng nhưng khả năng chịu hạn khá tốt.

b. Phòng trừ sâu bệnh:

- Trước khi trồng: xử lý hố mới đào bằng vôi bột: 0,5 - 1kg rắc đều đáy và xung quanh thành hố sau đó dùng 0,1 - 0,2kg basudin 10H trộn đều với vật liệu bón lót hố.

- Trong giai đoạn cây STPT chú ý sâu cuốn lá và rệp sáp xuất hiện gây hại.

5. Thu hoạch:

- Sau khi trồng 9-10 tháng thì có thể tiến hành thu hoạch củ, hoặc khi thấy lá trên cây bắt đầu chuyển vàng và rụng dần (hiện tượng cây trút lá vàng) thì thu hoạch, vì lúc đó củ đã thành thục.

6. Hiệu quả kinh tế:

- Tổng chi phí cho một gốc sắn dây: 50.000 đồng, bao gồm:

Cây giống:                                               5.000 đ/bầu

Phân bón, thuốc BVTV:                             20.000 đ/gốc

Làm đất, chăm sóc, thu hoạch:                 25.000 đ/gốc

- Tổng thu: Bình quân 10 - 15 kg củ/gốc, giá bán củ nguyên liệu: 15.000đ/kg.

(giá bán thành phẩm tinh bột sắn dây: 105.000đ/kg).

- Lợi nhuận: Bán nguyên liệu: 10kg x 15.000đ = 150.000đ/gốc. Lãi: 100.000đ/gốc (250 triệu/ha).

 

82728-ntm.002862_phuong-phap-trong-cay-san-day-cho-hieu-qua-cao-da-chuyen-doi.pdf