Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 442
Tổng truy cập : 562,548

Trồng trọt

Trồng cỏ voi thâm canh

Giới thiệu nguồn gốc và đặc điểm của cỏ voi. Hướng dẫn phương pháp kỹ thuật trồng cây cỏ voi: thời vụ trồng, chuẩn bị đất, giống, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch


I/ Nguồn gốc:

- Cỏ voi, tên khoa học là Pennisetum purpureum, có nguồn gốc từ Châu Phi nhiệt đới. Có nhiều giống, cho năng suất cao là giống lai giữa P. purpureum và P. glacum có tên là King, có nơi gọi là King grass, trồng nhiều ở Indonesia. Giống cỏ voi lai cao sản khác nữa là Florida napier trồng nhiều ở Philippine.
- Cỏ voi được trồng rất rộng rãi ở tất cả các nước nhiệt đới và á nhiệt đới. Cỏ voi được đưa vào Việt Nam từ rất sớm và đang là giống cỏ chủ lực được trồng để nuôi trâu bò.


II/ Đặc điểm:
- Thân cao từ 2 – 4m, thân có lóng đốt như thân cây mía nhưng đường kính nhỏ hơn ( 1 –2cm), nhiều lá và còn giữ được lá xanh khi cây đã cao.
- Thích hợp cho việc thu cắt cho ăn tươi hay ủ ướp.
- Cây sinh trưởng  nhanh. Nếu đủ phân bón và nước tưới vào mùa khô thì cắt quanh năm và năng suất rất cao có thể đạt 400 – 500 tấn/ha/năm.
- Phát triển rất mạnh ở những vùng đất tốt và đủ ẩm.
- Không thích hợp với chân ruộng chua, phèn, mặn và đất nghèo dinh dưỡng.
- Không chịu được ngập úng, không chịu được hạn nặng và mùa khô kéo dài.
- Không chịu được bóng râm.
- Trồng một lần khai thác được nhiều năm.
- Chất lượng cỏ rất tốt, bò thích ăn vì đường nhiều, ngọt. Tuy nhiên, nếu không thu cắt kịp thời thân hoá gỗ cứng, giảm độ ngon miệng và tỉ lệ lợi dụng thấp.
- Điểm bất lợi nữa của cỏ voi là không sử dụng máy cắt cỏ thông thường để cắt mà phải chặt bằng tay như chặt mía. Khi cho bò ăn cỏ phải băm chặt ngắn.


III/ Kỹ thuật trồng:
3.1/ Thời vụ:
Cỏ voi trồng được ở các tháng trong năm, nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa.
3.2/ Chuẩn bị đất:
- Chọn nơi đất cao, không ngập úng; đất không chua, phèn, đủ ánh sáng, không bị râm rợp dưới tán những cây khác.
- Có thể trồng dưới rãnh sâu như trồng mía để mùa khô dễ tưới hay có thể trồng trẹn ruộng phẳng thành hàng như trồng khoai mì.
- Cày sâu, bừa kỹ để diệt cỏ dại. Bón nhiều phân chuồng trước khi trồng. Nếu những chân ruộng đất chua thì phải bón thêm vôi.
Bón phân tuỳ theo đất, trung bình cho 1ha đất như sau:
  + Phân chuồng 20 – 25 tấn (hoặc hơn).
  + Super lân: 250 – 300 kg.
  + Sulfat kali: 200 – 250 kg.
  + Urê: 500 kg.
  + Vôi: 500 kg.
Phân chuồng, vôi, lân và kali bón lót toàn bộ theo hàng hay rãnh vào lúc trồng. Phân urê chia đều cho bón thúc và sau mỗi lần thu hoạch.
3.3/ Giống:
Trồng bằng hom. Hom lấy từ cây giống tốt, độ già vừa phải (60 ngày). Chặt hom dài 25 – 30 cm. Mỗi hom có 3 – 4 mắt mầm. Ước tính 8 tấn hom cho 1ha.
3.4/ Cách trồng:
- Nếu trồng theo hàng, thì hàng cách hàng 50 – 60 cm. Sau khi bón phân lót đặt dọc hom theo hàng, hom nọ nối tiếp hom kia. Đầu gốc của hom đặt sâu dưới đất còn đầu ngọn thì nhô lên trên mặt đất. Có thể đặt hom chìm hẳn xuống đất sâu 10 cm, lấp kín.
- Nếu trồng theo rãnh sâu, thì đào rãnh sâu 50 cm rộng 80 cm, rãnh nọ cách rãnh kia 50 cm. Đất đào dưới rãnh đổ lên bờ rãnh cho cao hơn mặt ruộng cũ 20 cm lèn chặt tạo bờ giữ nước. Phân bón lót cho xuống lòng rãnh trộn xáo đều với đất rồi đặt hom cỏ xuống. Hom đặt thành 2 hàng dọc 2 bên rãnh, 2 hàng hom cách nhau 50 cm, hom nọ nối tiếp hom kia. Lấp đất để hom nằm chìm dưới đất 10 cm. 
3.5/ Chăm sóc:
- Sau 10 – 15 ngày, mầm cỏ mọc cao lên trên mặt đất thì trồng dặm vào những chỗ mất, xới xáo cỏ dại. Khi cỏ mọc thấy cây cách cây 40 – 50 cm là vừa. Mỗi cây sau này phát triển thành một bụi. Chăm sóc tốt thì bụi to đường kính có thể 40 – 50 cm và các bụi liền lại kín mặt đất.
- Khi cỏ cao tới bụng thì bón thúc 100 kg urê/ha, có thể bón thêm phân NPK khoảng 100 kg/ha nếu thấy cỏ xấu.
3.6/ Thu hoạch:
- Lứa đầu thu hoạch khi cỏ được 50 – 60 ngày tuổi (không thu hoạch non đợt đầu ảnh hưởng tới khả năng tái sinh). Các lứa sau cách nhau khoảng 30 – 40 ngày. Cắt sát gốc (cách mặt đất 2 – 3 cm). Cắt non quá cỏ nhiều lá, mềm, bò thích ăn nhưng chất khô của cỏ rất thấp (có thể dưới 10%), vì vậy bò ăn no bụng nhưng vẫn thiếu chất khô. Cắt già quá phần thân dưới hoá gỗ cứng, bò ăn không hết trở nên lãng phí. Cỏ voi không được chăm sóc sẽ phát triển chậm, thân già cứng sớm bò cũng không thích ăn.
- Mỗi làn cắt xong phải làm sạch cỏ dại, cắt sạch lá khô dưới gốc. Xới xáo đất, bón thêm phân Urê (50kg/ha).
- Mùa khô phải tưới cho cỏ, cách 3 – 5 ngày tưới đẫm nước 1 lần. Đủ nước tưới thì mùa khô cỏ phát triển nhanh hơn và cho năng suất cao hơn mùa mưa.


1503-trong-co-voi-tham-canh.pdf

Lê Thị Nghiêm