Các kỹ thuật
- Chăn nuôi (663)
- Trồng trọt (1331)
- Nuôi trồng thủy, hải sản (576)
- Nông - Lâm - Ngư nghiệp khác (159)
- Môi trường nông thôn (37)
- Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (487)
- Tri thức khoa học khác (121)
Đang trực tuyến : | 2468 |
Tổng truy cập : | 560,960 |
Trồng trọt
Trồng khoai sọ núi (khoai môn)
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng khoai sọ núi (khoai môn): thời vụ trồng, mật độ, làm đất, đào hố, bón phân, trồng và phủ luống, tưới nước, vun luống, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản củ giống
- Khoai sọ núi có giống dọc trắng cho trọng lượng củ trung bình trên khóm và năng suất củ cũng cao hơn giống dọc tá. Vì vậy, nên chọn giống dọc trắng để trồng.
Chọn củ con trên củ cái khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh, tròn đều, trọng lượng khoảng 50g. Không lấy các củ đã mọc mầm dài và các củ cháu để làm giống (củ cháu là củ mọc từ củ con). Trước khi trồng, phơi nắng củ giống 2 - 3 hôm để thúc đẩy mầm.
Thời vụ trồng
Trồng tháng Giêng và tháng 2 âm lịch. Tốt nhất là trồng vào thời điểm xung quanh tiết lập xuân, để sau khi trồng, gặp mưa xuân đỡ phải tưới nước và cây mọc thuận lợi.
Mật độ
Tuỳ theo điều kiện khí hậu, đất đai từng nơi, có thể trồng theo khoảng cách, mật độ như sau:
70 x 70cm (khoảng 20.400 cây/ha).
80 x 80cm (khoảng 15.600 cây/ha).
90 x 90cm (khoảng 12.300 cây/ha).
Làm đất, đào hố
Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ. Đào hố với kích thước 20 x 20 x 20cm.
Bón phân
- Bón lót phân hữu cơ 8 - 10 tấn/ha, trung bình 0,5 - 0,8kg/hố.
- Bón thúc phân đạm, lân, kali. Nếu bón 30kg N + 60kg P2O5 + 30kg K2O cho 1 ha thì năng suất tăng 155 - 277% so với đối chứng không bón, năng suất củ đạt 15,75 tấn/ha, trong đó, trọng lượng củ cái 5,91 tấn/ha. Như vậy, lượng phân bón cho một sào là: Phân chuồng (4 - 7 tạ) + urê (2 - 3kg) + phân lân nung chảy (10 - 12kg) + Sunphat kali (2 - 4kg).
Với số lượng hoá học trên, có thể dùng toàn bộ phân lân, 1/2 đạm và kali trộn đều vào đất trước khi trồng. Phân đạm và kali còn lại có thể đem bón 1 - 2 lần sau khi trồng từ 3 - 6 tháng.
Trồng và phủ luống
Đặt củ giống ở độ sâu 7 - 8cm, tránh tiếp xúc trực tiếp với phân, phủ kín đất. Sau khi trồng phủ mặt luống bằng rơm rạ hoặc cỏ khô để giữ cho đất ẩm, xốp và hạn chế cỏ dại.
Tưới nước
Sau khi trồng, cần phủ luống, tưới nước. Khoai sọ núi ưa ẩm, nhưng nếu úng nước, bộ rễ sẽ phát triển kém. Sau khi trồng, nhiệt độ không khí chưa cao, lượng sinh trưởng của cây chưa lớn, chỉ giữ cho đất đủ ẩm là được. Thời kỳ cây sinh trưởng mạnh, cây hình thành củ và củ phát triển, cây cần nhiều nước, nếu gặp hạn cần tưới nước.
Vun luống
Sau khi trồng 2 - 3 tháng, cây đã mọc khoẻ, vun luống cao 15 - 20cm, rộng 40 - 50cm để rễ bất định mọc nhiều, tăng khả năng chống hạn cho cây, hạn chế mầm ngọn nảy sinh, tạo điều kiện cho cây mẹ phát triển.
Phòng trừ sâu bệnh
Đề phòng một số loại bệnh, trong đó, có bệnh mốc sương thường phát sinh vào thời kỳ nhiệt độ cao và độ ẩm lớn, bệnh nặng gây thành dịch.
- Luân canh 3 - 4 năm cần thay đổi cây trồng khác.
- Chọn củ giống kháng bệnh, tránh các vết thương cơ giới ở phần trên và phần dưới của cây.
- Lúc bệnh mới phát sinh, phun thuốc Boócđô 1% hay Ridomil MZ 0,2%, Anvil 0,2%.
Dùng Dipterex 0,2 - 0,3% để phòng trừ các loại sâu hại lá.
Thu hoạch và bảo quản củ giống:
- Khi lá chuyển sang màu vàng và khô dần là lúc củ đã già, hàm lượng tinh bột khá cao, hương vị củ thơm ngon, có thể thu hoạch củ. Vụ thu hoạch chính vào trung tuần tháng 9. Nếu cần kéo dài thời gian cung cấp cho thị trường thì thu hoạch sớm hơn (cuối tháng 8) hoặc muộn hơn (tháng 10).
- Củ làm giống phải để thật già mới thu hoạch. Trước khi thu hoạch vài ngày, cần cắt lá và bẹ phía trên củ 2 - 3cm, để vết cắt khô. Thu hoạch củ lúc thời tiết khô ráo tránh củ bị thối trong thời gian cất giữ. Củ giống thu về, để nơi thoáng mát, tốt nhất là xếp vào giàn, chọn và loại bỏ các củ bị sây sát, nếu thấy củ thối phải nhặt riêng để tránh lây lan.