Các kỹ thuật

Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 12738
Tổng truy cập : 217,848

Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ

Viêm não và màng não cấp

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phòng và chống bệnh viêm não và viêm màng não cấp ở trẻ: lí giải vì sao bệnh nguy hiểm, những dấu hiệu nghi ngờ bệnh, dấu hiệu sớm của bệnh, biện pháp phòng bệnh


Viêm não, viêm màng não là hai bệnh riêng biệt, thường gặp ở trẻ em. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng thần kinh như điếc, mù lòa, động kinh, yếu liệt chân tay, chậm phát triển tâm thần, thậm chí tử vong.

Não gồm hai phần chính: nhu mô não bên trong và màng não bao bên ngoài. Viêm não và viêm màng não là hai bệnh khác nhau.

Viêm não: thường do siêu vi viêm não Nhật Bản hay siêu vi đường ruột (gây ra bệnh tay chân miệng).

Viêm màng não: thường do vi trùng Haemophilus influenza type B, gọi tắt là HIB, hoặc vi trùng phế cầu, não mô cầu.

Vì sao bệnh nguy hiểm?

Viêm não, viêm màng não thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi. Riêng viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng thần kinh như điếc, mù lòa, động kinh, yếu liệt chân tay, chậm phát triển tâm thần. Đặc biệt bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng mà chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Những dấu hiệu nghi ngờ bệnh?

Đối với bệnh viêm não

Ban đầu trẻ thường có những dấu hiệu không đặc trưng như nôn ói, bỏ ăn, tiêu chảy... Sau đó các dấu hiệu nặng có thể xuất hiện rất nhanh: sốt cao 39 - 400C, thở mệt, co giật, hôn mê. Viêm não do siêu vi đường ruột gây bệnh tay chân miệng, ngoài những biểu hiện trên còn kèm theo nổi những bóng nước ở tay chân miệng.

Đối với viêm màng não

Bệnh thường xuất hiện đột ngột với các dấu hiệu thường gặp: sốt cao 39 - 400C, nhức đầu, ói mửa nhiều, cứng gáy không thể cúi chạm cằm vào ngực được và sợ ánh sáng.

Ngoài ra, trẻ dưới 12 tháng thì các dấu hiệu bệnh khó nhận biết hơn. Trẻ có thể không có sốt hay sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, bứt rứt. Với trẻ còn thóp (mỏ ác) có thể nhận thấy thóp phồng lên. Nếu bệnh do vi trùng não mô cầu sẽ kèm theo các chấm, mảng xuất huyết hoại tử trên da.

Vì sao cần phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh?

- Đối với viêm não, bệnh thường nặng hơn nên trẻ cần được điều trị sớm để tránh tử vong và hạn chế di chứng.

- Đối với viêm màng não, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ có thể khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng.

Làm cách nào để phòng bệnh?

Biện pháp chung

Diệt muỗi, ngủ mùng, vì muỗi là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

Đảm bảo vệ sinh ăn uống. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh vì siêu vi đường ruột lây lan qua đường tiêu hóa.

Chích ngừa để phòng bệnh là biện pháp rất quan trọng

* Đối với viêm não, hiện đã có vaccin ngừa viêm não Nhật Bản với 3 liều căn bản:

- Liều đầu tiên cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.

- Liều thứ hai cách liều đầu 1 - 2 tuần.

- Liều thứ ba sau liều đầu tiên 1 năm.

- Sau đó có thể tiêm nhắc mỗi 3 - 4 năm/lần cho đến 15 tuổi.

* Đối với viêm màng não, nên cho trẻ chích ngừa vaccin phòng viêm màng não do HIB vì đây là loại vi trùng gây nên 70% các trường hợp bệnh.

Chích ngừa theo lịch sau:

- Trẻ từ 2 - 6 tháng: chích 3 liều, mỗi liều cách nhau 1 tháng. Có thể chích nhắc lại lúc 18 tháng.

- Trẻ từ 7 - 11 tháng: chích 2 liều, mỗi liều cách nhau 1 tháng. Có thể chích nhắc lại lúc 18 tháng.

- Trẻ từ 12 - 14 tháng: chích 1 liều. Nhắc lại 1 liều lúc 18 tháng.

- Trẻ từ 15 - 59 tháng: chích 1 liều duy nhất.

- Trẻ trên 5 tuổi: không cần thiết phải chích ngừa loại vaccin này.

Lưu ý:

- Một vaccin chỉ phòng được một bệnh.

- Hiện nay, vaccin ngừa viêm não Nhật Bản được chích ngừa theo “Chương trình tiêm chủng mở rộng” cho trẻ từ 1 - 5 tuổi ở những vùng trọng điểm thường xảy ra dịch bệnh.


5138-ntm.001197_viemnaovaviemmangnaocap.pdf