Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 65373
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Anh là nước đầu tiên cho phép thụ tinh từ ADN ba người (30/03/2015)

         Anh hôm qua trở thành nước đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm từ ADN của ba người, một biện pháp nhằm giúp các bà mẹ tránh di truyền một số bệnh sang cho con.

         Theo Reuters, sau hơn ba giờ thảo luận, Thượng viện Anh hôm qua thông qua quyết định thay đổi luật để hợp pháp hóa phương pháp thụ tinh ống nghiệm từ ADN của ba người. Hạ viện trước đó đã bỏ phiếu thông qua hôm 4/2.

 Phương pháp thụ tinh từ DNA của ba người được cho là có thể ngăn chặn bệnh ty thể truyền từ mẹ sang con. (Ảnh: kswo.com)

          Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ ADN của ba người còn được gọi là phương pháp chuyển ty thể. Những đứa trẻ sinh ra từ phôi biến đổi về mặt di truyền sẽ có ADN của một người mẹ, một người cha và một người hiến tặng là nữ giới. Các kỹ thuật hiện vẫn ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Anh và Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau khi vấn đề pháp lý đã được giải quyết, đứa trẻ đầu tiên có ba phụ huynh sẽ ra đời vào đầu năm 2016.

          Phương pháp thụ tinh từ DNA của ba người có thể ngăn chặn các bệnh ty thể truyền từ mẹ sang con. Nó sẽ can thiệp vào quá trình thụ tinh, loại bỏ các cấu trúc bị lỗi, có thể gây ra bệnh tim, suy gan, mù mắt hay loạn dưỡng di truyền.

         Mark Downs, giám đốc điều hành của Hiệp hội Sinh học, ca ngợi đây là "một ngày đáng nhớ đối với nền khoa học của Anh". Quyết định mang tính bước ngoặt này sẽ giúp các bà mẹ mang khuyết tật về ty thể có thể có những đứa con khỏe mạnh.

         Tuy nhiên, ý kiến trái chiều khác lại cho rằng đây là một "sai lầm lịch sử", biến những đứa trẻ thành vật thí nghiệm sinh học và mãi mãi thay đổi dòng mầm (germline) của con người.

         "Công nghệ này sẽ tạo ra những đứa trẻ với ADN từ ba người khác nhau trong mọi tế bào cơ thể. Điều đó ảnh hưởng lớn đến nhiều đặc điểm theo những cách không thể biết được, và hình thành những thay đổi gene mà sẽ truyền lại cho thế hệ tương lai", Marcy Darnovsky, người đứng đầu Trung tâm Di truyền học và Xã hội, nói.

    Nguồn: vnexpress.vn