Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1551
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây ăn quả có múi (10/03/2020)

Cây ăn quả có múi là một trong những nhóm cây ăn quả chủ lực, cho giá trị kinh tế cao. Để duy trì và phát triển nền sản xuất cây ăn quả có múi bền vững, cần nhiều giải pháp; trong đó việc áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất là một trong những giải pháp được các nhà khoa học khuyến cáo nông dân thực hiện.

Cam sành là giống cây có tiềm năng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đất trồng cây ăn quả có múi phải được cải tạo thường xuyên

Đất trồng cần cải tạo đất trước khi trồng cây ăn quả có múi, trồng cây họ đậu như đậu tương, cây lạc... từ 2 đến 3 vụ; trồng cây cốt khí, cây điền thanh... sau đó cắt, cày lật úp dùng làm nguồn phân hữu cơ, trồng một chu kỳ cây keo, kết hợp bón vôi bột nhằm cải tạo đất trước khi trồng cây ăn quả có múi chu kỳ mới.

Kỹ thuật trồng

Kỹ thuật trồng nổi cây ăn quả có múi để tạo điều kiện cho bộ rễ tơ phát triển ngay trên tầng đất canh tác (bộ rễ tơ phát triển ngay trên bề mặt 20-30 cm của tầng đất canh tác).

Áp dụng chặt đứt rễ cọc của cây ăn quả có múi trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây 2-3 năm tuổi), không cho rễ cọc phát triển quá sâu dễ gặp mạch nước ngầm làm thối rễ cọc.

Cắt tỉa tạo tán theo dạng hình chữ Y (làm cho cây ăn quả có múi thông thoáng, chiều cao tán để dưới 3 đến 3,5 m; áp dụng biện pháp vít cành đối với những cây ăn quả có múi trẻ tuổi (2-5 tuổi), cắt hạ tán với những vườn cây ăn quả có múi già cỗi (cây trên 10 năm tuổi).

Làm cỏ, bón phân

Không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây ăn quả có múi, chỉ làm sạch cỏ gốc thường xuyên, khống chế cỏ dại trong vườn cây ăn quả có múi bằng biện pháp cắt cỏ hoặc trồng cây lạc dại, dùng màng phủ nylon chuyên dụng để hạn chế cỏ dại.

Hằng năm bón bổ sung hàm lượng phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, lân để cải tạo đất (pH > 5,5) và bộ rễ cây ăn quả có múi. Ví dụ: Đối với cây ăn quả có múi 5 đến 10 năm tuổi; Cuốc theo hình tán cây bón phân chuồng hoai mục (50-70 kg), lân bột (2-3 kg), vôi bột (1-1,5 kg), NPK tổng hợp bón lót (1-2 kg), phân hữu cơ vi sinh (2-3 kg); Trộn đều với đất và lấp lại, hạn chế tưới trong mùa đông.

Bón bổ sung phân bón tổng hợp NPK bón lót sau khi thu hoạch quả và phân bón tổng hợp NPK bón thúc trong giai đoạn ra hoa, đậu quả và giai đoạn quả lớn... (chú ý sử dụng phân bón tổng hợp NPK ở các thời kỳ sau thu hoạch, ra hoa, đậu quả, quả lớn, quả chín sinh lý...).

Thường xuyên bón bổ sung phân hữu cơ và phân hữu cơ vinh sinh. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp cải thiện và ổn định kết cấu của đất, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí; Cung cấp nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho đất, làm dinh dưỡng trở thành dạng dễ hấp thu, tăng cường giữ phân cho đất.

Tưới nước và tiêu nước

Điều độ nước trong vườn cây ăn quả có múi cần hợp lý, nhất là vào thời kỳ ra hoa đậu quả cần phải giữ đủ ẩm khi vườn khô và thoát nước kịp thời khi trong vườn đọng nước (chú ý tưới nước trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa và đậu quả non...; tiêu thoát nước trong giai đoạn mùa mưa).

Phòng trừ sâu bệnh hại

Phòng trừ sâu bênh hại và phun phân bón lá cho cây ăn quả có múi ở từng thời kỳ, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện và đến ngưỡng cần phải phòng trừ (chú trọng đến các thời kỳ: sau thu hoạch, ra hoa, đậu quả, quả lớn...). Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm.

Tăng cường áp dụng biện pháp sinh học trong phòng chống sâu bệnh hại cây ăn quả có múi.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi