Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 55126
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Ba vấn đề trước khi vaccine COVID-19 lộ diện (09/10/2020)

Giới khoa học lo ngại vaccine COVID-19 có thể vấp phải các thử nghiệm an toàn, không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng hoặc không hiệu quả.

Hai tuần trước, cuộc thử nghiệm vaccine hàng đầu ở Anh do Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca phát triển đã khởi động lại khi tạm dừng để điều tra những lo ngại về vấn đề an toàn. Hoạt động thử nghiệm của vaccine này ở Nam Phi và Brazil cũng đã tạm dừng từ lúc đó. Những vấn đề an toàn như vậy đặt ra yêu cầu phải hết sức minh bạch thông tin liên quan tới các thử nghiệm vaccine.

Hiện giới khoa học đang rất quan tâm đến 3 vấn đề liên quan đến vaccine này.

Tính an toàn và minh bạch

Ban đầu, các nhà nghiên cứu không quá lo lắng khi thử nghiệm vaccine ở Anh bị tạm dừng vào 6/9 do tác dụng phụ ở một người được tiêm thử nghiệm. Họ cho rằng các phản ứng bất lợi trong các thử nghiệm lâm sàng là khá phổ biến và thường không liên quan đến việc điều trị. Do đó, các cơ quan quản lý của Anh cho phép thử nghiệm tiếp tục sớm trở lại. Một số phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng người tham gia có biểu hiện phát triển bệnh viêm tủy ngang (một chứng viêm tủy sống).

Nhưng hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford đã không công bố thông tin về vấn đề này. Và một số nhà khoa học đã chỉ trích việc họ công bố thiếu thông tin, đặc biệt là khi có thông tin cho rằng đây là lần thứ 2 tạm dừng thử nghiệm vì tác dụng phụ bất lợi. Hồi tháng 7, người tham gia thử nghiệm cũng được lưu ý rằng thử nghiệm trước đó đã bị tạm dừng khi một người tham gia được báo cáo là đã phát triển các triệu chứng của bệnh viêm tủy ngang. Đại diện AstraZeneca cho biết người này sau đó được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng. Một hội đồng độc lập đã tuyên bố tình trạng này không liên quan đến vaccine. Tuy nhiên, hãng AstraZeneca và Đại học Oxford vẫn chưa cho biết 2 người tham gia đó đã được tiêm vaccine hay giả dược.

Raina MacIntyre, một nhà dịch tễ học tại Đại học New South Wales ở Sydney, Australia, cho biết: “Nếu chỉ có 2 người phát triển bệnh viêm tủy ngang thì con số này tương đối nhỏ khi so với số người tham gia. Nhưng nếu có trường hợp khác nữa, sẽ rất khó để thử nghiệm trở lại”.

Niềm tin của công chúng

Niềm tin của công chúng đối với vaccine ngừa COVID-19 đang dao động, đặc biệt ở Mỹ, nơi Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh “Chiến dịch Warp Speed” để phát triển vaccine. Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington DC cho biết vào ngày 17/9, trong các cuộc khảo sát, tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ có khả năng chấp nhận vaccine COVID-19 đã giảm từ 72% vào tháng 5 xuống 51% vào tháng9. Ba phần tư số người được khảo sát vào tháng 9 cho rằng Mỹ sẽ chấp thuận một loại vaccine trước khi thiết lập vững chắc tính an toàn và hiệu quả của nó.

Ngay cả các nhà nghiên cứu liên quan đến thiết kế và thử nghiệm vaccine cũng bày tỏ sự dè dặt vì quá trình phê duyệt có khả năng bị ảnh hưởng bởi các cân nhắc chính trị chứ không chỉ khoa học. Kurt Viele, Giám đốc công ty tư vấn về các thiết kế thử nghiệm lâm sàng tại Berry Consultants, ở Lexington, Kentucky cho biết: “Tôi sẽ xem xét các dữ liệu an toàn trước khi tiêm một liều vaccine cho con mình”.

Sự ngờ vực không chỉ giới hạn ở Mỹ. Yannis Natsis, một nhà quản lý chính sách của nhóm vận động Liên minh Y tế Công cộng châu Âu cho biết: “Ở châu Âu, các cuộc đàm phán kín với các công ty về mua sắm vaccine đang gây ra sự lưỡng lự”. Ông nói: “Chúng tôi không muốn đặt cho vaccine một cái tên xấu, chúng tôi muốn bảo vệ niềm tin vào vaccine nhưng đang có một sự thiếu minh bạch đáng kinh ngạc ở đây”.

Mục tiêu và hiệu quả

Mỗi thử nghiệm giai đoạn III hiện tại đang thu hút hàng chục nghìn người tham gia. “Nhưng một thử nghiệm nhằm xác định liệu một loại vaccine có làm giảm tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng hay không sẽ cần quy mô nhiều hơn thế. Do đó, nó sẽ mất nhiều thời gian hơn”, Thomas Lumley, nhà thống kê sinh học tại Đại học Auckland ở New Zealand, cho biết. Các thử nghiệm hiện tại đã chọn con đường trung gian giữa việc xác định liệu vaccine có ngăn ngừa bất kỳ sự lây nhiễm nào với virus hay không và kiểm tra xem chúng có ngăn ngừa nhiễm trùng nặng hay không, ông nói.

Các công ty đang hướng tới mục tiêu vaccine ngăn chặn ít nhất 50% số người được tiêm chủng bị nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Đó là định nghĩa thành công trong hướng dẫn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nhưng họ đang hy vọng hiệu quả đạt được là 60% hoặc cao hơn.

Tuy nhiên, ngay cả 60% cũng không đủ để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, Lumley nói. MacIntyre cho biết: “Để ngăn ngừa thành công, vaccine phải có hiệu quả ít nhất 80% vì không phải tất cả mọi người dân đều sẽ nhận được vaccine”.

Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cho một phần lớn dân số sẽ là một chặng đường dài để kiểm soát sự lây lan của virus. Chúng phải được kết hợp với các biện pháp can thiệp khác, chẳng hạn như đeo khẩu trang và theo dõi tiếp xúc.

Nguồn: baochinhphu.vn

Ngày cập nhật: 07/10/2020

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Ba-van-de-truoc-khi-vaccine-COVID19-lo-dien/409700.vgp