Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 27507 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học nông nghiệp
Bắc Giang: nhiều nhiệm vụ KH&CN đóng góp tích cực cho phát triển nông nghiệp (12/10/2016)
Bắc Giang là một trong những tỉnh có lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, Sở KH&CN Bắc Giang với tư cách là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN đã chủ động đổi mới tư duy, đổi mới cách làm để hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, đặc biệt là khai thác có hiệu quả nhiệm vụ KH&CN các cấp, đóng góp tích cực cho phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.
Giai đoạn 2014-2016, tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt và thực hiện 18 đề tài/dự án KH&CN cấp nhà nước. Các đề tài/dự án đã tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa và hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, tác động tích cực vào chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang” đã hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất nông nghiệp và bản đồ thích hợp đất đai trên toàn tỉnh. Đề tài đã xác định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với từng loại đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất của tỉnh. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn toàn tỉnh như: vùng vải thiều quy mô 30.000 ha (các huyện Lục Ngạn, Tân Yên), vùng cây có múi quy mô 1.500 ha (các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa), vùng chè quy mô 500 - 600 ha (các huyện Yên Thế, Sơn Động), vùng lúa chất lượng quy mô 35.000 ha (các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Tân Yên), vùng rau - đậu quy mô 25.000 ha (các huyện Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Ngạn, Tân Yên, Hiệp Hòa)...
Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế” đã góp phần phát triển đàn gà lên 15,5 triệu con/năm. Dự án đã nâng cao chất lượng từ gà giống đến gà thương phẩm trên cơ sở thực hiện quy trình chăn nuôi đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội, một số tỉnh trong khu vực và hướng đến xuất khẩu. Sở KH&CN Bắc Giang đã tham mưu cho Lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện bảo hộ sở hữu công nghiệp cho sản phẩm gà đồi Yên Thế tại các quốc gia: Lào, Campuchia và Singapo. Trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, tỉnh cũng đã thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Yên Dũng” dùng cho sản phẩm gạo thơm của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang”. Dự án này đã góp phần nâng cao diện tích trồng giống gạo thơm Yên Dũng từ 1.500 ha lên 3.726 ha; nâng giá bán trung bình từ 9.800 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một số dự án đã được triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất hoa chất lượng cao đã xây dựng mô hình trồng hoa Lily, hoa lan Hồ Điệp cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm; Sản xuất giống và nuôi thương phẩm lợn lai 3-4 máu ngoại (giống Landrace, Yorkshire, Pietrain, Pidu); sản xuất giống và bảo quản khoai tây sạch bệnh (giống Solara, Diamant, Atlantic); Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng vườn giống cam sạch bệnh (giống V2, CS1); trồng rừng thâm canh bạch đàn và keo tai tượng (giống UP35, UP54, UP72, UP99, UP95)… đã giúp cho tỉnh Bắc Giang tiếp thu, làm chủ công nghệ sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt cung cấp cho người dân, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và tiến tới mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN Bắc Giang vừa được phê duyệt triển khai đề tài độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của Công ty Juran (Israel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu”. Đề tài đã và đang xây dựng mô hình sản xuất, thiết lập hệ thống kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm và cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Global GAP cho vải thiều Lục Ngạn với quy mô 20 ha; tiếp nhận hệ thống thiết bị đồng bộ của Công ty Juran năng suất 1 tấn/giờ và hoàn thiện được công nghệ sơ chế, xử lý, bao gói, bảo quản vải thiều đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU, quy mô bước đầu 40 tấn; thiết lập cơ sở dữ liệu và bộ hồ sơ thiết kế cải tiến và hoàn thiện công nghệ, hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý, bao gói, bảo quản cam và nhãn trên cơ sở phát triển từ công nghệ của Công ty Juran. Hy vọng, đề tài sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị gia tăng của quả vải - sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Bên cạnh các đề tài/dự án KH&CN cấp nhà nước, ngành KH&CN Bắc Giang còn thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp tỉnh. Các đề tài, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh cũng đã tích cực góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung tỉnh như: vùng cam, chè, gà tại Yên Thế; cây dược liệu tại Sơn Động, Lục Nam; giống lúa chất lượng cao tại Yên Dũng, Việt Yên; nấm tại Lạng Giang... Một số nhiệm vụ KH&CN đạt kết quả cao có thể kể đến như: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân rộng mô hình giống lúa thuần BG6 mới năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh. Đây là giống lúa thuần đầu tiên do một đơn vị của tỉnh chọn tạo thành công. Đề tài Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động bước đầu cho kết quả tốt, có thể khuyến cáo nhân rộng mô hình. Đã triển khai thực hiện một số dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi như: Nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN để nuôi cá Lăng chấm hàng hoá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống vô tính, trồng, thâm canh, cải tạo nương chè già cỗi bằng một số giống chè mới và chế biến chè an toàn tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển vùng nguyên liệu cỏ ngọt tại tỉnh Bắc Giang; Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong trồng trọt và chế biến dược liệu địa liền ở Bắc Giang; Xây dựng mô hình trồng các giống hoa chất lượng cao bằng hệ thống nhà lưới trên địa bàn thành phố Bắc Giang như phong lan các loại, hồng, cúc, Lily…; Ứng dụng công nghệ nhân giống vô tính để phục vụ trồng rừng kinh tế; xác định các loại cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao thay thế các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp tại huyện Yên Thế... Những dự án này đã góp phần tích cực trong việc đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, đặc biệt còn ở khu vực nông thôn, miền núi.
Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư cho các mô hình ứng dụng có hiệu quả để làm cơ sở cho việc nhân rộng. Nhiều mô hình có hiệu quả đã được ứng dụng, nhân rộng ra các địa phương. Ngoài kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh, các huyện, thành phố đã bố trí thêm kinh phí của đơn vị để thực hiện các mô hình KH&CN cấp cơ sở. Nhờ đó, nhiệm vụ KH&CN cơ sở được tăng quy mô và hiệu quả, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với tiến bộ KH&CN, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt như: nuôi gà sao theo phương pháp thả vườn; nuôi gà thả đồi chất lượng cao bằng thảo dược; nuôi cá nheo thương phẩm tại hộ gia đình; thuần hóa, nuôi sinh sản, sản xuất giống và nuôi thương phẩm vịt trời; thử nghiệm giống gà 9 cựa, giống lạc hồng CNC3, lạc đen CNC1, khoai sọ KS4, gấc lai đen, giống khoai tây Maraben; thử nghiệm trồng nấm linh chi dưới tán cây vải sớm; trồng dược liệu trà hoa vàng dưới tán rừng sản xuất, vườn cây ăn quả; nghiên cứu chế tạo máy thu hoạch quả vải, nhãn; nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mẫu máy sấy cây chùm ngây... Nhiều mô hình cấp cơ sở có hiệu quả được nhân rộng và phát triển thành dự án cấp nhà nước, cấp tỉnh như liên kết sản xuất lúa Nhật (japonica), nghiên cứu nhân giống cây đinh lăng và cà gai leo...
Nguồn: www.vista.gov.vn (Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam)
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao (18/11/2024)
- Phân bón lá Nano - REM: kết hợp giữa công nghệ nano và nông nghiệp hữu cơ (12/11/2024)
- Nghiên cứu công nghệ sản xuất naringin và tinh dầu từ vỏ quả bưởi và xây dựng mô... (05/11/2024)
- Chọn tạo giống đậu xanh mới: Kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao (30/10/2024)
- Ia H’Drai (Kon Tum): Hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi hươu sao (21/10/2024)
- Mô hình sản xuất lúa giống mới năng suất cao (15/10/2024)