Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 32127
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (27/06/2023)

Ba lần chiến thắng quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng (năm 938, 981 và 1288) là những chiến công vang dội trong lịch sử dân tộc Việt Nam về truyền thống đấu tranh anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo của cha ông. Việc nghiên cứu, đánh giá về các chiến thắng trên sông Bạch Đằng đã được sử gia các triều đại phong kiến Việt Nam nghiên cứu, tổng kết, đánh giá dưới góc độ chính trị, lịch sử, quân sự. Tuy nhiên việc nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng nói chung và trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên nói riêng là vấn đề mới, chưa được nghiên cứu một cách toàn diện. Trước thực trạng đó, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thủy Nguyên chủ trì thực hiện đề tài khoa học cấp thành phố Nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, ThS Nguyễn Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyênlàm chủ nhiệm. Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chiều ngày 24/6/2023. Ủy viên Thành ủy Hải Phòng Phạm Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng.

 

Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả trước Hội đồng.

Đề tài đã tập trung nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá và làm rõ các nội dung về thực trạng di sản văn hóa (DSVH) liên quan đến ba chiến thắng trên sông Bạch Đằng thuộc địa bàn huyện Thủy Nguyên, gồm hệ thống di sản văn hóa vật thể (các di tích, di vật, cổ vật) và hệ thống DSVH phi vật thể (các lễ hội, phong tục, tập quán). Trong đó, báo cáo chỉ ra thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy nguyên; thực trạng tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; thực trạng tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa; thực trạng công tác tổ chức chỉ đạo, khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên; thực trạng việc tổ chức, chỉ đạo hợp tác quốc tế trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên; thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm đối với các di sản văn hóa liên quan tới ba chiến thắng trên sông Bạch Đằng; thực trạng quản lý đất đai tại các di tích liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, thực trạng DSVH liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng, đề tài đưa ra các giải pháp về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gồm: Giải pháp về ban hành, thực hiện các quy định quản lý di sản văn hóa; Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa liên quan đến ba chiến thắng trên sông Bạch Đằng;Tổ chức, chỉ đạo, khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm; Bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn có chọn lọc các giá trị di sản văn hóa vật thể; Gắn kết giữa phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội địa phương.

Hội đồng khoa học cho rằng, kết quả của đề là cơ sở lý luận và thực tiễn cho cán bộ quản lý ở các địa phương thực hiện tốt việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng, đồng thời cũng là cơ sở để UBND huyện Thủy Nguyên đề ra các chủ trương, xây dựng các kế hoạch, chính sách đối việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến ba chiến thắng Bạch Đằng, góp phần phát triển kinh tế du lịch tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư nơi đang bảo tồn và phát huy các DSVH; đề tài có ý nghĩa thực tiễn, có tính mới và khả thi cao, góp phần vào bảo tồn và phát huy những giá trị di sản tốt đẹp trong xã hội đương đại. Tuy nhiên, đề tài còn một số điểm hạn chế, cần bổ sung, chỉnh sửa: nghiên cứu đánh giá rõ hơn những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó để có cơ sở đề xuất các nhóm giải pháp chính xác và cụ thể hơn; bổ sung đình Tuy Lạc (xã Thuỷ Triều), chùa Linh Sơn (xã Chính Mỹ) vào danh sách DSVH vật thể của địa phương; có nguồn trích dẫn tài liệu rõ ràng; sắp xếp lại các nội dung cho logic và sửa các lỗi chính tả. Kết quả thực hiện đề tài được Hội đồng đánh giá xếp loại xuất sắc./.

Đức Anh