Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 9882
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trong phong trào xây dựng nông thôn mới (15/10/2018)

Đây là tên hội thảo do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội nông dân thành phố Hải Phòng tổ chức tại huyện An Dương chiều ngày 11/10/2018. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội nông dân thành phố; đại diện Trung tâm Thông tin KH&CN; Ban Chấp hành Hội nông dân huyện; Ủy viên Ban chấp hành và Chi hội trưởng hội nông dân các xã, thị trấn.

 

Quang cảnh hội nghị.

 

Tại hội thảo, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Di tích - Bảo tàng Hải Phòng Nguyễn Đình Chỉnh cho biết, Hải Phòng hiện có hàng nghìn di tích thuộc các loại hình khác nhau; trong đó có 113 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 367 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Những di tích ở địa phương đều được trùng tu, tôn tạo khang trang. Song song với phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã vận dụng, kết hợp tốt việc xây dựng nông thôn mới với thực hiện tốt việc bảo tồn, sử dụng, khai thác, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên công tác bảo tồn còn một số hạn chế như: bài trí thờ tự trong di tích lộn xộn, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, đưa các hiện vật lạ “ngoại lai” làm mất đi tính thiêng liêng, tôn nghiêm của di tích; một số địa phương quản lý lỏng lẻo dẫn đến mất mát di vật, cổ vật, đất đai bị xâm chiếm…

 

Đình Hỗ Đông, xã Hồng Phong, huyên An Dương - di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố (hình ảnh minh họa).

 

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trong phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, theo một số tham luận và các ý kiến trao đổi của các đại biểu tại hội thảo đề xuất: trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần chỉ ra những nội dung cụ thể trong hoạt động bảo tồn, sử dụng, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa; các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lớp học chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, nhưng mang tính bắt buộc và cấp chứng chỉ cho những người được giao nhiệm vụ quản lý di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng ở các địa phương; tổ chức tốt các ngày lễ hội truyền thống tại di tích; áp dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ, quản lý, bảo tồn di tích; làm tốt công tác truyền thông, quảng bá về giá trị lịch sử văn hóa của các di tích; tăng cường xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị các di tích…

 

Nguyễn Trường