Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1799
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Bệnh thối gốc chảy mủ cây bưởi (06/06/2018)

          Nguyên nhân gây bệnh Bệnh thối gốc chảy mủ do nấm Phytophthora sp. gây ra. Bệnh khá nguy hiểm và phổ biến trên cây bưởi. Nấm gây bệnh lưu tồn trong đất, trong nước... Bệnh thường phát sinh, phát triển, lây lan và gây hại mạnh trong mùa mưa.

Ngoài bưởi, nấm bệnh còn gây hại nhiều cây khác như cam, quýt, xoài, nhãn, đu đủ, táo… và cả rau màu như cà tím, cà pháo, cà chua, ớt, bầu bí, khoai sọ, cà rốt, súp lơ… Vì thế, việc phòng trị chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn do nguồn bệnh tồn tại khá nhiều trong tự nhiên.

1. Triệu chứng bệnh

Triệu chứng ban đầu có thể nhận thấy được là một mảng vỏ ở gốc thân bị úng nước, sau đó thối nâu. Về sau, chỗ bị bệnh khô, nứt dọc rồi chảy mủ hôi. Bóc lớp vỏ ra sẽ thấy phần gỗ phía dưới chỗ bị bệnh cũng bị thối nâu. Vết bệnh lan rộng ra xung quanh, xuống rễ cái, làm cho cây ra ít rễ tơ và rễ tơ cũng ngắn. Về sau, lớp vỏ ngoài của rễ bị thối và rất dễ tuột ra khỏi phần gỗ (nhất là rễ con).

Nếu bị hại nặng, lá sẽ bị vàng và rụng dần, lá non không ra được, cây xơ xác, cành tược (đôi khi có cả cành lớn) bị chết dần.

Ngoài gốc rễ, bệnh còn tấn công trên quả làm cho quả bị thối và rụng, nhất là những quả ở dưới thấp gần mặt đất.

2.Cách phòng trị bệnh

Để hạn chế tác hại của bệnh, phải kết hợp áp dụng nhiều biện pháp. Sau đây là một số biện pháp chính:

* Biện pháp canh tác:

- Những vùng đất thấp, phải lên liếp cao hình mai rùa, nếu cần phải đắp mô cao rồi mới trồng cây lên trên. Nên có hệ thống bờ bao xung quanh vườn để kịp thời bơm nước ra khi cần thiết.

- Không trồng quá dày. Thường xuyên tỉa bỏ cành bị sâu bệnh, cành nhỏ, cành tăm, cành mọc bên trong tán lá không có khả năng cho trái, vệ sinh cỏ vườn… để vườn luôn thông thoáng, khô ráo.

- Phải bón cân đối giữa đạm, lân và kali. Không nên chỉ bón đơn độc phân hóa học, nên tăng cường phân hữu cơ (nhất là phân gà), trộn thêm phân vi sinh hoặc các chế phẩm sinh học khác như Trichoderma, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

- Khi cây bưởi chưa giao tán, không nên trồng xen những loại rau màu như cà tím, cà pháo, cà chua, ớt, bầu bí, khoai sọ, cà rốt, súp lơ… trong vườn bưởi.

- Phải xây dựng hệ thống rãnh thoát nước trong vườn để nước có thể thoát nhanh xuống mương mỗi khi có mưa. Vào mùa mưa, cần dọn sạch cỏ rác xung quanh gốc, để vùng gốc luôn khô ráo.

- Khi cây đã bị bệnh, cần giảm bớt phân đạm rồi bổ sung thêm lân và kali.

- Nếu trồng cây ghép,vị trí ghép phải cách mặt đất 30-40cm để hạn chế nấm bệnh xâm nhập vào cây thông qua vết ghép.

- Để hạn chế bệnh trên trái, phải chống đỡ cành mang trái ở dưới thấp để trái không bị chạm xuống đất.

- Khi tưới, không nên tưới quá đẫm nước vào vùng xung quanh gốc cây.

- Tránh gây vết thương ở phần gốc rễ của cây, để hạn chế nơi xâm nhập của nấm bệnh vào trong cây.

- Vào đầu mùa mưa, dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc Boocđô 1% quét lên gốc thân cây (cao khoảng 1m, tính từ mặt đất lên) để phòng ngừa bệnh tấn công ở phần gốc thân cây.

* Biện pháp hóa học:

- Kiểm tra vườn cây thường xuyên, nếu phát hiện cây chớm bị bệnh, có thể dùng thuốc Alpine 80WDG pha 20gr cho một bình 8 lít, phun ướt đều lên tán lá, thân cành. Có thể tưới mỗi m2 đất xung quanh gốc khoảng 2 lít dung dịch nước thuốc này, hiệu quả phòng ngừa bệnh sẽ rất cao.

- Nếu cây đã bị thối gốc chảy mủ, phải cào hết đất xung quanh gốc cho thông thoáng. Lấy dao cạo sạch vỏ chỗ bị bệnh, rồi dùng Alpine 80WDG pha 20gr thuốc trong một lít nước rồi quét lên chỗ vừa cạo. Sau một thời gian, vết bệnh sẽ lành, vỏ cây sẽ tái sinh.

Nguồn: Khuyến nông Hà Nội