Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 65564
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Bí quyết phòng trừ côn trùng và dịch hại trong vườn (15/05/2014)

Các loại côn trùng và dịch hại thường hay hiện diện và gây hại trong vườn rau, hoa hoặc cây ăn trái, đe dọa đến sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy, những người làm vườn cần nghiên cứu tập tính sinh hoạt, cách gây hại của chúng.

1. Kiến

Trong vườn rau, kiến “trông coi” rầy mềm (aphid), thậm chí có thể dịch chuyển những con rầy mềm này đặt vào những cây trồng phù hợp nhằm hút dịch ngọt do rầy mềm tiết ra sau khi chúng hút nhựa cây. Rệp bông (Mealy bug) và rệp vảy (Scale) là những loài côn trùng có cơ thể mềm khác tiết dịch ngọt hấp dẫn kiến đến thu nhặt. Kiến tạo thành những đường hầm và làm tổ trong đất vườn làm xói mòn rễ cây và phá hại mọi thứ trong vườn khi không được phòng trừ.

Sau đây là một số phương pháp để xua đuổi kiến:

- Hàn the (borac, natri tetraborat) có thể sử dụng như là thuốc trừ sâu thiên nhiên, nhưng chú ý giữ xa trẻ em, động vật trong nhà: trộn với bơ đậu phộng hoặc là những thứ ngọt như mật ong, làm cho kiến thích ăn và mang thức ăn đó vào tổ cho cả đàn cùng ăn nhằm tiêu diệt cả đàn kiến. Khi dùng chú ý che mắt, mũi, đeo găng tay và rửa sạch sau khi làm xong.

- Ngoài ra chất điatômit (đá tảo) dùng rải trên lối đi của kiến có thể tiêu diệt chúng do làm mất nước khi chúng đi về tổ.

- Cũng có thể dùng dung dịch gồm tỏi, tiêu cay, xà phòng, dầu thực vật, dầu lửa và nước phun trừ kiến nhưng tốn nhiều thuốc vì chúng quá nhiều.

- Thấm nhẹ dung dịch gồm một ít mứt, mật ong hoặc nước đường (có thể thêm borac) trên nền cây bị nhiễm rầy mềm (aphid). Như vậy sẽ giữ kiến lại, trong khi chúng ta thiết lập một số bọ rùa tiêu diệt rầy mềm.

- Gọt vỏ quả dưa leo trên lối đi của kiến làm cho chúng tránh xa một thời gian do chúng có bản tính tự nhiên không thích dưa leo.

- Khi thấy tổ kiến, có thể rải một hoặc các thứ sau: tiêu đen, bột quế hoặc bột ớt, muối có thể làm cho kiến trở thành mê loạn, điên cuồng mà bỏ đi nơi khác.

- Dùng nước đun sôi dội lên kiến nhưng tránh hư hại cây. Có thể dùng nước nóng rót vào tổ diệt kiến chúa, nhưng thường khó vì chúng làm tổ rất sâu và ngăn không cho nước mưa và nước lụt tràn vào.

2. Chim

Hầu hết chim có lợi vì ăn sâu bọ, đặc biệt trong mùa nhân giống vì chúng có nhu cầu ăn nhiều protein. Một số loài chim gây hại xé lá cây làm tổ, ăn trái chín, làm hỏng mái nhà…

Một số biện pháp xua đuổi chim:

- Treo các đĩa CD cũ phản chiếu ánh sáng làm cho chim nghi ngờ không dám đến.

- Làm bù nhìn đuổi chim.

- Rắn giả: Rắn cao su đồ chơi gắn vào vườn nơi dễ nhìn thấy làm cho chim e sợ.

3. Sâu bướm

Để ngăn cản bướm đêm và ấu trùng trên cây bắp, cây ăn trái, cây họ cải bắp (cây bông cải xanh, cải bina, cải bắp, súp lơ...), chỉ đơn giản phun với một hỗn hợp mật đường. Trộn 1 thìa lớn mật đường với 1 lít nước nóng, cộng thêm 1 thìa nhỏ xà phòng lỏng và cho vào bình phun. Phun lên lá, từ trên chóp cây đến gốc cây để diệt ấu trùng sâu bướm và các loài rệp khác.

Đồng thời cũng sử dụng tỏi và lá cây đại hoàng phun xịt.

4. Bọ chét

Nhằm ngăn cản bọ chét, ngoài việc sử dụng điatômit và phun xịt chất này trên giày và tất khi bước vào vườn có nhiễm bọ chét. Cách này giúp ngăn chặn bọ chét (nhiễm với chó, động vật trong nhà) sẽ không đi vào cơ thể người. Điatômit gồm một lượng lớn hóa thạch cực nhỏ, tảo cát vỡ vụn. Nó trông giống như bột và không gây hại cho động vật và người. Nó có tác dụng tiêu diệt côn trùng nhỏ và bọ chét, rệp bằng cách bám vào cơ thể chúng và làm mất nước. Nó an toàn cho người và động vật khi ăn vào bụng để diệt giun sán, nhưng nó là bột rất mịn nên tránh hít thở vào.

Ngoài ra, cây bạc hà có mùi hăng, là cây có mùi khó chịu trồng gần cửa và trong vườn xua đuổi bọ chét. Có thể dùng xà bông làm từ cây này dùng để tắm bảo vệ tránh bọ chét cho động vật và chó mèo nuôi trong nhà.

5. Chuột nhắt

Trường hợp chuột từ vườn vào nhà phá rối, cần phải chú ý dọn dẹp thức ăn, đồ uống trong nhà cẩn thận. Không để rơi vãi thức ăn, thức ăn phải đậy kín trong tủ và dọn sạch các mẩu thức ăn thừa.

Ngăn cản chuột xâm nhập bằng dầu bạc hà cay hoặc dầu khuynh diệp – dùng vải hoặc bông gòn thấm dầu rồi đặt nơi chuột thường lui tới. Nếu đặt bẫy, dùng mồi bơ đậu phộng, phó mát, hoặc bánh mì…

6. Sên

Con sên có tập tính giống như ốc sên nhưng toàn thân mềm, nhớt không có vỏ cứng bao bọc. Chúng cắn phá cây non, chú ý phòng trừ bằng cách kiểm tra vào lúc tối giống như kiểm tra ốc sên. Trường hợp môi trường ẩm ướt hoặc sau khi mưa, sên thường xuất hiện nhiều. Không dùng tay để bắt vì chúng nhớp nháp khó chịu (khác với ốc sên). Nên dùng xẻng xúc chúng vào một cái thau, rồi đem chúng đặt vào nơi không nguy hại.

Nếu cần có thể dùng muối rải lên sên hoặc ốc sên để diệt trừ. Cần mang theo đèn pin khi đi vào vườn, tránh làm tổn thương cây trồng.

Ốc sên và sên không thích cát, vì chúng không thích đi qua cát. Rải 1 lằn cát rộng khoảng 1 cm quanh vườn, quanh các hố cây cũng có tác dụng ngăn chặn chúng vào phá cây vườn. Không cần phun thuốc để trừ sên như đối với côn trùng.

7. Ốc sên

Đối với ốc sên phương pháp phòng trừ gần giống như đối với sên. Cũng có thể dùng rượu bia rót vào một chảo cạn đặt trong vườn để bẫy sên và ốc sên trong vườn vào buổi tối. Có thể dùng dấm thay cho bia, rót vào chảo như trên cũng có tác dụng tốt.

Ngoài ra còn dùng vỏ trái bưởi hoặc vỏ cam rỗng và lật úp vỏ đặt quanh vườn cũng có tác dụng hấp dẫn sên và ốc sên tụ tập vào. Sáng sớm vào vườn để thu nhặt ốc sên và sên ẩn náu dưới vỏ cam và vỏ bưởi để diệt trừ.

Nguồn: Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam