Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 41676
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Biện pháp phòng trừ một số sâu, bệnh hại trên cây ăn quả có múi (29/06/2016)

           Trên cây bưởi, cam, chanh thường xuất hiện một số sâu bệnh hại như nhện đỏ, rệp sâu vẽ bùa, bệnh loét, bệnh sẹo… làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển, năng suất và giá trị thương phẩm. Để phòng trừ các đối tượng gây hại này, bà con cần có biện pháp phòng trừ như sau:

1. Nhện đỏ:

1.1. Cách nhận biết:

- Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ, khó nhìn được bằng mắt thường, màu nâu đỏ.

- Nhện đỏ thường tập trung sống, chích hút mặt dưới của lá làm cho các lá mất màu xanh bóng, chuyển sang màu trắng bạc, bị hại nặng, lá héo úa sẽ bị rụng hàng loạt.

- Trên quả non, sau đậu quả 1 - 2 tháng, nhện chích hút gây ra rám vỏ quả làm mất giá trị thương phẩm khi thu hoạch.

1.2. Biện pháp phòng trừ:

- Bón phân cân đối, tưới nước đầy đủ hợp lý trong mùa nắng, mùa hanh khô để làm tăng ẩm độ vườn, chăm sóc cho cây khỏe, tăng sức chống chịu.

- Thường xuyên kiểm tra vườn quả. Cắt tỉa cành, tạo tán cho vườn thông thoáng.

- Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc rất cao, nên chú ý thường xuyên thay đổi thuốc phòng trừ.

- Cần tiến hành phòng trừ khi mật độ nhện còn thấp, tránh giết chết thiên địch của nhện.

- Dùng một trong các loại thuốc để phòng trừ nhện như: Victory 585 EC, Ortus 5SC, Diet Nhen 150 EC…. Nước thuốc đã pha phun ướt đẫm lá, đặc biệt là mặt dưới lá.

  - Nếu cây bị nhện phá hại nặng phải phun 2 - 3 lần với các loại thuốc khác nhau tránh hiện tượng nhờn thuốc đối với nhện đỏ, mỗi lần cách nhau 5 - 7 ngày.

2. Rệp (rệp mềm, rệp sáp, rệp vảy ốc, rệp dính):

2.1. Cách nhận biết:

- Rệp gây hại bằng cách chích hút dịch cây trên lộc non, lá, cành, quả, cuống quả. Nếu bị nhiễm nặng, lá bị vàng, rụng, cành bị khô và chết, quả cũng có thể bị biến màu, biến dạng, phát triển kém và bị rụng.

-  Rệp tiết ra  nước nhờn, là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây.

2.2. Biện pháp phòng trừ:

- Dùng Sherpa 25EC , Trebon 10 EC, Selecron.... phun 1 - 2 lần khi xuất hiện rệp.

 

3. Sâu vẽ bùa:

 3.1. Cách nhận biết:

- Sâu hại chủ yếu thời kỳ ra lộc non, lá bị hại có các đường ngoằn nghèo màu trắng đục, phiến lá cong queo.

  - Nếu bị sâu vẽ bùa gây hại, cây quang hợp kém, gây ảnh hưởng đến sức sinh trưởng đồng thời tạo ra những vết thương cơ giới, là cơ hội để bệnh loét xâm nhập.

3.2. Biện pháp phòng trừ:

- Bón phân cân đối, tưới nước, chăm sóc hợp lý.

- Tỉa cành, tạo tán cho thông thoáng để tránh ẩm độ cao.

- Bảo vệ thiên địch tự nhiên, nuôi kiến vàng.

- Phun thuốc phòng 1 - 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, hiệu quả nhất lúc lộc mới nhú và lộc non (sau phun lần một 6 - 7 ngày phun lần 2).

  - Dùng thuốc Selecron 500 EC, Trigard 100 SL, Trebon…..

   4. Bệnh loét:

   4.1. Cách nhận biết:

- Cây bị bệnh sinh trưởng kém, lá vàng, rụng quả.

- Vết bệnh trên lá non ban đầu là một chấm nhỏ, trong, vàng. Sau đó lan rộng phát triển thành vết loét hình tròn hoặc không định hình màu nâu xám, bề mặt vết bệnh sần sùi, gồ ghề. Nhiều vết bệnh có thể liên kết thành từng đám. Lá bị bệnh nặng sẽ vàng và rụng.

- Nếu bệnh xuất hiện trên cành, tạo thành các đám sần sùi mầu vàng hoặc nâu. Cành bị nhiều vết bệnh sẽ khô và chết.

- Thời kỳ mang quả, bệnh tấn công từ lúc quả còn nhỏ đến khi quả lớn, bệnh nặng làm quả bị biến dạng, khô xốp, ít nước và rụng quả. Bệnh làm cho quả xấu mã, giảm chất lượng, giảm giá trị thương phẩm.

4.2. Biện pháp phòng trừ:

- Trồng cây sạch bệnh. Bón phân cân đối, chăm sóc cho cây khỏe, tăng sức chống chịu.

- Thường xuyên kiểm tra vườn quả. Cắt tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng.

- Thu gom tàn dư bệnh như lá, quả đem đốt hoặc chôn.

- Dùng một trong các loại thuốc để phòng trừ bệnh như: Boocdo 1%, Daconil 75 WP, oxycorua đồng, Tilsupe.... kết hợp với trừ sâu vẽ bùa. Nước thuốc đã pha phun ướt đẫm cả hai mặt lá.

- Nếu cây bị bệnh phá hại nặng phải phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày.

5. Bệnh sẹo:

5.1. Cách nhận biết:

- Bệnh thường gây hại lá và quả lúc còn nhỏ, tạo thành những nốt nổi gồ ghề màu nâu. Bệnh gây hại trên cành, làm cho cành bị khô và chết, bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa theo các đợt lá và chồi non.

5.2. Biện pháp phòng trừ:

- Cắt bỏ và tiêu hủy các bộ phận cây bị nhiễm bệnh. Phun định kỳ bằng các loại thuốc trừ nấm theo các đợt lá, chồi non như Boocđô1%, Kasuran, Kocide....Các biện pháp khác áp dụng như đối với bệnh loét.

* Chú ý: Nồng độ thuốc pha theo hướng dẫn ghi trên bao bì khuyến cáo của nhà sản xuất để phòng trừ.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội