Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1299
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Bồi dưỡng nghiệp vụ “Kiến trúc và bài trí thờ tự trong các di tích lịch sử, văn hóa” (11/07/2019)

Sáng 11/7, tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Kiến trúc và bài trí thờ tự trong các di tích lịch sử, văn hóa” cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, quản lý văn hóa và thực hành tín ngưỡng trên địa bàn thành phố.

 

Hiện nay, thành phố Hải Phòng có hơn 1.000 di tích lịch sử văn hóa (537 ngôi chùa, 107 nhà thờ, số còn lại là các đình, đền, miếu, phủ…). Trong số đó, có 103 di tích được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia; 165 di tích được Uỷ ban nhân dân thành phố xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

 

Trong bài giảng về kiến trúc cổ Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Tiến - Giảng viên khoa Di sản Văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã giúp các học viên tiếp cận những vấn đề chung về kiến trúc cổ, một số loại hình kiến trúc truyền thống tiêu biểu (nhà ở dân gian; kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng: chùa, tháp, đình, đền, miếu, nhà thờ họ…) và những nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam trong nền kiến trúc gỗ cổ của phương Đông. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh, chạm khắc là phần rất quan trọng trong kiến trúc Việt cổ, thể hiện tinh thần của công trình. So với kiến trúc Trung Hoa thích vẽ hình và sơn màu sặc sỡ, người Việt thường để mộc màu gỗ hay quét sơn ta bảo vệ có màu nâu hoặc chạm khắc sinh động, tinh xảo.

 

Đình Hàng Kênh - công trình kiến trúc cổ Việt Nam tiêu biểu.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Tiến cũng minh họa một số công trình kiến trúc tiêu biểu như: nhà ở của người Kinh; đình Hàng Kênh (Hải Phòng); chùa Dâu (Bắc Ninh); chùa Keo (Thái Bình); chùa Nhị Thanh, Tam Thanh (Lạng Sơn)… bằng hình ảnh, qua đó giúp các học viên nắm bắt những nét đặc trưng nhất của kiến trúc Việt cổ và những khác biệt so với kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc…

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chỉnh giới thiệu hệ thống bài trí tượng Phật.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chỉnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng hướng dẫn các học viên về hệ thống bài trí thờ tự trong các di tích lịch sử văn hóa bao gồm: các thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng thường gặp trong di tích lịch sử, văn hóa; đối tượng thờ; nguyên tắc trong cách bài trí thờ tự (chùa, đình, đền, miếu, phủ, từ đường, văn miếu, văn từ, văn chỉ…).

 

Qua lớp tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức chuyên sâu phục vụ hữu ích cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý và thực hành tín ngưỡng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị quý báu của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố.

 

 Trường Xuân