Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 37396 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học và sản xuất
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cá giống (28/05/2013)
Chất lượng cá giống là một yếu tố quyết định trong chăn nuôi thủy sản song lại chưa nhận được sự quan tâm và quản lý đúng mức. Có thể nói chất lượng cá giống phụ thuộc vào hai yếu tố then chốt:
1. Chất lượng đàn cá bố mẹ và kỹ thuật sinh sản:
Đây là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cá giống, thể hiện ở các điểm sau:
* Các yếu tố di truyền: Thông qua chọn lọc nhân tạo và các phương pháp di truyền, người ta có thể tạo ra những loài, dòng nuôi mới có phẩm chất vượt trội để đưa vào sản xuất. Có hai hiện tượng liên quan tới yếu tố di truyền, thường ảnh hưởng tới chất lượng cá giống tại các cơ sở sản xuất là sinh sản cận huyết và lai tạo giống.
- Cận huyết là sinh sản giữa 2 cá thể gần nhau về huyết thống. Cận huyết thường dẫn tới suy thoái như giảm sinh trưởng, sức sinh sản và sức đề kháng. Để tránh ảnh hưởng cận huyết, các cơ sở sản xuất giống nên thường xuyên trao đổi đàn cá hậu bị với các trung tâm giống hoặc các cơ sở khác, chọn ngẫu nhiên từ đàn cá hậu bị để tạo đàn cá bố mẹ và duy trì số lượng đàn cá bố mẹ tối thiểu là 50 cặp.
- Lai tạo giống đã và đang là một phương pháp hữu hiệu nhằm tạo giống sản xuất có những phẩm chất ưu việt hơn giống gốc. Con lai có thể cùng loài hoặc khác loài. Tuy nhiên, không được sử dụng con lai làm cá bố mẹ do mất hiệu ứng trội ở thế hệ con và làm giảm chất lượng.
* Tuổi và cỡ cá bố mẹ: Mỗi loài cho trứng và cá con chất lượng cao ở 1 độ tuổi nhất định, như cá trắm cỏ 4-7 tuổi, mè trắng 3-6 tuổi, rô phi 1-2 tuổi. Cỡ cá bố mẹ cũng ảnh hưởng đến sức sinh sản và kích cỡ trứng.
* Điều kiện nuôi vỗ: Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh sản, chất lượng trứng và cá bột. Khi gần trưởng thành, trọng lượng buồng trứng tăng nhanh đòi hỏi cá được tích lũy dinh dưỡng đầy đủ từ trước. Nếu cho ăn không đúng, không đủ, sức sinh sản sẽ giảm, cỡ trứng nhỏ và kéo dài vụ đẻ. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ôxy hoà tan, kích thích nước... cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình hoàn thiện bộ máy sinh sản của cá.
* Mùa vụ sinh sản: Trứng có chất lượng cao nhất khi cá bố mẹ trưởng thành hoàn chỉnh và được thụ tinh đúng lúc. Trứng non hoặc già chất lượng đều kém. Vì vậy, cho cá bố mẹ sinh sản đúng thời điểm sẽ góp phần duy trì và nâng cao chất lượng cá giống.
* Tái phát dục: Nhiều loài cá nuôi trong điều kiện sinh sản nhân tạo có khả năng đẻ nhiều lần trong năm. Sau lần đẻ đầu tiên trong năm, các lần đẻ sau được gọi là sinh sản tái phát (lần 1, lần 2...). Tuy nhiên cá đẻ nhiều lần không tốt, các lần đẻ sau thường chất lượng sinh sản thấp như sức sinh sản giảm, đường kính trứng giảm, cá bột không đều và nhỏ. Tốt nhất nên cho đẻ tái phát 1 lần và cách lần đẻ thứ nhất một thời gian cần thiết, ví dụ với cá mè, trắm cần khoảng 36-45 ngày.
2. Kỹ thuật ương nuôi và vận chuyển cá giống:
Cá bột là nguồn đầu vào và ảnh hưởng lớn đến kết quả ương và chất lượng giống. Chất lượng cá bột phụ thuộc nhiều vào chất lượng đàn cá bố mẹ và kỹ thuật sinh sản, mật độ nuôi, quá trình chăm sóc và quản lý ao nuôi, kỹ thuật vận chuyển giống. Hiện nay một phần giống được cung cấp tới người nuôi thông qua những thương lái trung gian, do thiếu kỹ thuật hay muốn thu nhiều lợi nhuận mà thương lái đã bán cho người nuôi con giống chất lượng kém (do vận chuyển xa, lưu giữ lâu ngày cá bị mệt, trầy xước, lây nhiễm bệnh...).
Nguồn: website Bộ NN&PTNT
- Bổ sung sắt uống để phòng ngừa thiếu máu ở heo con sơ sinh (09/12/2024)
- Phòng bệnh ký sinh trùng trên cá bớp (25/11/2024)
- Tôm bị mềm vỏ sau mưa: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả (12/11/2024)
- Môi trường mang thai của heo nái hậu bị ảnh hưởng tới sự phát triển trí não ở heo (30/10/2024)
- Bệnh lưỡi xanh: Cơ chế lây truyền và các biện pháp phòng ngừa (15/10/2024)
- Một số kỹ thuật úm gà con (01/10/2024)