Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5465
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học xã hội và Nhân văn

Canh tác nông nghiệp dẫn đến sự lan truyền của ngữ hệ Altai (24/11/2021)

Một nghiên cứu kết hợp bằng chứng về ngôn ngữ, di truyền và khảo cổ đã truy dấu được nguồn gốc của một ngữ hệ bao gồm các ngôn ngữ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ ngày nay và những người dùng các ngôn ngữ này với những người nông dân trồng kê ở đông bắc Trung Quốc cách ngày nay khoảng 9000 năm.

Các nhà khoa học đã vẽ ra con đường lan truyền ngôn ngữ thông qua nông nghiệp ở ngữ hệ Altai.

Nguồn gốc và sự lan truyền sớm của nhóm ngữ hệ Altai là một trong những vấn đề gây tranh cãi bậc nhất của thời kỳ Tiền sử châu Á. Mặc dù giữa các ngôn ngữ này có nhiều điểm tương đồng do vay mượn [của nhau], thì những nghiên cứu gần đây đã cho thấy bằng chứng đáng tin cậy ủng hộ cho việc phân loại ngữ hệ Altai như một nhóm nhôn ngữ có một gốc chung. Tuy vậy việc chấp nhận sự liên quan về nguồn gốc của các ngôn ngữ và văn hóa này đã làm dấy lên những câu hỏi về những người đầu tiên nói các ngôn ngữ này sống vào thời điểm nào và ở đâu? các nền văn hóa hậu duệ duy trì văn hóa và các ngôn ngữ này một cách bền vững và tương tác với nhau như thế nào? các tuyến lan truyền của ngôn ngữ và văn hóa như thế nào qua suốt nhiều thiên niên kỷ?

Một công trình mới xuất bản trên Nature của một nhóm nghiên cứu liên ngành bao gồm các nhà nghiên cứu châu Á, châu Âu, New Zealand, Nga và Mỹ đã đem đến bằng chứng hỗ trợ liên ngành cho "giả thuyết nông nghiệp" của việc lan truyền ngôn ngữ, theo dấu nhóm ngữ hệ Altai đến với những người trồng trọt hái lượm đầu tiên di chuyển khắp Đông Bắc Á bắt đầu từ thời kỳ đầu Đồ đá mới 1. Bằng việc sử dụng công nghệ giải trình tự hệ gene thế hệ mới, một cơ sở dữ liệu khảo cổ lớn và một bộ dữ liệu mới về các khái niệm từ vựng của 98 ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu đã lập sơ đồ các tuyến đường lan truyền, vị trí và có độ dài thời gian của các cộng đồng nói ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Altai.

Bên cạnh việc tìm hiểu bộ dữ liệu về các khái niệm từ của 98 ngôn ngữ nhằm nhận diện cái lõi của những từ được thừa hưởng liên quan đến nông nghiệp và được tạo hình một cây ngữ hệ, họ còn kiểm tra dữ liệu từ 255 di chỉ khảo cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông Nga, đánh giá những điểm tương đồng của các hiện vật bao gồm đồ gốm, công cụ đá, những dấu tích cây trồng, vật nuôi. Họ cũng xem xét niên đại của 269 dấu tích vụ mùa ở nhiều di chỉ khác nhau.

Bằng chứng từ các nguồn ngôn ngữ, khảo cổ và di truyền này cho thấy điểm khởi đầu của ngữ hệ Altai này là từ những người trồng kê thời kỳ Đồ đá mới ở lưu vực sông Liêu Hà, ngày nay bao gồm nhiều phần của các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Nội Mông. Vì những người nông dân đầu tiên đó đã di chuyển khắp đông bắc châu Á trong hàng trăm năm, các ngôn ngữ hậu duệ đã được lan truyền theo hướng bắc và tây vào Siberia và qua các thảo nguyên và hướng đông vào bán đảo Triều Tiên và qua biển để vào Nhật Bản.

Do đó, nghiên cứu này đã nhấn mạnh đến những khởi nguồn phức tạp của con người và các nền văn hóa hiện đại. “Việc chấp nhận các cội rễ ngôn ngữ, văn hóa hay con người của một quốc gia nằm ngoài các biên giới quốc gia là một dạng từ bỏ tính đồng nhất/nhận diện/bản sắc, điều mà một số người còn chưa sẵn sàng chấp nhận”, nhà ngôn ngữ so sánh Martine Robbeets, người dẫn dắt nhóm nghiên cứu Khảo cổ - Ngôn ngữ tại Viện nghiên cứu Khoa học về lịch sử loài người Max Planck và là một trong ba tác giả chính của công trình xuất bản trên Nature, cho biết.

“Những cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc thường được mô tả tiêu biểu cho một ngôn ngữ, một văn hóa và một lịch sử di truyền. Nhưng tất cả các ngôn ngữ, văn hóa và con người, bao gồm cả châu Á, đều giao thoa. Sự thật mà chúng tôi khám phá ra này có thể khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc không thích lắm” Robbeets cho biết thêm.

 “Một ngành tự tiến hành nghiên cứu thì không thể giải quyết được những câu hỏi lớn xung quanh vấn đề lan truyền ngôn ngữ nhưng nếu kết hợp cả ba chuyên ngành có thể làm tăng tính khả tín và giá trị của giả thuyết này. Bằng việc kết hợp bằng chứng từ ba chuyên ngành mang lại, chúng tôi đã có được hiểu biết tốt hơn và cân bằng hơn về quá trình di cư của cư dân thuộc ngữ hệ Altai hơn là từng ngành đem lại”.

Phát hiện này đã làm sáng tỏ quá trình canh tác của con người sau kỷ băng hà đã thúc đẩy sự lan truyền của một trong số những ngữ hệ lớn trên thế giới như thế nào.

Kê là một cây trồng quan trọng đầu tiên khi con người chuyển từ người săn bắt - hái lượm sang làm nông nghiệp. Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng những cư dân nông nghiệp ở Đông Bắc Trung Quốc cuối cùng đã bổ sung gạo và lúa mì vào kê để hình thành một “gói” nông nghiệp theo chân họ di cư đến vùng bán đảo Triều Tiên vào năm 1.300 năm trước Công nguyên và từ đó tới Nhật Bản sau năm 1000 trước Công nguyên.

Các nhà nghiên cứu cũng phân tích hệ gene hài cốt 23 người cổ đại và kiểm tra những dữ liệu hiện có về những người sống ở Đông và Bắc Á khoảng 9.500 năm trước.

Nguồn gốc của ngôn ngữ Trung Quốc hiện đại bắt đầu một cách độc lập, thông qua một khuôn thức tương tự, có cả kê trong quá trình trồng trọt. Trong khi những tổ tiên của người sử dụng ngữ hệ Altai trồng trọt cao lương kê ở thung lũng sông Liêu Hà, những người khởi thủy nhóm ngữ hệ Hán – Tạng trồng kê vàng tại vùng sông Hoàng Hà, Trung Quốc, tiến theo cách lan truyền một ngôn ngữ khác biệt, Robbeets nói.

Nghiên cứu này đã chứng tỏ sự kết hợp của ba phương pháp ngôn ngữ, khảo cổ và di truyền có thể đem lại sự khả tín và giá trị của giả thuyết nhưng các tác giả đều nhanh chóng nhận ra cần có thêm nghiên cứu sâu hơn nữa. Sẽ cần nhiều nghiên cứu về DNA cổ xưa, nghiên cứu về từ nguyên và nghiên cứu về cổ thực vật học nhiều hơn nữa để đem lại hiểu biết sâu sắc hơn về các cuộc di cư của loài người ở Đông Bắc Á thời kỳ Đồ đá mới và làm sáng tỏ sự ảnh hưởng của những chuyến di cư muộn hơn của con người, của những người chăn nuôi gia súc trong tự nhiên.

Nguồn: Anh Vũ/tiasang.com.vn

Ngày cập nhật: 16/11/2021

https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Canh-tac-nong-nghiep-dan-den-su-lan-truyen-cua-ngu-he-Altai--28644