Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3233
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Cát Hải và Tiên Lãng có tiềm năng phát triển thành vùng nuôi Ngao an toàn (18/04/2012)

Trong những năm gần đây, nghề nuôi ngao phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có Hải Phòng. Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng diện tích nuôi và nuôi ở mật độ cao, đã xuất hiện bệnh khiến ngao chết hàng loạt ở nhiều địa phương. Nhằm xác định tình hình bệnh trên ngao nuôi và đề xuất một số giải pháp phòng trị, Th.s Nguyễn Thị Thu Hiền cùng các cộng sự tại Trung tâm quốc gia Giống Hải sản miền Bắc vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố: “Nghiên cứu tình hình và đề xuất giải pháp phòng, trị bệnh thường gặp trên ngao tại vùng ven biển Hải Phòng”.

Vùng nuôi ngao huyện đảo Cát Hải

            Tính đến năm 2010, diện tích nuôi ngao trên vùng ven biển Hải Phòng vào khoảng 234 héc-ta, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện đảo Cát Hải (101 héc-ta), huyện Tiên Lãng (10 héc-ta), quận Dương Kinh (60 héc-ta) và thị xã Đồ Sơn (63 héc-ta). Cho đến năm 2008, ít xảy ra các hiện tượng bệnh trên ngao nuôi tại Hải Phòng. Năm 2009 đã xuất hiện tình trạng ngao nuôi chết rải rác. Từ năm 2010 trở đi, nhiều bãi nuôi tại Cát Hải, ngao chết hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các hộ nuôi.

Từ năm 2009 đến năm 2011, qua quá trình điều tra, nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xác định được các tác nhân gây bệnh thường gặp trên ngao nuôi tại Hải Phòng là ký sinh trùng Perkinsus sp, vi khuẩn Vibrio sp và nấm. Trong đó, tác nhân do Perkinsus sp là tác nhân gây bệnh chủ yếu. Ngoài ra, kỹ thuật quản lý bãi nuôi ngao chưa tốt, mật độ thả nuôi dày cũng là nguyên nhân gia tăng tác nhân gây bệnh. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp tổng hợp nhằm phòng ngừa và trị bệnh trên ngao nuôi. Cụ thể là một số phương pháp khắc phục các tác nhân bất lợi như phun nước ngọt, khử trùng bãi nuôi, chống nắng, phun cát…Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, vẫn còn nhiều nguyên nhân khác gây chết ngao nuôi. Để xác định toàn diện hơn cần có thêm những nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường vùng nuôi ngao (xác định năng suất nguồn thức ăn sơ cấp), xây dựng mô hình nuôi ngao ứng dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp và cần làm rõ thêm quy luật biến động về tỷ lệ và cường độ nhiễm Perkinsus sp tại các điểm nghiên cứu ngoài thực địa.

Theo nhóm nghiên cứu, tại Hải Phòng, vùng nuôi có tiềm năng để phát triển thành vùng nuôi Ngao an toàn là huyện đảo Cát Hải và huyện Tiên Lãng./.

Thái Phan