Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3689
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Cấy ghép thành công phổi sinh học vào lợn (08/08/2018)

Cấy ghép nội tạng là một trong những lĩnh vực khó khăn và phức tạp nhất của y học hiện đại. Ngoài phải chờ đợi, tìm kiếm các nguồn hiến tạng, thì ngay cả khi bệnh nhân đủ điều kiện được ghép tạng thì việc thải ghép rất dễ xảy ra. Điều này có thể dẫn đến ca cấy ghép bị thất bại và cần phải phẫu thuật gỡ bỏ ngay lập tức các cơ quan nội tạng đã được cấy ghép.

Các nhà nghiên cứu đã cấy thành công phổi sinh học vào lợn (Ảnh: kalinovsky/Depositphotos)

Phổi là cơ quan rất khó cấy ghép vì chứa nhiều mạch máu và chịu tác động lớn từ hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nếu các bác sỹ có thể phát triển các cơ quan nội tạng theo yêu cầu mong muốn từ các tế bào của chính bệnh nhân thì sẽ mang lại nhiều hy vọng rất lớn trong tương lai. 

Mới đây các nhà khoa học Trường Đại học Texas Medical Branch (UTMB) đã cấy thành công phổi sinh học (bioengineered lungs) vào lợn mà hoàn toàn không có biến chứng sau cấy ghép. 

Thay vì chờ đợi một người khác hiến tặng nội tạng, trong tương lai, bệnh nhân dễ dàng được cấy bất kỳ bộ phận nội tạng nào mà họ cần được cấy ghép hoặc thậm chí in sinh học 3D từ chính các tế bào của bệnh nhân. 

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực phát triển kỹ thuật sinh học để tạo ra được các cấu trúc cơ thể khác nhau như cơ bắp, mạch máu, thận, tuỷ xương và da, mang lại cơ hội cấy ghép nội tạng giá rẻ cho bệnh nhân trong tương lai.

Mới đây, các nhà nghiên cứu UTMB đã cấy toàn bộ phổi vào lợn, được nuôi và phát triển từ tế bào của chính họ. Để bắt đầu thực hiện điều này, họ lấy một lá phổi từ một con vật khác và làm sạch phổi trong một dung dịch được thiết kế đặc biệt để loại bỏ tất cả máu và tế bào sống. Những gì còn lại là một “khung sinh học”của protein hình lá phổi. 

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu cắt một bên phổi của mỗi con lợn đưa vào thử nghiệm, và chọn lọc các tế bào của chúng. Các khung sinh học này được làm sạch trong một bể chứa đầy đủ dinh dưỡng và các tế bào được chọn lọc từ lợn được đưa thêm vào trong bể chứa này. Sau khi được thêm vào, những tế bào này trải rộng khắp toàn bộ khung sinh học trong vòng 30 ngày và hình thành lá phổi hoàn toàn mới phục vụ quá trình cấy ghép.

Để xem cơ quan mới này đã được tiếp nhận như thế nào, các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra các nhóm lợn được cấy ghép khác nhau theo các khoảng thời gian khác nhau cụ thể là 10 tiếng, hai tuần, một tháng và hai tháng sau khi phẫu thuật cấy ghép. Kết quả sau kiểm tra cho thấy, tất cả các con lợn vẫn khỏe mạnh trong suốt thời gian này, và các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng phổi đã tự điều chỉnh để phát triển các mạng lưới mạch máu cần thiết trong hai tuần lễ.

Joan Nichols và Joaquin Cortiella, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi không thấy có dấu hiệu phù phổi, là dấu hiệu thông thường cho thấy mạch máu không đủ trưởng thành. Phổi sinh học tiếp tục phát triển sau khi cấy ghép mà không cần phải tiêm truyền bất kỳ các yếu tố tăng trưởng nào, khung sinh học mới này tạo ra các khối kiến tạo mà phổi mới cần thiết”. 

Trong khi nghiên cứu này tập trung vào việc phổi sinh học có thể tồn tại và phát triển như thế nào trong vật chủ, nhóm nghiên cứu lại chưa kiểm tra xem cơ quan phổi mới này cung cấp oxy cho động vật tốt đến mức độ nào.

Các nhà nghiên cứu nói rằng các nghiên cứu trong tương lai sẽ phối hợp xem xét khả năng cấp oxyu của cơ quan phổi mới này trong các thử nghiệm. Nếu nó làm việc tốt, phương pháp này có thể được sử dụng cho cấy ghép trên người trong vòng 5 đến 10 năm.

Công trình nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine mới đây.

Nguồn: P.T.T (NASATI)/www.vista.gov.vn

Cập nhật: 08/8/2018