Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 22143
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Chăm sóc cây màu xuân (04/04/2017)

         Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật chăm sóc một số loại cây màu xuân, điển hình là cây dưa chuột bao tử và cây ngô, để có năng suất cao, chất lượng tốt:

1. Cây dưa chuột bao tử

Trồng cây:

- Đất trồng dưa chuột nên chọn khu vực đất cao, dễ thoát nước nhưng chủ động nguồn nước tưới, có tầng canh tác dày 20 - 30cm. Đất thịt nhẹ hoặc cát pha có độ pH từ 6- 6,5. Nếu pH thấp hơn thì dùng vôi bột để tăng pH. Do bộ rễ dưa chuột yếu, nên đất trồng cần được cày bừa kỹ, làm nhỏ, tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại. Sau khi làm đất, tiến hành lên luống:  Luống dưa rộng 1,2 m - 1,5m, cao 25 - 30cm. Rãnh nên để rộng từ 30 - 35cm để tiện chăm sóc và thu hái. Sau khi lên luống, rạch 1 hàng nhỏ ở giữa luống và tiến hành bón lót, sau đó phủ một lớp đất mỏng lên mặt luống. Khoảng cách trồng cây cách cây 40-50cm; hàng cách hàng 30-35cm.

Phân bón:

- Lượng phân bón cho 1 sào: phân chuồng hoai mục 300-500kg, 20-25kg Lân Supe, 10-12kg Urea, 6-8kg Kali. Hoặc sử dụng NPK chuyên dùng 16:16:8 có hàm lượng tương đương.

- Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân. Bón thúc nên chia làm 3 lần bón: Lần 1 sau khi cây bén rễ hồi xanh, lần 2 khi cây bắt đầu ra hoa cái, lần 3 sau khi thu quả đợt đầu cứ 5-7 ngày hòa phân tưới thúc 1 lần.

Tưới nước:                                                                            

- Dưa chuột bao tử cho năng suất cao, quả nhiều nước do vậy cần giữ đủ độ ẩm đất tốt nhất từ khi cây ra hoa trở đi cần có láng nước trên rãnh.

Cắm giàn

- Khi cây bắt đầu ra tua cuốn, cần cắm giàn cho dưa chuột, nên cắm hình chữ A. Cắm cọc cách mỗi gốc cây khoảng 5-6cm, cao 2.2- 2.5m. Sau khi cắm dàn, cần tiến hành buộc ngọn dưa để tránh dây dưa bị dập gãy. Công việc này làm thường xuyên cho đến khi cây ngừng sinh trưởng, đảm bảo năng suất và chất lượng quả dưa… Thường xuyên nhặt sạch cỏ ở gốc cây, cắt bỏ những lá già ở phía dưới để tạo sự thông thoáng cho ruộng dưa.

Phòng trừ sâu bệnh:

- Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để phòng trừ dịch bệnh như: luân canh cây trồng hợp lý, sử  dụng giống tốt, sạch bệnh, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng nhân lực bắt giết sâu. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.

Thu hoạch:

- Vụ xuân sau gieo khoảng 40- 45 ngày là bắt đầu thu hoạch. Khi quả đạt tiêu chuẩn khoảng 4- 5 ngày tuổi là có thể thu hoạch. Nếu để quá già sẽ ảnh hưởng tới chất lượng quả, sự ra hoa và đậu quả của các lứa sau. Thu hái nhẹ nhàng để tránh đứt dây. Dưa chuột có thể thu liên tục hàng ngày, thường xuyên quan sát để chọn lựa quả dưa đạt tiêu chuẩn, đảm bảo năng suất và chất lượng quả.    

2. Cây ngô

Tỉa dặm: 

- Khi cây có 1-2 lá thật, thấy có hiện tượng mất khoảng, cần dặm ngay bằng cây trong bầu hoặc đánh bầu to, tránh đứt rễ mầm.

Phân bón và cách bón phân: 

- Muốn cho ngô đạt năng suất cao, phải bón đủ lượng phân bón; Lượng phân bón cho một sào: Phân chuồng 3-5 tạ (nếu có); Đạm Ure 12-15 kg; Supe lân 20-25 kg; Kali: 8-10 kg (hoặc sử dụng các loại phân khác như DAP, NPK chuyên dùng có hàm lượng tương đương).

Cách bón:

- Bón lót: bón toàn bộ phân chuồng, phân vi sinh + lân + 1/3 đạm + 1/3 kali (bón vào rãnh hoặc vào hốc lấp 1 lớp đất mỏng rồi mới gieo hạt), hộ nào trồng chưa bón lót thì dùng lượng phân đó tưới ngay khi cây lên được 2-3 lá.

- Bón thúc làm 3 đợt: Đợt 1 khi ngô 3-4 lá bón 1/3 đạm kết hợp làm cỏ vun gốc lần 1; Đợt 2 khi ngô 7-9 lá bón 1/3 đạm + 1/3 kali kết hợp làm cỏ vun gốc lần 2; Đợt 3 bón trước trổ cờ 1/3 kali.

Tưới nước: 

- Tùy theo điều kiện thời tiết, đặc điểm giống để có chế độ tưới hợp lý, song có 3 lần tưới quan trọng: Lần 1 khi cây 7-9 lá tưới ngập 1/3 luống sau khi bón thúc; Lần 2 trước trổ cờ 10-15 ngày tưới ngập 2/3 luống thấm đều rồi rút cạn; Lần 3 sau thụ tinh xong tưới ngập 1/3 luống rồi rút cạn.

- Sau khi cây trổ cờ phun râu có thể tiến hành rút bỏ 10-15% cờ trên cây xấu, hoặc bẻ cờ sau khi thụ phấn xong để tập trung dinh dưỡng về bắp.

Phòng trừ sâu bệnh: 

- Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.

Thu hoạch:

- Tùy vào giống ngô và nhu cầu sử dụng để chọn thời điểm thu hoạch hợp lý. Nếu ngô làm thức ăn chăn nuôi, thu hoạch tốt nhất khi ruộng ngô đã có 80 - 85% số bắp có vỏ khô. Thu hoạch về bóc bỏ vỏ và phơi ngay. Nếu trời mưa, treo ở nơi thoáng tránh để mốc hạt ảnh hưởng đến chất lượng hạt.

 

Nguồn: Khuyến nông Thái Bình