Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 55169
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Chăm sóc, nuôi dưỡng bò đực giống (04/09/2019)

          Chăm sóc và nuôi dưỡng bò đực giống đóng vai trò vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng đàn bê sinh ra cũng như năng suất chăn nuôi bò thịt nói chung.

1. Hệ thống chuồng trại

- Xây dựng chuồng trại nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, đặc biệt xây chuồng dưới có gió để tránh mùi hôi và ẩm ướt. Chuồng và sân chơi phải nhận được đầy đủ ánh sáng, nếu thiếu ánh sáng, bò đực giống dễ bị ức chế sự sinh tinh, không tốt cho việc tạo tinh trùng giống.

- Phải xây hố phân cách xa chuồng trại. Có túi ủ biogas tận dụng phân, nước thải ủ để lấy khí đốt phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Nền chuồng có thể là nền gạch, nền xi măng hoặc nền đất nện chặt có độ nghiêng để thoát nước và dễ làm vệ sinh.

 

2. Chọn giống bò đực 

- Nguồn gốc: Chọn những con bò đực sinh ra từ bố, mẹ khỏe mạnh, xuất phát từ vùng an toàn dịch và được tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Khối lượng bò đực phù hợp với tiêu chuẩn chung của mỗi giống nhưng phải trên 350kg (lúc trưởng thành).

- Về ngoại hình và tính năng sản xuất: Bò đực giống phải có ngoại hình phù hợp với các đặc trưng của từng giống. Sinh trưởng, phát triển tốt, không còi cọc. Dáng to khỏe, cân đối, kết cấu cơ thể vững chắc, cơ bắp phát triển. Đầu to, trán rộng, gốc sừng lớn. Mõm rộng, mũi to. Ngực sâu và rộng. Mông to, bụng thon gọn. Bốn chân cân đối, vững chắc.

- Cơ quan sinh dục và khả năng sinh sản: Bộ phận sinh dục phát triển bình thường. Tinh hoàn đều, to vừa, không thòng, không mắc bệnh; bởi đây sẽ là yếu tố quan trọng quyết định bê con sinh ra có lai đặc tính của bò đực, sẽ cho giống tốt hay xấu.

- Tính dục hăng: Phối giống cho bò cái đạt tỷ lệ thụ thai cao, từ 85% trở lên.

3. Chăm sóc

Chăm sóc, nuôi dưỡng giai đoạn hậu bị

- Sau khi cai sữa, chọn những con đực tốt nhất để làm giống và nuôi tách đực riêng, cái riêng, gọi là giai đoạn nuôi hậu bị. Giai đoạn này kéo dài từ khi cai sữa (lúc đạt 6 tháng tuổi) cho đến bắt đầu đưa vào sử dụng (đạt 18 - 24 tháng tuổi).

- Ngay sau cai sữa, bê đực dễ bị rơi vào trạng thái khủng khoảng vì lượng sữa bị cắt hoàn toàn trong khi khả năng lợi dụng các loại thức ăn thô xanh của chúng còn hạn chế. Cần chú ý đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn cho bê để chúng không bị còi cọc, bệnh tật, ảnh hưởng đến tuổi thành thục sinh dục và khả năng sinh sản của chúng sau này. Trong giai đoạn nuôi hậu bị, nên chăn thả bê và cho chúng ăn tự do thức ăn thô xanh chất lượng tốt, có bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như đạm, khoáng, vitamin... Cần chú ý là, bê đực không cần nhiều canxi, vì khẩu phần nhiều canxi sẽ gây nên các chứng bệnh về chân và lưng. Mặt khác, cũng cần lựa chọn các loại thức ăn có giá trị năng lượng cao đưa vào cấu trúc khẩu phần, giảm thiểu các loại thô xanh cồng kềnh để giữ dạng hình bụng đực giống thon gọn.

- Khẩu phần thức ăn hàng ngày trong giai đoạn nuôi hậu bị có thể như sau:

• Từ 7 - 12 tháng tuổi: 15 - 20 kg cỏ tươi + 1 kg thức ăn tinh hỗn hợp

• Từ 13 - 18 tháng tuổi: 20 - 25 kg cỏ tươi + 1,5 kg thức ăn tinh hỗn hợp

• Từ 19 - 24 tháng tuổi: 30 - 35 kg cỏ tươi + 2 kg thức ăn tinh hỗn hợp

- Lượng thức ăn tinh trong khẩu phần cho ăn 2 - 3 lần/ngày. 

- Chú ý các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh: thức ăn, nước uống luôn sạch sẽ; định kỳ tiêm phòng vaccine và tẩy uế chuồng trại. Thường xuyên tắm trải, tối thiểu 2 ngày một lần.

Chăm sóc, nuôi dưỡng và sử dụng bò đực giống phối trực tiếp

- Bò đực giống được chăn thả cùng đàn bò cái trên bãi chăn thả công cộng và phối giống tự do khi có bò cái động dục. Thông thường một bò đực thường đi kèm với đàn bò cái khoảng 30 - 35 con để đảm bảo khả năng phối giống. Cần chú ý, thải loại (thiến và đưa vào vỗ béo) tất cả những đực giống không đảm bảo chất lượng và chỉ đưa vào chăn thả chung những đực giống đã được chọn lọc. Vào các tháng mùa xuân và mùa thu - mùa mà bò cái động dục nhiều, cần có chế độ bồi dưỡng thêm cho đực giống bằng các loại thức ăn chất lượng tốt, thức ăn giàu đạm.

- Nên áp dụng phương thức phối giống trực tiếp có kiểm soát (đặc biệt là những vùng ít bãi chăn thả tự nhiên), nghĩa là có chọn lọc bò đực, có theo dõi bò cái động dục và cho ghép đôi giao phối theo kế hoạch, theo định hướng. Có chế độ ăn cho bò đực bảo đảm đủ dinh dưỡng, bò khỏe mạnh nhưng không được tích mỡ nhiều, bò có tính hăng và chất lượng tinh tốt. Muốn vậy, cần cho bò đực ăn các loại thức ăn chất lượng cao, có độ chuẩn dạ cỏ thấp và dễ tiêu hóa. Thức ăn đạm có nguồn gốc động vật phải chiếm 50% tổng lượng thức ăn đạm. Thông thường, mỗi ngày cần cung cấp cho bò đực lượng thức ăn thô xanh bằng 10% khối lượng cơ thể của nó và cho ăn thêm 3 - 4 kg thức ăn tinh. Những ngày đực giống làm việc phải bổ sung thêm trứng gà để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

* Một số lưu ý:

- Cho bò đực giống vận động mỗi ngày khoảng 1km.

- Hàng ngày tắm chải cho bò. Mùa đông tắm chải hai ngày/lần vào lúc nắng ấm.

- Cung cấp đầy đủ nước uống cho bò, nước uống phải trong, sạch, không bị ô nhiễm.

- Định kỳ tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng.

- Chuồng trại luôn sạch sẽ. Có thể dùng rơm rạ lót nền chuồng vào mùa đông.

- Định kỳ dùng vôi bột, vôi tôi (tỷ lệ 10%), dung dịch formalin 5%, dung dịch crezin 3% để sát trùng chuồng nuôi.

- Chế độ sử dụng hợp lý là cho phối giống 3 - 4 lần (đối với bò đực giống trưởng thành) và 2 - 3 lần trong một tuần (đối với bò đực giống tơ), với thời gian nghỉ 1 - 2 ngày giữa các lần phối.

Nguồn: Tạp chí Người chăn nuôi