Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2235
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học và sản xuất

Chăm sóc vải, nhãn sau thu hoạch (25/07/2012)

Cắt tỉa vệ sinh vườn (từ tháng 7-9)

Cắt tỉa vườn tạo cho cây có độ thông thoáng, giảm khả năng lưu trú của sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng nuôi cành lộc thu.

- Lần 1: Cắt tỉa vào cuối tháng 7 với vải và cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 với nhãn. Chủ yếu loại bỏ cành la, cành vượt, sâu bệnh, gom cành tỉa đem chôn hoặc đốt.

- Lần 2: Vào nửa cuối tháng 9, trên các cây có tuổi khoảng trên dưới 10 năm. Khi tỉa chỉ để lại ở mỗi cành 1-2 lộc thu to khoẻ để tập trung dinh dưỡng.

Cắt tỉa tạo tán (tháng 10-12)

Sau những đợt bón phân phục hồi cho cây sau thu hoạch, cần tỉa để cành, lá trên cây phân bố đều, thông thoáng, nâng khả năng quang hợp, tập trung dinh dưỡng, giảm bớt sâu bệnh bằng cách tỉa thưa và cắt ngắn bớt.

Cắt các cành mọc lộn xộn, quá dày, chồng lên nhau, khô bệnh... trong tán, dùng kéo cắt bỏ sát gốc, với những cành vượt cắt bớt phía ngọn, trên những cành có lộc thu cắt tỉa hết, chỉ để lại 1-2 lộc thu to khoẻ.

Việc cắt tỉa thực hiện sau khi thu hoạch 1 tháng hoặc cắt tỉa vào mùa đông trước khi nảy cành xuân và ra hoa kết quả.

Khi cắt tỉa cần chú ý: Cắt tỉa trong tán trước, ngoài tán sau, cắt cành lớn trước, cành bé sau, sao cho cành phân tán đều.

Bón phân: Với cây vải, nhãn có độ tuổi từ 10 năm trở lên có thể bón cho mỗi cây 50-100kg phân chuồng hoại mục; 1-1,5kg urê; 1,5-2kg lân; 1,5-2kg kali hoặc dùng phân NPK đa yếu tố Văn Điển chuyên dùng cho cây ăn quả, tưới nước phân chuồng ngâm lân pha loãng, bón đất phù sa, bùn ao...

Cách bón: Chiếu mép tán ra 30cm, đào rãnh 20 x 20cm vòng quanh tán. Phân bón trộn, rải đều xuống rãnh, lấp đất; hoặc hoà nước phân chuồng tưới đều quanh tán; lấy đất phù sa, bùn ao (để ải, phơi khô, đập nhỏ), không đổ quá nhiều và quá dày (chỉ dày 5-7cm). Với cây không cho quả, giảm 1/2 lượng phân chuồng, lân và bón thêm phù sa, bùn ao.

Dùng phân bón qua lá như Bayfolan, Orgamin, Fabeta phun lần 1 sau khi bón phân xong, hỗ trợ cho lộc thu bật nhanh; bón lần 2 khi lộc thu dài 5cm; bón lần 3 khi lộc thu chuyển bánh tẻ.

Phòng trừ sâu bệnh: Từ tháng 7 đến tháng 9: Phòng trừ sâu bệnh hại qua đông, bảo vệ lộc thu.

- Đối tượng gây hại là bọ xít, rầy, rệp, vòi voi, châu chấu... Có thể phun diệt chúng bằng các thuốc: Sherpa 0,2%, Shepzol 0,2%, Polytrin 0,2%, Trebon 0,2%, Supracide 0,2%. Phun làm 2 lần: lần 1 khi cây nhú lộc, lần 2 khi lộc rộ.

- Với rệp gây phồng lá lông nhung trên vải cần thu gom lá bệnh rung đem đốt, cắt tỉa tán thông thoáng.

Từ tháng 11-12:

- Với nhóm sâu ăn lá như sâu róm, ban miêu, châu chấu... dùng Sumicidin 0,2%, Sherpa 0,2%, Shepzol 0,2%... Với sâu chính hút như bọ xít, rầy rệp... dùng Tribon (0,2-0,3%), Sherpa 0,2%, Shepzol 0,2%...

- Với nhóm sâu đục nõn, đục gân dùng Decis 0,2-0,3%), Sherpa (0,2-0,3%), Sumicidin (0,2-0,3%)..., phun làm 2 đợt: đợt 1 khi nhú lộc, đợt 2 sau đợt 1 hai tuần.

- Với nhện gây phồng lá lông nhung trên vải dùng Ortuss 0,1%, Pegasus 0,1% phun phòng khi lộc đã phát triển ổn định.

- Với sâu tiện vỏ nhãn, vải dùng gai mây hay sợi thép cho vào trong lỗ ngoáy và kéo sâu ra, hoặc dùng Polytrin 0,2% vào các vết đùn trên cây hay lấy bông thấm thuốc nhét vào các lỗ bị đục.

- Với bệnh đốm lá, xém mép lá, khô đầu lá dùng Viben C 0,3%, Score 0,05%, Daconil 0,3%, Bavistin 0,3%... phun khi bắt đầu xuất hiện bệnh, phun 2 lần, lần thứ 2 cách lần 1 khoảng 2-3 tuần.

- Thực hiện quét vôi gốc, thân cây và các cành chính...

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam