Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 9677
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN trong nước

Chất lượng quả vải Bắc Giang tăng nhờ khoa học công nghệ (07/07/2017)

Trên các đồi vải tại xã Phúc Hòa và Liên Sơn, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang), quả sai trĩu, to và đều màu. Bằng việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), năng suất vụ vải thiều sớm tại huyện Tân Yên năm nay trung bình tăng 20%, thậm chí có vườn tăng 30%. Đó là hiệu quả việc ứng dụng KHCN trong chăm sóc cây vải của bà con nơi đây.

Ông Nguyễn Thanh Lâm vui mừng khi vườn vải được mùa.

Một mùa vải bội thu

Ông Nguyễn Thanh Lâm (thôn Chấn Sơn, xã Liên Sơn) có hai đồi vải với tổng diện tích 2,5ha vui mừng cho biết, năm nay gia đình ông “trúng đậm” vụ vải sớm. Tỷ lệ đậu hoa nhiều hơn so với mọi năm nên sản lượng thu hoạch vải tại vườn là 10 tấn/ha, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Giá bán một cân vải đầu mùa tại vườn của ông Lâm khoảng từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg (cao hơn so với thị trường 5.000-7.000 đồng/kg), thời điểm sau do ảnh hưởng của đợt nắng nóng nên giá giảm còn khoảng 15.000-18.000 đồng/kg. Cùng chung niềm vui vải được mùa là gia đình ông Ngô Văn Cường (thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa). Trên khu đất rộng 7.000m2, ông Cường trồng 350 gốc vải. Với sản lượng vải thu về cao hơn năm ngoái 20%, lợi nhuận từ vụ vải sớm mang lại cho gia đình ông khoảng 300 triệu đồng.

Để có được những con số ấn tượng trên, các hộ nông dân tại huyện Tân Yên đã áp dụng quy trình kỹ thuật trong đề tài “Nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất, góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang” do Viện Địa lý, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở KHCN Bắc Giang thực hiện. Theo đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu chất đất thực tế tại vùng trồng vải trên địa bàn hai huyện Lục Ngạn, Tân Yên nhằm xác định độ phì đất trồng và xác định các yếu tố dẫn đến hạn chế năng suất, chất lượng vải thiều. Thông qua nghiên cứu, đề tài đã xây dựng công thức phân bón theo tỷ lệ cân đối cho cây vải ở Bắc Giang. Đề tài được triển khai thí điểm tại huyện Tân Yên với 2 mô hình vải chín sớm vụ và 3 mô hình vải chính vụ tại huyện Lục Ngạn.

Nhà khoa học đồng hành cùng nông dân

Bà con trên vùng đất Bắc Giang vốn chỉ quen trồng vải theo phương thức truyền thống và quy trình VietGap nên khi nhận được lời mời tham gia đề tài, nhiều người không khỏi nghi ngại. Tuy nhiên, mọi lo lắng được xua tan khi các nhà khoa học trực tiếp đến địa phương tham gia cùng nông dân. Ông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Các nhà khoa học đã hướng dẫn chúng tôi rất tỉ mỉ quy trình chăm sóc, thời điểm bón phân lúc ra hoa, bón phân qua lá, bón phân thúc quả”. Trước đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nên thu nhập từ vải khá bấp bênh, ông Lâm cùng một số hộ dân khác đã có ý định chặt bỏ cây vải, chuyển đổi sang loại cây khác. Nhưng với cách làm mới, ông Lâm khẳng định sẽ tiếp tục gắn bó với cây vải. Ông giải thích rằng, làm theo các nhà khoa học không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn không mất nhiều công sức cũng như chi phí so với cách thức trồng truyền thống, điều quan trọng là phải bón phân, phun hoa đúng thời điểm.

Theo như kết quả của đề tài, các mô hình thực nghiệm vải chín sớm ở huyện Tân Yên có tổng số hoa trên chùm nhiều nhất là 2.318 hoa/chùm, đối với các hộ không thực hiện mô hình là 1.694 hoa/chùm. Số quả trung bình trên một chùm tại các hộ thực hiện mô hình là 7,17 quả/chùm, tăng 31,8% so với các hộ dân không thực hiện mô hình. Thực tế cho thấy, bằng việc ứng dụng KHCN trong trồng trọt, sản lượng cũng như chất lượng quả vải Tân Yên tăng lên rõ rệt. Đối với vải chính vụ tại huyện Lục Ngạn, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến khả năng đậu quả. Mặc dù vậy, hiệu quả của ứng dụng KHCN vẫn hiện lên rõ nét khi tỷ lệ ra hoa, đậu quả ở những hộ thực hiện mô hình cao gần gấp đôi so với những vườn vải trồng theo cách thức truyền thống.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KHCN Bắc Giang, cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao đề tài khoa học nghiên cứu chất đất để trồng cây vải thiều. Về hình thức, quả vải to và đỏ hơn. Về chất lượng, vải ngọt thanh và không bị sâu cuống”. Ông Kiên hy vọng, thời gian tới, Bộ KHCN sẽ triển khai đề tài thành dự án cấp Nhà nước nằm trong Chương trình Nông thôn miền núi. Tuy Sở KHCN Bắc Giang đã được Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chuyển giao quy trình chăm sóc, quy trình bón phân cây vải thiều, nhưng ông Kiên cho rằng, quy trình này cần tiếp tục được hoàn thiện trong 1, 2 vụ tới để cây vải thích ứng tốt hơn với các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.

Xác định rõ vải thiều là sản phẩm chủ lực của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên ngoài Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Sở KHCN Bắc Giang còn phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ Nano STV nghiên cứu, áp dụng công nghệ nano bạc nhằm kéo dài thời gian thu hái và bảo quản quả vải thiều; đồng thời triển khai nghiên cứu công nghệ bao gói khí quyển trong bảo quản vải thiều, với mức giá rẻ, phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu.

 

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân