Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 3084
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Chất thải nhựa vùng biển Hải Phòng thực trạng, nguy cơ và giải pháp (17/12/2018)

Đây là tên hội thảo do Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Hải Phòng tổ chức sáng 14/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị thành phố. Tiến sĩ Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Liên Hiệp hội và chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bùi Quang Sản đồng chủ trì hội thảo.

 

Quang cảnh hội thảo.

 

Báo cáo tại hội thảo đã chỉ ra, năm 2010 có khoảng 275 triệu tấn chất thải nhựa dẻo được tạo ra từ 192 quốc gia ven biển, trong số đó 4,8-12,7 triệu tấn đang đi vào các đại dương. Khu vực Đông Á tập trung các quốc gia đứng đầu thế giới về rác thải biển đứng đầu là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam thải ra 0,3-0,7 triệu tấn rác thải biển có thành phần nhựa. Dự báo đến năm 2025, cứ 3 tấn cá biển thì có 1 tấn rác thải nhựa và đến năm 2050 rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá. Rác thải nhựa đã và đang gây thương tích, giết chết các loài động vật hoang dã, làm suy thái nơi cư trú tự nhiên biển, cản trở an toàn hàng hải, gây thiệt hại kinh tế cho các hoạt động vận tải biển, đánh bắt cá và các cộng đồng ven biển, đe dọa sức khỏe con người khi sử dụng nguồn thực phẩm hải sản từ những vùng biển ô nhiễm chất thải nhựa…

 

Một nghiên cứu tại Australia cho thấy 10.000 con rùa biển đã bị mắc bẫy bởi các dải lưới đánh bắt cá cũ bị bỏ rơi trong vịnh Carpentaria.

 

Hải Phòng là một trong những địa phương có nhiều chất thải trôi nổi trên biển từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, đến chất thải từ các hoạt động nông nghiệp, bệnh viện, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải biển… Đáng lo ngại, chất thải nhựa trên biển còn bắt gặp ở các cửa sông, khu neo đậu tàu thuyền, khu dân cư và khu phát triển du lịch. Với những loại phao, xốp, nhựa, túi nilon… là rác không phân hủy, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, môi trường biển, gây nhiễm độc các loại hải sản nuôi trồng, đánh bắt khu vực ven bờ… làm cho nhiều giá trị của biển bị suy thoái.

 

Lượng rác thải nhựa trôi nổi từ Vịnh Bắc Bộ và các đảo gần bờ dạt lên các bãi cát đảo Long Châu là rất lớn

 

Trong đó, tại Cát Bà, trên 50% số lượng phao xốp nuôi trồng hải sản tại Cát Bà đã cũ, hỏng, vỏ bọc bị rách hoặc đã vỡ, xuất hiện nhiều mảnh vụn xốp nhỏ, hộp xốp đựng thức ăn, chai lọ nhựa trôi nổi xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản; 4,1% rác nhựa không thể tái chế là rác thải từ nhà hàng;  có 7,9% rác thải không thể tái chế là rác thải từ khách sạn… Mỗi ngày, huyện Cát Hải thu gom, vớt rác trên vịnh khoảng 10m³ rác thải các loại.

 

Qua trao đổi, các đại biểu nhận định công tác quản lý chất thải đặc biệt là chất thải nhựa trên biển chưa được quan tâm đúng mức, chưa có những quy định cụ thể về quản lý chất thải nhựa trên biển. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp xử lý rác thải nhựa vùng biển cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy kiểm soát ô nhiễm môi trường biển của các địa phương; Nghiên cứu, xây dựng phương pháp xác định lượng chất thải nhựa biển phù hợp với Việt Nam; Áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa; Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa vào môi trường; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm giảm tác động của các thiết bị nuôi trồng, đánh bắt hải sản sau thải bỏ, công nghệ xử lý tái chế rác thải nhựa…

 

Hội thảo cũng giới thiệu một số giải pháp kỹ thuật  - công nghệ tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa (GS.TS Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam); Giới thiệu kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát chất thải nhựa trên biển (Ths. Dương Thị Phương Anh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường); Nghiên cứu chất thải nhựa vùng biển Hải Phòng (TS. Trần Đình Lân - Viện Tài nguyên Môi trường Biển)…

 

Nguyễn Hoa Phong