Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 2972
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

Chất xúc tác kép giúp tổng hợp alpha-olefin thành các hợp chất hữu cơ mới (10/01/2014)

Các nhà hóa học tại trường Boston College, Hoa Kỳ đã phát triển một phương pháp tổng hợp hóa học mới, chuyển đổi các hóa chất gọi là alpha-olefin thành hợp chất hữu cơ mới. Bằng cách kết hợp hai phản ứng xúc tác liên tục, các nhà nghiên cứu đã chuyển đổi hóa chất giá rẻ và dồi dào thành hợp chất hữu cơ chứa boron được các nhà nghiên cứu đánh giá cao.

Theo GS hóa học James P. Morken, một trong các tác giả nghiên cứu, họ đã thực hiện phản ứng đầu tiên để chuyển đổi alpha- olefin thành hợp chất boron mới. Phản ứng thứ hai là phản ứng xúc tác palladium sử dụng chất xúc tác do nhóm nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts chế tạo. Cả hai phản ứng này đã dẫn đến một qui trình phản ứng bất ngờ, hoạt động rất hiệu quả.

Các nhà hóa học hữu cơ phải đối mặt với thách thức trong việc chế tạo các hợp chất mới, như thuốc và nguyên liệu một cách hiệu quả. Đó là việc cho ra đời các hợp chất mới thông qua qui trình đơn giản, hiệu quả hơn mà lại sinh ra ít chất thải và giảm chi phí, đặc biệt bằng cách sử dụng các hóa chất có sẵn.

Nhóm nghiên cứu bất ngờ về khả năng phản ứng ở mức cao trong các hợp chất chứa boron từ phản ứng đầu tiên. Kết quả nghiên cứu mở rộng thêm các ứng dụng của alpha-olefin, một nhóm hợp chất hữu cơ phân biệt bởi một liên kết đôi ở vị trí đầu của cấu trúc. Mặc dù alpha- olefin là nguyên liệu thường được chuyển đổi thành nhựa, nhưng khả năng phản ứng tăng lên nhờ bổ sung 2 nguyên tử boron khiến chúng phù hợp cho nhiều ứng dụng nghiên cứu khác.

Theo GS. Morken, phương pháp mới sẽ cho phép sản xuất nhanh và hiệu quả các hợp chất quan trọng từ nguyên liệu hóa chất. Ví dụ, nhóm nghiên cứu đã sử dụng quy trình mới để chuyển đổi khí propene thành phenethylamine được sử dụng nhiều trong các phương pháp trị liệu. Trong ứng dụng khác, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phản ứng xúc tác để chuyển đổi alpha-olefin thành pregabalin, đã được sử dụng trong nhiều loại thuốc giảm đau.

Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature.

Nguồn: www.vista.vn (Theo Sciencedaily, 21/12/2013)