Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 5590
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Chính sách mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hoa Kỳ (05/03/2019)

Hoa Kỳ từ lâu vẫn đi đầu trong KHCN&ĐM. Tuy nhiên, các chỉ số đổi mới trong doanh nghiệp, số liệu về tăng trưởng năng suất đa yếu tố cho thấy rằng khoảng cách của Hoa Kỳ so với các nước đã được thu hẹp dần. NC&PT và bằng sáng chế của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã tăng trưởng chậm hơn so với trước đây. Chiến lược đổi mới sáng tạo 2009: Định hướng tăng trưởng bền vững và chất lượng việc làm, được cập nhật và ban hành lại vào tháng 2/2011, cung cấp các định hướng chiến lược cho các chính sách của Chính phủ để đẩy mạnh nền kinh tế dựa trên đổi mới. 

 

Hình ảnh minh họa

 

Điều hành chính sách KHCN&ĐM: Do thắt chặt tài chính, nên đầu tư NC&PT liên bang dự kiến sẽ giảm từ 147 tỷ USD năm 2010 xuống còn 142,7 tỷ USD năm 2014, sau đó tăng trở lại. Những nỗ lực đã được thực hiện để tăng cường chính sách và đánh giá KHCN&ĐM. 

 

Trong năm 2013, một hướng dẫn mới được công bố để cải thiện quá trình cấp tài trợ bằng cách tinh giản tám quy định của Liên bang, được thực hiện đầy đủ vào năm 2014. Năm 2008, các cơ quan liên bang đã cùng nhau xác định một Lộ trình Chính sách Khoa học (SOSP) và đang cùng làm việc để cải thiện đánh giá tác động của khoa học. Ngoài ra, Quỹ Khoa học Quốc gia đang thực hiện một chương trình nghiên cứu về “Khoa học của Chính sách Khoa học và Đổi mới”, nhằm xây dựng một cơ sở phân tích và kiến thức cho SOSP và một cộng đồng nghiên cứu SOSP. 

 

Những nguồn tăng trưởng mới: Ngân sách liên bang năm 2014 đã đầu tư 2,9 tỷ USD để tạo việc làm trong lĩnh vực chế tạo chất lượng cao và làm cho Hoa Kỳ trở thành một trung tâm thu hút hoạt động sản xuất. Mục đích là để tăng cường NC&PT các quy trình sản xuất tiên tiến, vật liệu công nghiệp tiên tiến và robot, nhằm khuyến khích tinh thần kinh doanh khởi nghiệp và cải thiện quá trình chuyển đổi từ khi có những phát hiện/khám phá đến thương mại hóa. 

 

Những thách thức mới: Cải thiện sức khỏe của người dân Hoa Kỳ, trong khi vẫn phải duy trì sự đi đầu của Hoa Kỳ trong nghiên cứu y - sinh và xây dựng nền kinh tế sinh học của tương lai, là một vấn đề chính sách mới. Chính phủ liên bang cam kết tài trợ cho nghiên cứu y tế, tập trung vào khoa học thần kinh và tăng lợi ích của các khoản đầu tư cho y tế. Ra mắt với 100 triệu USD trong năm 2014, Sáng kiến bộ não (BRAIN) tìm kiếm những cách thức điều trị mới, chữa bệnh và ngăn ngừa rối loạn não, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, động kinh và chấn thương não. 

 

Đổi mới trong doanh nghiệp: Ngân sách công tài trợ cho NC&PT của doanh nghiệp đã giảm kể từ năm 2008, chủ yếu là do sự sụt giảm trong ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, gần đây việc tài trợ này đã được hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp NC&PT và đổi mới. Tín dụng thuế nghiên cứu và thực nghiệm hết hạn vào năm 2013, tuy nhiên, các cuộc đàm phán đang tiếp tục để gia hạn hiệu lực. 

 

Trong vài năm tới, phần lớn các khoản đầu tư NC&PT tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. Các chương trình dịch vụ tư vấn công nghệ đã được đưa ra năm 2013 tập trung vào các công ty sản xuất và mới thành lập từ những tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản. Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục đề xuất mở rộng bảo lãnh vốn vay và cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch. 

 

Chuyển giao và thương mại hóa công nghệ: Các cơ quan liên bang tiếp tục đạt tiến bộ trong việc định hình lại các ưu tiên và chương trình của họ để đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong Biên bản ghi nhớ của Tổng thống về đẩy mạnh chuyển giao và thương mại hóa công nghệ các nghiên cứu liên bang trong hỗ trợ các doanh nghiệp tăng trưởng cao tháng 10/2011. Môi trường cho tinh thần kinh doanh sáng tạo là rất tốt. Cuối năm 2011, các chương trình Chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp nhỏ (STTR) và Nghiên cứu đổi mới ở doanh nghiệp nhỏ (SBIR) đã được kéo dài đến năm 2017. Các hoạt động đổi mới, NC&PT và hỗ trợ hợp tác về NC&PT đã diễn ra trong doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trẻ và các trường đại học. 

 

Các cụm và chuyên môn thông minh: Chính phủ liên bang làm việc với các cơ quan như Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ và Cục Quản lý phát triển kinh tế để phát triển các cụm khu vực về công nghệ tiên tiến (ví dụ như người máy, năng lượng, an ninh mạng), hệ thống thực phẩm, băng thông rộng và giải trí. Văn phòng Đổi mới và Thúc đẩy tinh thần kinh doanh ở cấp độ khu vực thông qua Chương trình Thách thức i6 (i6 Challenge), một chương trình tài trợ cạnh tranh liên cơ quan. 

 

Nguồn: P.A.T (NASATI)/www.vista.gov.vn

Cập nhật: 22/02/2019