Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 35398 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học nông nghiệp
Chỉnh sửa gene có thể giúp tăng cường an ninh lương thực (09/06/2022)
Một dự thảo luật mới đề xuất lên Thượng viện Vương quốc Anh đang hướng tới mục tiêu tăng tốc các các sản phẩm chỉnh sửa gene.
Cố vấn khoa học của Bộ Môi trường Anh cho biết, chỉnh sửa gene có thể tăng cường đáng kể tình trạng an ninh lương thực toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học cùng thuốc trừ sâu trong thập niên tới. Phát biểu trước khi giới thiệu một dự luật về công nghệ di truyền trước Thượng viện vào ngày 1/6 vừa qua, GS. Gideon Henderson cho biết luật này nhằm tạo ra một khung pháp lý đơn giản hơn để đẩy nhanh sự phát triển và thương mại hóa các sản phẩm chỉnh sửa gene, bằng cách cho phép chúng được đối xử khác với các sản phẩm biến đổi gen (GMO) vốn đang phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt. “Chúng tôi dự đoán, [dự luật] sẽ cho phép các loại cây trồng nhân giống chính xác được thông qua hệ thống quy định nhanh hơn nhiều, khoảng tầm 1 năm, so với thời gian 10 năm như hiện tại”, ông cho biết.
Điều này có thể mang đến nhiều lợi ích, từ việc trồng trọt các loại cây có khả năng kháng lại khủng hoảng khí hậu, sâu, bệnh, cho đến tăng năng suất cây trồng, góp phần chống lại nạn đói toàn cầu. Nó cũng có thể dùng để tạo ra những loại cây trồng bổ dưỡng hơn, chẳng hạn như cà chua giàu vitamin D.
Dự luật cũng sẽ cho phép những thay đổi tương tự cho vật nuôi một khi có các hệ thống quy định để bảo vệ phúc lợi động vật, ví dụ như ngăn chặn việc tạo ra các động vật tăng trọng quá nhanh đến mức không đứng được.
Điều quan trọng là nó phân biệt giữa “biến đổi gene” (genetic modification), tức liên quan đến việc đưa gene của loài khác vào, và “nhân giống chính xác” (precision breeding) để tạo ra những đặc điểm mong muốn. Loại thứ hai sẽ sử dụng các biện pháp chỉnh sửa gene để thực hiện những thay đổi bắt chước quá trình nhân giống chọn lọc, chỉ chính xác và nhanh hơn so với chăn nuôi truyền thống.
Tuy nhiên, các nhóm môi trường đã bác bỏ mọi phân biệt giữa hai loại cây này bởi họ cho là đây chỉ là một hình thức tuyên truyền. Bà Kierra Box, tổ chức Friends of the Earth, cho biết: “Chỉnh sửa gene chính là biến đổi gene dưới một cái tên khác. Nó vẫn tập trung vào việc thay đổi mã di truyền của động, thực vật để đối phó với các vấn đề do thoái hóa đất, sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu và thâm canh”.
Việc ghi nhãn thực phẩm cũng đặt ra một vấn đề khác. Giả sử dự luật được thông qua, nó sẽ chỉ áp dụng ở Anh. Điều này có thể tạo ra xung đột với chính phủ Scotland và chính phủ xứ Wales – những nơi đang duy trì lệnh cấm sản xuất và kinh doanh nông sản GMO. Bà Liz O’Neill, người dẫn dắt nhóm chiến dịch GM Freeze, đã nêu lên mối lo ngại dự luật sẽ dẫn đến việc loại bỏ các nhãn hàng cho phép người tiêu dùng biết và lựa chọn những gì họ mua và tiêu thụ. Theo GS. Henderson, [dự luật] không có ý định đưa ra một hệ thống ghi nhãn cho những sản phẩm chỉnh sửa gene.
Trong khi đó, Hiệp hội Đất đai thất vọng khi thấy chính phủ ưu tiên các giải pháp công nghệ cho cuộc khủng hoảng thực phẩm hơn những chiến lược nhắm tới chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu đa dạng cây trồng, trang trại quá tải vật nuôi và suy giảm mạnh của côn trùng có lợi.
Một số nhà khoa học đồng ý là chỉnh sửa gene chỉ đem lại một phần giải pháp cho các vấn đề mà xã hội đang phải đối mặt. “Chỉnh sửa gene có tiềm năng trung hạn để giải quyết những thách thức về sản xuất thực phẩm và môi trường”, GS. David Rose, nhà nghiên cứu hệ thống nông nghiệp bền vững tại Đại học Cranfield cho biết, “Tuy nhiên, cũng có những lo ngại hợp lý về chỉnh sửa gene có tiềm năng làm trầm trọng thêm sự bất cân đối quyền lực trong chuỗi cung ứng thực phẩm, những lo ngại về đạo đức, đặc biệt là cách đối đãi với động vật, và khả năng sẽ thúc đẩy các hoạt động thâm canh mạnh hơn, từ đó gây hại cho môi trường”./.
Nguồn: Trang Linh/tiasang.com.vn
Ngày cập nhật: 08/6/2022
https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/chinh-sua-gene-co-the-giup-tang-cuong-an-ninh-luong-thuc/
- Chọn tạo giống vừng năng suất cao cho khu vực phía Nam (25/12/2024)
- Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển quy trình công nghệ nuôi tôm nước lợ hiệu quả... (16/12/2024)
- Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững (09/12/2024)
- Nghiên cứu tăng kích thước hạt ở cây lúa bằng kỹ thuật chỉnh sửa hệ gen CRISPR/Cas9 (02/12/2024)
- Xác định vi nấm gây bệnh thối thân loài xương rồng làm thức ăn cho gia súc (25/11/2024)
- Nghiên cứu đầu tiên về vi khuẩn nước bọt lợn cho thấy sự biến đổi cao (18/11/2024)