Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 7477
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Chọn tạo giống hành củ chịu nhiệt cho sản xuất trái vụ ở vùng Đồng bằng sông Hồng (19/01/2017)

Hành củ ta (Allium cepa L. Aggregatum group) là loại rau gia vị được gieo trồng và sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày ở Việt Nam. Hành củ không chỉ có giá trị dinh dưỡng mà còn giá trị y dược. Hành chủ yếu được trồng ở các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Kinh, Vĩnh Phúc… Đồng bằng sông Hồng là một trong bảy vùng sinh thái có diện tích trồng hành đứng thứ hai trên cả nước sau đồng bằng sông Cửu Long với diện tích đạt 9,9 nghìn ha (năm 2012). Mặc dù nước ta có điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc sinh trưởng, phát triển và tạo củ nhưng năng suất và chất lượng hành củ vẫn còn khá thấp khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Hơn nữa, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều ở Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ thối hỏng hành củ rất cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.

Để khắc phục khó khăn về giống, thời vụ trồng và bảo quản sản phẩm hành củ, từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam do TS. Nguyễn Thanh Tuấn dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Chọn tạo giống hành củ (Allium cepa L. Aggregatum group) chịu nhiệt cho sản xuất trái vụ ở vùng Đồng bằng sông Hồng”.

Một số kết quả nổi bật của đề tài:

- Đã chọn ra được 2 mẫu giống VN3 và VN18 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, hình thành củ tốt (khối lượng củ tương ứng đạt 9,0 g và 10,3 g), không nhiễm sâu bệnh hại, đạt năng suất cao nhất (80,1 g/khóm và 90,6 g/khóm).

- Trong vụ xuân hè, hai mẫu giống VN25 và VN27 sinh trưởng phát triển và tạo củ tốt, biểu hiện khối lượng củ lớn (4,8g và 4,2g), số củ/khóm nhiều (4,5 củ và 4,8 củ), năng suất củ/khóm tương ứng đạt 21,6g/khóm và 20,1 g/khóm. Chứng tỏ hai mẫu giống này thích ứng trồng trong thời vụ có nhiệt độ cao (nhiệt độ bình quân 24,8oC, nhiệt độ tối cao trung bình 28,1oC, nhiệt độ tối cao tuyệt đối 39,7oC).

- Đã phân lập nấm Fusarium từ 62 mẫu hành củ bị bệnh thối củ/héo và phát hiện được 11 mẫu nhiễm nấm Fusarium.

- Xử lý colchicine cho hành củ ở giai đoạn chưa thấy nảy mầm với nồng độ 1% trong thời gian 6 ngày là thích hợp nhất để tạo cây đột biến tứ bội với tỷ lệ cây sống sót và tỷ lệ cây tứ bội cao. Biện pháp nhân giống hành củ tốt nhất là chẻ củ làm 2 mảnh và đem giâm trên nền giá thể gồm cát, đất, trấu hun và xơ dừa (tỷ lệ 1:1:1:1) với hệ số nhân giống cao nhất đạt 5,6, tỷ lệ mảnh sống đạt 95,6%.

- Đã xác định được biện pháp xử lý hoa hành củ bằng GA3 với nồng độ thích hợp nhất là 120 ppm, liều lượng phun 560 lít/ha, phun vào giai đoạn cây có 15-20 lá thật (trồng sau 50-60 ngày), phun lặp lại 2 lần cách nhau 1 lần.

- Đã xây dựng được mô hình trồng thử nghiệm 2 giống hành địa phương và dòng hành lai tứ bội mới lai tạo có triển vọng trái vụ trong vụ xuân hè tại Gia Lâm, Hà Nội đạt hiệu quả kinh tế cao. Với năng suất đạt từ 7,5 tấn/ha (VN25) đến 15,2 tấn/ha (AD), lãi thuần đạt từ 85 - 313 triệu đồng/ha.

Nhu cầu tiêu dùng hành củ tươi quanh năm ở thị trường trường miền Bắc là rất lớn do thị hiếu và tập quán của người tiêu dùng. Mặt khác, hành củ còn là nguồn nguyên liệu có giá trị cho các nhà máy chế biến thực phẩm. Vì vậy, việc sử dụng giống hành củ chịu nhiệt để trồng trái vụ vào các tháng mùa nóng sẽ đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường tiêu dùng miền Bắc. Việc sử dụng giống hành củ thích hợp trồng trái vụ chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất do nhu cầu thị trường lớn, dễ bán, hạn chế được thất thoát lớn sau thu hoạch.

 

Nguồn: Vista.gov.vn