Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 12189
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học - Y dược

Chứng trầm cảm của bà mẹ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mẹ và con (01/06/2021)

Trong một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Maudsley (BRC) - Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIHR) tài trợ, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu trầm cảm, trước hoặc trong khi mang thai, có ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ - con hay không. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí BJPsych Open mới đây.

các biện pháp can thiệp có thể giúp tương tác giữa mẹ và trẻ sơ sinh nên được phổ biến rộng rãi hơn

Các nhà nghiên cứu đã xem xét chất lượng của sự tương tác giữa mẹ và trẻ sơ sinh 8 tuần và 12 tháng sau khi sinh ở ba nhóm phụ nữ: nhóm phụ nữ khỏe mạnh, phụ nữ bị trầm cảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng trong thai kỳ và phụ nữ có tiền sử trầm cảm suốt đời nhưng có thai nhi khỏe mạnh.

Nghiên cứu sử dụng mẫu nghiên cứu gồm 131 phụ nữ: 51 bà mẹ khỏe mạnh không bị trầm cảm ở hiện tại hoặc trong quá khứ, 52 bà mẹ bị trầm cảm được đưa tới Bệnh viện tâm thần - thuộc Quỹ Tín thác Nam London và Maudsley NHS và 28 bà mẹ “có tiền sử” trầm cảm nhưng kết quả chẩn đoán hiện tại không mắc.

Chất lượng tương tác

Ở cả 8 tuần và 12 tháng, các bà mẹ và trẻ sơ sinh trong nhóm trầm cảm và có tiền sử trầm cảm cho thấy chất lượng tương tác suy giảm. Cụ thể, ở tuần thứ 8, 62% ở nhóm bà mẹ bị trầm cảm khi mang thai và 56% ở nhóm bà mẹ có tiền sử trầm cảm được xếp hạng thấp nhất về chất lượng mối quan hệ - ở mức cần có các biện pháp can thiệp điều trị và trong nhóm khỏe mạnh chỉ 37%. Ở tất cả các nhóm, các bà mẹ và trẻ sơ sinh đều có sự cải thiện về chất lượng tương tác từ 8 tuần đến 12 tháng, tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh của họ trở nên hòa hợp hơn với nhau.

Ở thời điểm sáu ngày, những đứa trẻ mới sinh của các bà mẹ thuộc nhóm trầm cảm và có tiền sử trầm cảm có hành vi tương tác xã hội bị giảm sút. Những khó khăn về kinh tế xã hội của bà mẹ đồng thời cũng được dự đoán là làm giảm chất lượng tương tác, trong khi trầm cảm sau sinh thì không.

Tiến sĩ Rebecca Bind, trợ lý nghiên cứu tại Viện Tâm thần, Tâm lý & Khoa học Thần kinh, Trường Đại học King's College London, tác giả chính nghiên cứu, cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy, các chuyên gia sức khỏe tâm thần chu sinh nên hỗ trợ không chỉ cho những phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai mà còn cho cả phụ nữ mang thai có tiền sử trầm cảm, vì họ cũng có thể có nguy cơ gặp khó khăn trong tương tác. Nghiên cứu trong tương lai nên cố gắng tìm hiểu lý do tại sao tiền sử trầm cảm, mặc dù thời kỳ chu sinh khỏe mạnh, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ đang phát triển”.

Tác giả Carmine Pariante, giáo sư về tâm thần sinh học tại Viện Tâm thần học, Tâm lý học & Khoa học thần kinh, Trường Đại học King's College London và là chuyên gia tư vấn tâm thần chu sinh tại Quỹ Tín thác Nam London và Maudsley NHS cho biết: “Chúng tôi khuyến nghị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cung cấp cho những phụ nữ mang thai có nguy cơ gặp khó khăn trong tương tác với các ví dụ về hành vi chăm sóc tích cực và các cách để thu hút trẻ sơ sinh và hiểu nhu cầu của họ. Tất cả những điều này có thể được đưa vào các lớp học về nuôi dạy con cái, sinh nở và thăm khám sức khỏe. Chúng tôi cũng gợi ý rằng các biện pháp can thiệp có thể giúp tương tác giữa mẹ và trẻ sơ sinh nên được phổ biến rộng rãi hơn, chẳng hạn như phản hồi bằng video, thông quá đó bác sĩ lâm sàng và bà mẹ có thể thảo luận về những hành vi nào sẽ mang lại hiệu quả nhất để thu hút và an ủi em bé, và các hoạt động có cấu trúc giữa mẹ và bé, chẳng hạn như liên quan đến nghệ thuật và hát. Điều này đặc biệt quan trọng vì chúng tôi biết rằng những năm đầu tiên rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và hạnh phúc trong tương lai của trẻ”.

Mối quan hệ giữa bà mẹ và trẻ sơ sinh được đánh giá thông qua Chỉ số thử nghiệm về mối quan hệ trẻ em-người lớn Crittenden, trong đó sẽ đánh giá tính đồng bộ nhị nguyên (dyadic synchrony), một thuật ngữ mô tả chất lượng của mối quan hệ hai nhóm nói chung. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các đoạn phim về các tương tác dài 3 phút được quay ở 8 tuần và 12 tháng sau khi sinh. Các bà mẹ chơi với con của họ trong khi các nhà nghiên cứu sẽ tính điểm mối quan hệ dựa trên bảy khía cạnh của hành vi: nét mặt, biểu hiện giọng nói, vị trí và tiếp xúc cơ thể, tình cảm và sự kích thích, tình huống thay đổi, kiểm soát và lựa chọn hoạt động.

Các nhà nghiên cứu rất biết ơn những phụ nữ và trẻ sơ sinh của họ đã tham gia vào nghiên cứu PRAM-D và tất cả mọi người trong nhóm nghiên cứu, những người đã tuyển chọn, thu thập và phân tích dữ liệu cho nghiên cứu.

Nguồn: P.T.T/vista.gov.vn

Ngày cập nhật: 27/5/2021

 https://vista.gov.vn/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/chung-tram-cam-cua-ba-me-anh-huong-den-moi-quan-he-giua-me-va-con-3601.html