Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 4601
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN trong nước

Chương trình RDP - cầu nối cho các nhà nghiên cứu Việt Nam toàn cầu (30/10/2020)

Phát triển nhà nghiên cứu Việt (RDP) là một sáng kiến cộng đồng nhằm kết nối, tôn vinh và phát triển nghề nghiệp cho các ứng cử viên nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh, tân Tiến sỹ người Việt toàn cầu.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương (ngoài cùng bên trái), người sáng lập và điều hành chương trình iVANet-RDP.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ra đời cách đây đúng 3 năm, Chương trình “Phát triển nhà nghiên cứu Việt” - RDP (Research Development Program) là một sáng kiến cộng đồng được khởi xướng thông qua mạng lưới Tri thức Việt Nam toàn cầu (iVANet) nhằm kết nối, tôn vinh và phát triển nghề nghiệp cho các ứng cử viên nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh và tân Tiến sỹ người Việt Nam trên toàn cầu.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, giảng viên Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), đồng thời là người sáng lập và điều hành chương trình iVANet-RDP, cho biết trong 3 năm qua, chương trình đã tổ chức 15 hội thảo trực tuyến, kết nối nhiều tiến sỹ người Việt Nam đang công tác ở trong và ngoài nước với hàng ngàn sinh viên nghiên cứu Việt Nam thuộc các lứa tuổi, ngành nghề và giai đoạn nghề nghiệp khác nhau.

Các cuộc hội thảo xoay quanh bốn lĩnh vực chính, bao gồm: Bản chất của việc học Tiến sỹ; Phát triển các kỹ năng nghiên cứu; Phát triển các kỹ năng mềm trong quá trình nghiên cứu; và Phát triển nghề nghiệp.

Khách mời của chương trình gồm các giáo sư nổi tiếng. Khoảng 40% những người đăng ký tham gia hội thảo đang học thạc sỹ; 40% là nghiên cứu sinh; 20% đã tốt nghiệp tiến sỹ đang sinh sống và làm việc trên khắp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập RDP, tiến sỹ Lan Hương cho biết bản thân hiểu được những thuận lợi và khó khăn của sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

Vào tháng 9/2017, khi tham gia một cuộc thảo luận trên iVANet, Tiến sỹ Lan Hương cùng hai nhà nghiên cứu khác là Trịnh Ngọc Anh (Học viện Ngân hàng) và Nguyễn Thị Lan Hường (Đại học Quốc gia) đã đưa ra đề xuất về một chương trình trực tuyến dành cho các nhà nghiên cứu Việt Nam thông qua iVANet.

Đề xuất này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà nghiên cứu, học giả ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Kết quả là iVANet - RDP đã ra đời vào ngày 27/10/2017 với hội thảo trực tuyến đầu tiên cùng chủ đề: “Làm sao để cho con đường khoa học bớt cô đơn?”.

Chỉ trong hơn một năm đầu tiên, chương trình đã tổ chức được 8 hội thảo trực tuyến với các nội dung thiết thực, bổ ích cho những người theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy như “Cách thức để được đăng bài viết nghiên cứu,” “Con đường trở thành giáo sư...”

Nhóm sáng lập chương trình cũng có thêm các thành viên mới là các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, bao gồm Tiến sỹ Quy Võ -Reinhard (Thụy Sĩ), nghiên cứu sinh Trần Lý Nguyệt Ánh (Thụy Sĩ) và Tiến sỹ Võ Hồ Diệp Khánh (Đức).

Các chủ đề hội thảo cũng được mở rộng, phong phú hơn với các khách mời không chỉ là những giáo sư, Tiến sỹ đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học uy tín mà còn là những cá nhân có tầm ảnh hưởng làm việc trong các tổ chức tên tuổi trên thế giới và Việt Nam.

Tiến sỹ Lan Hương cho biết trong 3 năm qua, khắc phục nhiều hạn chế và khó khăn cá nhân khi tất cả 6 thành viên tham gia chương trình đều là nữ, cộng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cũng như lý tưởng đóng góp và phát triển cộng đồng, các thành viên RDP ngày càng gắn bó và quyết tâm tiếp tục xây dựng chương trình theo hướng chuyên nghiệp, bền vững hơn.

Nhóm thực hiện chương trình cũng mong muốn nhận được sự hợp tác từ các trường đại học và cơ quan phát triển nghiên cứu khoa học khác của Việt Nam ở cả trong và ngoài nước để góp phần đào tạo cũng như bồi dưỡng nguồn lực nghiên cứu cận chuẩn quốc tế hiện đang thiếu hụt ở trong nước./.

Nguồn: Nguyễn Minh/vietnamplus.vn

Ngày cập nhật: 27/10/2020

https://www.vietnamplus.vn/chuong-trinh-rdp-cau-noi-cho-cac-nha-nghien-cuu-viet-nam-toan-cau/673692.vnp