Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1287
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Thế giới

Công bố giải thưởng Ig Nobel 2016 (28/09/2016)

Đến hẹn lại lên, những nghiên cứu thú vị và lạ thường lại được chọn trao giải ở ĐH Harvard tối 22/9.

Giới tính của chuột đực có bị ảnh hưởng khi nó mặc quần? Con người ta có bị say như một con dê? Những viên đá có cá tính không? Đó là những đề tài nghiên cứu vừa được trao giải Ig Nobel, tức "Nobel ngốc nghếch".

Quang cảnh trong lễ trao giải Nobel ngốc nghếch ở ĐH Harvard - (Ảnh: Reuters).

Theo chủ trương đã xác định, hằng năm ban tổ chức lại xét trao giải cho những công trình nghiên cứu khoa học "khiến người ta cười, rồi khiến người ta phải suy gẫm".

Trong buổi trao giải lần thứ 26 tại ĐH Harvard danh tiếng ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ), giải Sinh sản được trao cho nhà nghiên cứu của ĐH Cairo (Ai Cập), ông Ahmed Shafik với công trình về giới tính của chuộc bị thay đổi khi chuộc được... mặc quần.

Nghiên cứu của ông Shafik, từng được công bố vào năm 1993, đã kết luận rằng một con chuột đực được mặc quần có chứa chất sợi polyester thì sẽ kém hấp dẫn con cái hơn so với những con được mặc quần bằng vải sợi len hoặc cotton.

Trong số 10 giải được trao có giải Sinh học được dành cho Thomas Thwaites, người Anh. Nhà khoa học này từng có ba ngày sống trong lốt của một con dê. Ông đã sáng chế ra những dụng cụ chân giả cho phép ông có thể bước đi lâu theo kiểu bốn chân của dê. Ông cũng đã sống như... dê là ăn cỏ (để an toàn là đã được nấu chin), uống nước.

Tuy nhiên năm nay Thomas Thwaites phải chia sẻ giải thưởng với một người có ý tưởng "sống trong lốt thú" như ông là đồng hương người Anh Charles Foster. Thậm chí ông Foster còn sống thử kiểu con lửng, con cáo, con hươu và con chim.

Cả hai ông được trao giải, giống như những người đoạt giải khác, rất "hoành tráng" gồm tờ tiền 10.000 tỉ đô la Zimbabwe (theo báo Le Monde trị giá thực hiện nay chỉ chừng 200 đồng VN, trong khi báo The Guardian cho rằng khoảng gần 9.000 đồng VN!) cùng một chiếc cúp có dạng chiếc đồng hồ to.

Đứng ra trao giải thưởng Nobel vui nhộn tuy vậy lại là những nhà khoa học từng đoạt giải Nobel thực thụ.

Ảnh thể hiện trong nghiên cứu chuột mặc quần - (Ảnh: Annals of Improbable Research).

Trong lĩnh vực Kinh tế, năm nay ban tổ chức Nobel ngốc nghếch trao cho nhóm ba nhà nghiên cứu gồm 2 người của New Zealand và một người Anh vì đã tập trung tìm kiếm "cá tính" của những viên đá.

Họ đã dày công tìm cách tìm hiểu quan niệm quảng bá cá tính của sản phẩm có ảnh hưởng thế nào đến các mẩu đá. Nghiên cứu của họ cho thấy khi người ta tiếp xúc với những viên đá thì người ta có thể tạo ra những đặc tính con người cho viên đá đó. Kết luận của họ: quan niệm cá tính trong sản phẩm phải được tiếp cận theo cách cẩn thận hơn vì đến đá còn bị tác động!

Nhóm nghiên cứu của Mỹ, Canada, Đức, Bỉ và Hà Lan thắng giải trong lĩnh vực Tâm lý học nhờ công trình nghiên cứu về nói dối. Họ đã hỏi 1.000 người ưa nói dối về cảm nhận khi nói dối và khả năng nói dối giỏi đến mức nào.

Giải Ig Nobel hòa bình năm nay trao cho nhóm nhà triết học Canada và Mỹ vì đã công bố bài báo có tựa đề "Về việc tiếp nhận và nhận biết chuyện tào lao giả danh thâm thúy".

Các nhà nghiên cứu đã đi sâu vào cách con người hiểu những phát ngôn vô nghĩa được bọc dưới lớp vỏ có nghĩa, bằng cách ghép những từ thông dụng một cách ngẫu nhiên thành những cấu trúc câu đúng ngữ pháp nhưng lại nghe vô nghĩa.

Một vài ví dụ có thể kể ra như "sự toàn vẹn làm câm nín những hiện tượng bất tận" hay "ẩn ý làm biến đổi nét đẹp trừu tượng không gì sánh bằng".

Nói cách khác, chúng chẳng khác gì những bức áp phích ra vẻ uyên thâm dùng để tạo cảm hứng cho nhân viên bàn giấy hay giúp bệnh nhân nha khoa bớt sợ cái máy chữa răng.


Ông Thomas Thwaites ra nhận giải thưởng với bộ dạng con dê mà ông từng trải nghiệm suốt ba ngày - (Ảnh: Reuters).

Hồi năm 2015, các Giải Ig Nobel đáng chú ý như ở mảng Sinh lý học và Côn trùng học từng được trao cho nhà côn trùng học Justin Schmidt và nhà nghiên cứu Michael Smith đến từ Đại học Cornell vì các thí nghiệm táo bạo nhằm tìm hiểu xem bị ong đốt đau đến mức nào và ong đốt ở vị trí nào trên cơ thể là đau đớn nhất. Kết luận: những nơi bị ong đốt đau nhất là mũi, môi trên và gốc dương vật.

Ig Nobel 2015 mảng Sinh vật học thuộc về các nhà khoa học Chile đã thực hiện thí nghiệm với đuôi của một con gà. Bằng cách gắn thêm một mảnh đuôi nhân tạo vào thân gà, họ đã có thể dịch chuyển trọng lực của con vật về phía sau. Kết quả này chứng minh thêm cho giả thuyết về sự di chuyển của các con khủng long khổng lồ, vốn hầu hết là khủng long ăn thịt, đứng bằng 2 chân.

Ig Nobel Hóa học vinh danh cách nhà hóa học đã thực hiện một việc dường như"bất khả thi": đảo ngược về trạng thái sống một phần của quả trứng đã luộc chín kỹ. Khám phá được cho là có nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, đặc biệt là tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho việc phát triển thuốc.

Ig Nobel Kinh tế thuộc về Sở cảnh sát Bangkok (Thái Lan) vì đề xuất trả thêm tiền thưởng cho các cảnh sát từ chối nhận hối lộ.

Giải Ig Nobel, trao đầu tiên vào năm 1991, được tổ chức chọn lựa và trao bởi tạp chí Annals of Improbable Research (Biên niên Nghiên cứu "bất khả thi"). Giải thưởng chỉ là một chiếc cúp tượng trưng và một tờ giấy chứng nhận. Người thắng giải phải tự túc mọi mặt khi đến dự trao thưởng.

Giải trao cho các lĩnh vực tương tự giải Nobel "thật" như Vật lý, Hóa học, Sinh lý học hay Y học và bổ sung thêm sức khỏe cộng đồng, kỹ thuật, và một số ngành khoa học khác.

Trong lịch sử giải Ig Nobel có trường hợp đặc biệt là nhà Vật lý gốc Nga, ông Andre Geim, trở thành người đầu tiên nhận được cả 2 loại giải: Nobel truyền thống (năm 2010) và Ig Nobel (năm 2000).

Nguồn: khoahoc.tv (Theo Tuổi Trẻ)