Chuyên mục
Đang trực tuyến : | 28287 |
Tổng truy cập : | 57,998 |
Khoa học thường thức về hàng không học và khoảng không vũ trụ
Công nghệ vũ trụ: Việt Nam làm chủ “cuộc chơi” bằng những sản phẩm riêng (23/07/2024)
NDO - Công nghệ vũ trụ là công nghệ cao nhất, kết tinh của các công nghệ cao trên thế giới và luôn luôn là cuộc chơi của những quốc gia dẫn dắt. Tuy Việt Nam không phải là một quốc gia đi đầu, kể cả về tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ, nhưng chúng ta đã có những kết quả nghiên cứu để làm chủ công nghệ vũ trụ và từ đó có thể phát triển một số sản phẩm của riêng mình.
PGS, TS Doãn Minh Chung, Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tại Hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020 do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 27/9.
5 năm, đầu tư hơn 236 tỷ đồng để nghiên cứu công nghệ vũ trụ
PGS, TS Doãn Minh Chung, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, trong 5 năm qua, 38 đề tài khoa học công nghệ liên quan công nghệ vũ trụ đã được phê duyệt thực hiện với tổng kinh phí 236,5 tỷ đồng.
Các nhiệm vụ khoa học được lựa chọn để thực hiện đều có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu triển khai, ứng dụng CNVT giải quyết các vấn đề cấp bách của khoa học – công nghệ, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai trong một số lĩnh vực công nghệ đề ra trong Chiến lược như công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất, công nghệ tên lửa đẩy và các công nghệ liên quan khác.
Tuy thời gian triển khai các đề tài của Chương trình khá ngắn, các đề tài đã đạt được nhiều kết quả và sản phẩm có giá tri khoa học – công nghệ và ý nghĩa ứng dụng, một số sản phẩm và kết quả đạt được lần đầu tiên ở Việt Nam, mở ra các triển vọng ứng dụng rõ rệt. Các kết quả của Chương trình cũng góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác các cơ sở hạ tầng công nghệ vũ trụ đã được đầu tư, đặc biệt là dữ liệu ảnh vệ tinh VNREDSat-1.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020.
Nhiều kết quả và sản phẩm đã được đưa vào sử dụng trong thực tiễn và được chuyển giao, đào tạo cho các cơ sở, địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thám và GIS.
Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu luận cứ khoa học để xây dựng Chiến lược phát triển Công nghệ vũ trụ tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” đã giúp Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra kế hoạch dài hạn. Kết quả là, ngày 4/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 169/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2030”.
Trong số các đề tài nghiên cứu, đề tài lớn nhất của chương trình là “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mẫu tên lửa nghiên cứu (sounding rocket) đưa thiết bị khoa học để thử nghiệm thu thập dữ liệu khí quyển tầng cao” do Học Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng chủ trì, 2018-2020
Với đề tài này, tên lửa nghiên cứu (sounding rocket) đưa các thiết bị đo thông số khí quyển (payload) lên độ cao 40km theo như quỹ đạo bay của các tên lửa mang vệ tinh, tách tầng 1, tầng 2, rồi thả payload vào không gian, tự rơi xuống bằng dù và đo, truyền dữ liệu đo xuống Trạm mặt đất.
Ngoài ra, còn có đề tài ”Nghiên cứu tiếp cận công nghệ sử dụng khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu phục vụ việc giám sát, dẫn đường, tìm kiếm cứu hộ và đo đạc thông số vật lý môi trường tầng khí quyển” do Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì.
Với công nghệ vệ tinh, đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” do Trung tâm vũ trụ Việt Nam chủ trì đã hoàn thành chế tạo vệ tinh NanoDragon, được mang sang thử nghiệm tại Nhật Bản đủ điều kiện phóng. Tháng 8vừa qua, NanoDragon đã được chuyển sang Nhật Bản, dự kiến tháng 10 sẽ được phóng lên quỹ đạo.
Việt Nam cần duy trì nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, công nghệ vũ trụ là công nghệ cao nhất, kết tinh của các công nghệ cao trên thế giới và luôn luôn là cuộc chơi của những quốc gia dẫn dắt. Tuy nhiên Việt Nam không phải là một quốc gia đi đầu trên thế giới, kể cả về tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ, nhưng chúng ta đã có những kết quả để làm chủ, duy trì năng lực nghiên cứu phát triển về công nghệ vũ trụ, bảo đảm điều kiện nhất định khi chúng ta tiếp nhận, đưa vào ứng dụng những công nghệ mới nhất trên thế giới, và từ đó có thể phát triển một số sản phẩm của riêng chúng ta.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, trong chiến lược nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2030 do Thủ tướng ký phê duyệt đã nêu rõ ba quan điểm phát triển công nghệ vũ trụ. Thứ nhất, cấp thiết và nhất thiết chúng ta phải duy trì nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ và do nhu cầu về an ninh quốc phòng, cũng như ứng dụng phục vụ đời sống xã hội và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, khi chúng ta xác định là một nước không đủ tiềm lực dẫn đầu thì chúng ta nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ trong quá trình lâu dài, bảo đảm sự kế thừa và tiếp nhận công nghệ. Chúng ta cũng không xác định rằng chúng ta nghiên cứu vũ trụ để dẫn dắt cuộc chơi. Có như vậy chúng ta mới đưa ra được những cách giải quyết phù hợp.
Thứ ba, chúng ta xác định tiếp tục đầu tư không chỉ cho nghiên cứu phát triển mà cả cho việc phóng vệ tinh, mua vệ tinh, thuê vệ tinh. Công nghệ vũ trụ là nơi để thử nghiệm, phát triển và tích hợp tất cả những công nghệ cao mới nhất trên thế giới, từ công nghệ vật liệu, thông tin truyền thông, tên lửa… Chẳng hạn như công nghệ vật liệu trong hàng không vũ trụ luôn là công nghệ mới nhất, qua ứng dụng trong hàng không vũ trụ thì một thời gian rất dài sau đó mới được đưa vào ứng dụng trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá, một trong những kết quả nghiên cứu của chương trình khoa học - công nghệ vũ trụ của chúng ta là đào tạo đội ngũ con người, làm thế nào để qua chương trình này chúng ta có thể đào tạo nhiều hơn nữa các chuyên gia về nghiên cứu ứng dụng về công nghệ vũ trụ không chỉ cho viện nghiên cứu mà cho trường ĐH và rộng hơn nữa là các DN.
“Một xu thế trên thế giới là trước đây công nghệ vũ trụ là cuộc chơi của các chính phủ nhưng hiện nay mở rộng ra cho các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta thấy một số tập đoàn có dự án đầu tư chùm vệ tinh nhỏ để quan sát trái đất, hoặc chùm vệ tinh để hình thành hệ thống thông tin liên lạc internet như đầu tư của tỷ phú Elon Musk”, Thứ trưởng Duy chia sẻ.
Chúng ta đặt mục tiêu trong thời gian tới đào tạo nhiều hơn nữa những kỹ sư có khả năng ứng dụng triển khai các kết quả công nghệ vũ trụ, ông Duy khẳng định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Viện đang xây dựng Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025, trong có việc phối hợp thực hiện chương trình khoa học công nghệ vũ trụ là một nội dung quan trọng. Với sự hợp tác này, hy vọng chương trình khoa học công nghệ vũ trụ sẽ bước sang một giai đoạn mới.
THẢO LÊ
Ngày cập nhật: 27/09/2021
- Trung Quốc dự định dùng vật liệu tại chỗ để xây dựng căn cứ Mặt Trăng (16/12/2024)
- Máy bay điện lớn nhất thế giới sắp cất cánh (09/12/2024)
- Tên lửa Starship lại phóng vào không gian: Chinh phục Sao Hỏa không còn xa (02/12/2024)
- Trung Quốc ra mắt tàu vũ trụ chở hàng giá rẻ (25/11/2024)
- Phi hành gia SpaceX di chuyển tàu vũ trụ trên ISS (18/11/2024)
- Phi hành gia SpaceX di chuyển tàu vũ trụ trên ISS (12/11/2024)