Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 29664
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học tự nhiên

Đa dạng loài san hô giúp chặn đà suy giảm đa dạng sinh học (26/10/2021)

Một nghiên cứu mới của hai nhà khoa học ở Viện Công nghệ Georgia (Hoa Kỳ) mang đến cả hy vọng và nguy cơ về một tương lai u ám của các rạn san hô bị phá hủy.

San hô là nền tảng của các rạn đá ngầm trên thế giới, nhưng áp lực từ việc đánh bắt thủy sản quá mức, ô nhiễm môi trường và đại dương nóng lên đang giết dần các rặn san hô và làm suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng mà chúng cung cấp. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA, rạn san hô vùng Caribe đã mất đi khoảng 80-90% độ che phủ. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã mất khoảng một nửa san hô trong 30 năm qua. Trong đợt tẩy trắng năm 2015-2016, gần một nửa số san hô còn lại dọc theo rạn san hô Great Barrier (Úc) đã bị tẩy trắng và chết.

Là không gian sống của nhiều loài khác, sự suy giảm san hô sẽ kéo theo sự biến mất của các loài sống ở rạn đá ngầm. Tuy nhiên, chúng ta lại biết rất ít về tầm quan trọng của sự đa dạng các loài san hô đối với chính bản thân chúng.

Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Science Advances, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Cody Clements và GS. Mark Hay ở Viện Công nghệ Georgia phát hiện ra rằng việc tăng cường sự phong phú của san hô bằng cách trồng nhiều loài san hô cùng nhau sẽ góp phần cải thiện sự phát triển và khả năng sống sót của san hô. Phát hiện này đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phục hồi các rạn san hô.

Clements và Hay đã đến Mo›orea, thuộc quần đảo Polynesia của Pháp, nằm ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương để trồng những khu vườn san hô gồm nhiều loài khác nhau và đánh giá tầm quan trọng của hoạt động tương hỗ và cạnh tranh khi chúng sinh trưởng và tương tác theo thời gian.

Họ đã trồng nhiều loài san hô trên các ô bàn cờ dưới nước để tìm hiểu xem sự phong phú và mật độ các loài có ảnh hưởng đến năng suất và sự tồn tại của san hô hay không. Hay cho biết, trước đây nhiều thí nghiệm tương tự đã đưa san hô vào phòng thí nghiệm để các loài cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, lần này họ thực hiện tất cả các thử nghiệm của mình trong thực tế.

Một thử nghiệm do Clements đề xuất dùng các chai Coca-Cola đã giúp các nhà khoa học sắp xếp khu vườn này. “Chúng tôi gắn nắp chai ở phía mặt bệ trồng, san hô được trồng vào các cổ chai lộn ngược đã cắt rời, sau đó vặn vào hoặc bỏ ra khỏi chỗ trồng. Nhờ đó, chúng tôi có thể sắp xếp các loài theo ý muốn và sau vài tháng có thể vặn nắp lấy chúng ra để cân đo và biết chính xác tốc độ sinh trưởng của san hô”.

“Theo sắp xếp của chúng tôi, các loài san hô đáng lẽ phải cạnh tranh với nhau, nhưng thực tế, chúng sống cùng nhau tốt hơn so với khi ở một mình”, Hay cho biết. “Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu cơ chế tạo ra kết quả bất ngờ này, nhưng trong khu vực các rạn san hô làm thí nghiệm, các tương tác tích cực luôn áp đảo các tương tác tiêu cực. Do vậy, nếu loại bỏ một số loài ra khỏi hệ thống, những tương tác tích cực sẽ giảm xuống. Và nếu ta bỏ đi những loài san hô thiết yếu, nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn”.

Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy rằng sự gia tăng đa dạng sinh học mang lại lợi ích cho san hô nhưng chỉ ở mức độ nhất định. Clements lưu ý: “San hô trồng ở vườn có số lượng loài vừa phải, chủ yếu từ 3-6 loài - mang lại hiệu quả cao hơn so với những vườn có số lượng ít (1-2 loài) hoặc nhiều hơn (9 loài). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hiểu hết về các quy trình đã tạo ra kết quả này”.

Clements cho biết cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn cơ chế này. Tại sao san hô sinh trưởng tốt hơn trong quần thể hỗn hợp đa loài so với đơn loài? Tại sao hiệu ứng này lại giảm đi khi sự đa dạng của san hô ở mức cao nhất? “Chúng ta cần tìm hiểu thêm về cơ chế này để dự đoán mất mát đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến san hô như thế nào, cũng như khai thác ảnh hưởng tích cực của đa dạng sinh học để bảo vệ san hô”, Clements nói.

Nguồn: Thanh An/tiasang.com.vn

Ngày cập nhật: 25/10/2021

https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Da-dang-loai-san-ho-giup-chan-da-suy-giam-da-dang-sinh-hoc-28576