Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 1686
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Đánh giá hiện trạng nuôi trồng bào ngư tại vùng biển Hải Phòng (21/08/2024)

Nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố Hải Phòng, ngày 20/8, Sở  KH&CN tổ chức buổi làm việc với Đoàn công tác từ Vụ hợp tác quốc tế (HTQT) và chuyên gia cao cấp của Tổ chức Hợp tác Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) về hỗ trợ nguồn lực cần thiết để xây dựng Dự án thử nghiệm nuôi bào ngư tại thành phố Hải Phòng.

Đoàn công tác có ông Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ HTQT; Ông Wayne O’Conor, Cố vấn cao cấp thủy hải sản, Viện Nghiên cứu Thuỷ sản Port Stephens; cùng các thành viên trong đoàn. Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN chủ trì buổi làm việc cùng đại diện các phòng, đơn vị và các doanh nghiệp liên quan. 

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tại Sở KH&CN.

Hải Phòng nổi tiếng với đa dạng sinh vật biển phong phú, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và kinh tế địa phương. Hải Phòng mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, ảnh hướng lớn đến môi trường biển và các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản; nhiệt độ nước biển Hải Phòng biến đổi theo mùa, trung bình giao động từ 20 đến 30 độ C; Độ mặn thường nằm trong khoảng 30-35%; Độ pH trung bình từ 7,5 đến 8,5 thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài thuỷ sinh; Hàm lượng oxy hoà tan dao động từ 5 đến 8 mg/L; Hàm lượng muối dinh dưỡng như nitrate (NO3-), phosphate (PO43-) và silicate (SiO32-) ở mức vừa phải; Chỉ số oxy hoá học trung bình từ 1.5 đến 3 mg/L; Hàm lượng xyanua và dầu trong nước biển thường rất thấp, dưới 0.01 mg/L; Kim loại nặng như chì (Pb), cadmium (Cd), thuỷ ngân (Hg) có nồng độ thấp, dưới giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn TCVN 5943-1995... Chất lượng nước biển tại Hải Phòng phù hợp cho các hoạt động nuôi trồng thuỷ, hải sản. Tuy nhiên, cần tiếp tục giám sát và quản lý chặt chẽ các yếu tố ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt để đảm bảo duy trì môi trường biển, góp phần quan trọng trong việc nuôi thử nghiệm bào ngư xanh của Australia tại Hải Phòng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&CN Trần Quang Tuấn cho biết: chuyển giao công nghệ nuôi bào ngư xanh tại Việt Nam là mong muốn Hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Quốc tế Australia; có một dự án để triển khai cho Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng trên tinh thần người dân được thụ hưởng. Hiện nay ở huyện Cát Hải thành phố Hải Phòng có hơn 70 hộ dân nuôi trồng thuỷ, hải sản (nhuyễn thể, rong nho, cá...). Khu vực Cát Bà được bao quanh bởi đồi núi, nhiệt độ, độ mặn, độ pH đáp ứng được yêu cầu nuôi trồng bào ngư.

Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc báo cáo: hiện nay Việt Nam có 6 loại bào ngư, trong đó có 2 loại bào ngư có giá trị kinh tế cao; tỉ lệ sống của bào ngư tại Việt Nam là 7% (từ giai đoạn ấu trùng đến giai đoạn con giống). Hiện tại có 3 hình thức nuôi chính: hình thức nuôi trên bãi đá, hình thức nuôi trên lồng treo trên biển, hình thước nuôi trong lồng. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng: Đánh bắt thuỷ hải sản là mục tiêu phát triển của Hải Phòng; Hải Phòng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, thông qua việc tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và chính quyền địa phương; Hải Phòng có các Viện, trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu, nuôi trồng thuỷ, hải sản; mong muốn ACIAR đào tạo thêm nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành thuỷ sản, tiếp nhận chuyển giao công nghệ với mục tiêu nắm bắt được công nghệ, làm chủ công nghệ trong việc nuôi trồng thuỷ, hải sản./.

Trần Hùng (Sở KH&CN Hải Phòng)