Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8075
Tổng truy cập : 57,998

Khoa học nông nghiệp

Đánh giá nguồn gen cây thuốc lá (15/07/2025)

Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật/tài nguyên di truyền, là nơi có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới. Theo báo cáo thống kê, đến năm 2019, có trên 36.000 mẫu giống cây trồng nông nghiệp đang được lưu giữ, bảo quản chuyển chỗ tại các đơn vị mạng lưới thuộc hệ thống bảo tồn nguồn gen thực vật Quốc gia.

Tại Viện Thuốc lá đang lưu giữ 217 nguồn gen thuốc lá thuộc các nhóm vàng sấy, nâu phơi, oriental, xì gà... Đa số các nguồn gen thuốc lá vàng sấy đã được đánh giá (sơ bộ và chỉ tiết), tập trung vào các đặc điểm hình thái, năng suất và chất lượng. Gần đây, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, một số kỹ thuật phân tử đã được phát triển và ứng dụng để phân tích về các hệ gen ở mức phân tử. Việc đánh giá nguồn gen thuốc lá thông qua kết hợp chỉ thị hình thái và chỉ thị phân tử đã được nghiên cứu và công bố tại một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Macedonia, Thái Lan... với nhiều kết quả khả quan, đồng thời mở ra những hướng nghiên cứu khoa học mới. Vì vậy, việc phát triển các kỹ thuật sinh học phân tử kết hợp với phân tích hình thái trong đánh giá nguồn gen là chiến lược tiềm năng và đang được quan tâm trong những năm gần đây.

Các trình tự lặp lại đơn giản (SSR), được biết đến như là các chỉ thị phân tử hiệu quả đã được ứng dụng trong các nghiên cứu về đa dạng di truyền và chọn tạo giống thuốc lá gần đây như 120 chỉ thị SSR cũng đã được phát triển và sử dụng trong nghiên cứu đa dạng di truyền của 231 dòng thuốc lá (Tong và cộng sự, 2017), phân tích đa dạng di truyền của 35 giống thuốc lá bằng 8 đặc điểm kiểu hình và 13 chỉ thị SSR cho thấy có sự tương đồng cao về kết quả phân nhóm (Darvishzadeh và cộng sự, 2013)...

Ở Việt nam, việc kết hợp kết quả phân tích đa dạng quần thể dựa trên đặc điểm hình thái và chỉ thị phân tử đã rút ngắn thời gian cũng như nâng cao hiệu quả lai tạo giống ngô (Lê Thị Minh Thảo và cộng sự, 2014), đậu cô ve (Phạm Thị Ngọc và cộng sự, 2016), và bơ (Phạm Thị Phương và cộng sự, 2019). Tuy nhiên, các nghiên cứu sử dụng chỉ thị phân tử để đánh giá đa dạng di truyền của các giống thuốc lá vẫn còn rất hạn chế và chưa có công bố nào về đánh giá tương quan giữa chỉ thị phân tử SSR và các chỉ thị hình thái trên các giống thuốc lá tại Việt Nam.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Thạc sĩ  Trần Thị Thanh Hảo cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty TNHH MTV Viện thuốc lá thực hiện đề tài “Đánh giá nguồn gen cây thuốc lá” với mục tiêu đánh giá đa dạng di truyền của 73 nguồn gen thuốc làm cơ sở lựa chọn vật liệu khởi đầu cho công tác khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn gen cây thuốc lá.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

73 nguồn gen thuốc lá ngoài đổng ruộng được đánh giá đầy đủ 35 đặc điểm nông sinh học, năng suất và chất lượng chính cho thấy sự đa dạng về kiểu hình, năng suất và phẩm cấp. Phân tích đa dạng di truyền của 73 nguồn gen thuốc lá này bằng 17 chỉ thị hình thái quan trọng đã thu được hệ số tương đồng di truyền dao động từ 0,75 đến 0,95. Với hệ số tương đồng là 0,76 có thể chia 73 nguồn gen thành 3 nhóm riêng biệt (I, II và III). Nhóm I gồm 67 nguồn gen, nhóm II có 01 nguồn gen (Ré vàng) và nhóm III gồm 05 nguồn gen thuốc lá oriental.

Phân tích đa dạng di truyền 71 nguồn gen thuốc lá bằng 05 chỉ thị SSR cho thấy hệ số tương đồng di truyền dao động từ 0,43 - 0,99. Với hệ số tương đồng là 0,62 có thể chia 71 nguồn gen thành ba nhóm riêng biệt (I, II và II). Nhóm I gồm 29 nguồn gen, nhóm II gồm 39 nguồn gen và nhóm III gồm 3 nguồn gen.

So sánh giữa kết quả đánh giá đa dạng di truyền dựa trên chỉ thị hình thái và chỉ thị phân tử SSR của 71 nguồn gen thuốc lá đã cho thấy hệ có sự tương đồng nhất định của nhiều nguồn gen (SPG 67, Hicks 187, C9.1, C176 Dupnitsa 160, Vir 4241-3, P 1349-2, SPG 140...) trên cây phân loại. Bên cạnh đó, cũng có một số nguồn gen chưa tương đồng (C 176, K326, C 7.1, Ré vàng...) và cần tập trung nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 21020/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê./.

Đ.T.V (NASTIS)

Ngày cập nhật: 01/07/2025

https://www.vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/danh-gia-nguon-gen-cay-thuoc-la-11538.html