Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang trực tuyến : 8054
Tổng truy cập : 57,998

Tin KH & CN Hải Phòng

Đánh giá tổng thể chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở Hải Phòng và đề xuất các giải pháp quản lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững (18/05/2020)

Đây là tên đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố được Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện chiều ngày 15/5/2020.

Theo báo cáo, từ tháng 08/2018 đến tháng 04/2020, Chủ nhiệm đề tài, Thạc sĩ Trương Văn Tuân (Trưởng phòng Nghiên cứu vật lý - hóa học biển, Trung tâm Quan trắc môi trường biển) và các cộng sự đã thiếp lập 38 điểm quan trắc và tiến hành đánh giá các yếu tố tác động gây ô nhiễm môi trường nước; chất lượng môi trường nước cấp; chu kỳ biến động và tải lượng ô nhiễm của một số mô hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của Hải Phòng. 

Bản đồ phân bố 04 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và các điểm quan trắc (màu xanh: khu nuôi trồng thủy sản nước lợ; màu đỏ: khu nuôi trồng thủy sản nước ngọt).

Nghiên cứu cho thấy, chất bẩn dinh dưỡng và chất hữu cơ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm trong các thủy vực nuôi thủy sản nước ngọt và nước lợ của Hải Phòng. 

Thạc sĩ Trương VănTuân và các cộng sự trong một lần lấy mẫu nước.

Đánh giá chất lượng môi trường trong nguồn nước cấp cho thấy: tại vùng nuôi nước ngọt có chỉ số RQtt dao động từ 1,00-1,38 theo TCVN (QCVN 08-MT:2015/BTNMT), nằm ở mức nghiêm trọng nhất - mức ảnh hưởng tai biến môi trường; tại vùng nuôi nước lợ đã bị ô nhiễm đáng kể, chỉ số RQtt dao động từ 0,93-2,22 theo TCVN và từ 1,62-3,66 (theo tiêu chuẩn ASEAN), nằm từ mức nguy cơ tai biến môi trường đến ảnh hưởng tai biến môi trường.

Qua phân tích chu kỳ biến động và tải lượng ô nhiễm môi trường của một số mô hình nuôi trồng thủysản nước ngọt và nước lợ phổ biến, kết quả cho thấy, mô hình nuôi quảng canh cải tiến ít gây tác động đến môi trường nước hơn so với các mô hình nuôi khác.

Từ kết quả nghiên cứu đánh giá tổng thể chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở Hải Phòng, Thạc sĩ Trương Văn Tuân và các cộng sự đã đề xuất các giải pháp quản lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, gồm: Giải pháp về công tác quản lý đối với cơ quan quản lý và người nuôi trồng thủy sản; giải pháp về kỹ thuật; giải pháp về chính sách; giải pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức…

Đề tài nghiên cứu được Hội đồng khoa học đánh giá công phu và tỉ mỉ, có giá trị cao khi áp dụng vào thực tế; đồng thời cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho thành phố trong việc phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng bền vững tại Hải Phòng.

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu xem Tại đây!

Chỉ số RQtt: là chỉ số được tính bởi các thông số muối dinh dưỡng, NO3-, NH4+, PO43-, theo hai tiêu chuẩn giới hạn cho phép: (1) giới hạn cho phép của Việt Nam theo TCVN 5943 - 1995; (2) giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn nước biển Asean.

Nguyễn Trường Xuân